Lãnh đạo đại học - Một nghề khó

Lãnh đạo đại học - Một nghề khó
TP - "Giáo dục đại học không thể cho kết quả ngay được. Muốn có kết quả mười, hai mươi năm sau, bây giờ phải chuẩn bị. Phải có đầu tư trí tuệ rất lớn trong tập thể lãnh đạo để tìm ra định hướng và các mục tiêu chiến lược... ", tâm sự của GS -TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc ĐH Đà Nẵng.
Lãnh đạo đại học - Một nghề khó ảnh 1
GS -TSKH Bùi Văn Ga


Thưa Giáo sư, mới đây ĐH Đà Nẵng trao bằng TS danh dự cho người nước ngoài. Việc này đã có tiền lệ chưa? 

Việt Nam từng trao bằng TS danh dự cho người nước ngoài, nhưng do Bộ GD&ĐT trao. Còn đây là lần đầu tiên do một trường đại học trao.

Đầu tháng 12 vừa rồi ĐH Đà Nẵng trao bằng TS danh dự đầu tiên cho Giáo sư Heinrich Netz (Viện Tim mạch Munchen- Đức) và bà Irene Lejeune - quốc tịch Thụy Sĩ - Chủ tịch Hội Từ thiện Trái tim vì Trái tim của CHLB Đức. Họ sẽ trở thành những đại sứ thiện chí của Đại học Đà Nẵng.  

Đại sứ thiện chí có nhiệm vụ cụ thể gì không?

Mỗi khi có hoạt động, họ sẽ mang danh nghĩa TS danh dự của ĐH Đà Nẵng. Như giúp tìm tài trợ cho một chương trình nào đó của trường, tìm học bổng giúp đào tạo cán bộ giảng viên trẻ, tìm những đối tác công nghiệp, đối tác nghiên cứu giúp cho trường thành lập các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm...

GS-TSKH Bùi Văn Ga sinh năm 1957, quê Bình Định, làm thạc sĩ và TSKH tại Pháp, giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Joseph Fourier (Pháp).

Ông hai lần được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hàn lâm hạng Ba và hạng Nhì (các năm 2001, 2005); là nhà khoa học VN đầu tiên nhận giải thưởng khoa học năm 2003 của Hiệp hội các trường ĐH Cộng đồng Pháp ngữ (AUF Vương quốc Bỉ) vì những cống hiến trong nghiên cứu khoa học và kết nối đào tạo giữa ĐH Đà Nẵng với thế giới. 

Cán bộ giảng dạy là yếu tố tiên quyết. ĐH Đà Nẵng có cách đi nào riêng không?

Ba năm nay, ĐH Đà Nẵng đề ra chủ trương bắt buộc cán bộ trẻ được giữ lại trường phải ra nước ngoài làm thạc sĩ, tiến sĩ, bằng mọi cách.

Trong ba năm đầu sau khi được giữ lại, anh phải chuẩn bị mọi điều kiện như ngoại ngữ, tìm học bổng, tìm đối tác để, từ năm thứ ba trở đi, anh có thể ra nước ngoài học thạc sĩ, tiến sĩ.

Bởi, đa số các em đều được đào tạo ở trường, nay ở lại, rồi học tiếp trong nước, lại tiếp tục giảng dạy. Như vậy không có gì mới hết, vẫn theo lối cũ.

Vì vậy trường có chủ trương hết sức quyết liệt. Nếu sau ba năm, em nào không đi học được, do ngoại ngữ yếu chẳng hạn, các em sẽ chuyển công tác khác.

Nhờ chủ trương như vậy, đến giờ Đại học Đà Nẵng có đến vài trăm cán bộ giảng viên trẻ học ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc, Nhật, v.v, đã và đang trở về, trở thành đội ngũ cán bộ khoa học giỏi và năng động.

Giảng viên trẻ tiếp nhận chủ trương thế nào?

Lúc đầu các em thấy cũng sợ. Nhưng sau ba năm thực hiện, ai cũng phấn khởi.

Nhà trường có chính sách hỗ trợ gì không?

Nhiều em gặp khó khăn về tài chính. Năm đầu tiên trường hỗ trợ các em học ngoại ngữ, và hỗ trợ kinh phí bằng nhiều cách. Trường cũng tạo điều kiện giao đề tài cấp cơ sở tập cho các em làm quen với nghiên cứu khoa học, cũng để có kinh phí học ngoại ngữ thêm.

Trường có một quỹ, khá khiêm tốn thôi, gọi là quỹ hỗ trợ cán bộ trẻ. Quỹ do công đoàn vận động giáo viên đóng góp, giúp các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đi học nước ngoài, cho mượn không tính lãi. Học xong, các em sẽ trả lại quỹ những năm tiếp theo.

Tại một số trường thành viên, em nào thi IELTS, TOEFL đạt điểm cao sẽ miễn luôn học phí, em nào thấp hơn thì cho tiền lệ phí thi. Trường cũng xin học bổng giúp các em như học bổng 322 của Chính phủ, giới thiệu những chương trình liên kết với ĐH Đà Nẵng, những quan hệ song phương giữa hai trường đại học để đưa các em vào guồng như vậy.

Tiếp đó, các em tự tìm hiểu, tiếp xúc đề tài, liên hệ với thầy ở nước ngoài để, đến năm thứ ba, là có thể đi du học được. Cũng có em bị rớt, rất ít, chủ yếu do không có năng khiếu về ngoại ngữ.

Thành đại học nghiên cứu vào năm 2020

Định hướng nào cho ĐH Đà Nẵng về sau này?

Đại học Việt Nam hiện nay thua đại học nước ngoài ở chỗ thiếu nghiên cứu khoa học. Rất nhiều phàn nàn về điều này, nhưng cũng chưa ai đưa được giải pháp.

Chính vì vậy ĐH Đà Nẵng sau khi nghiên cứu tất cả các mô hình đại học trên thế giới thì xác định rõ mình phải phát triển theo định hướng nghiên cứu để, đến năm 2020, Đại học Đà Nẵng thực sự trở thành một đại học nghiên cứu, kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy.

ĐH Đà Nẵng đang triển khai từng bước. Đầu tiên là hình thành các nhóm nghiên cứu - giảng dạy ở những ngành hội đủ điều kiện, thực hiện nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu khoa học, làm đề tài, làm bằng phát minh sáng chế, v.v, rất có tác dụng.

Trên tiền đề các nhóm nghiên cứu - giảng dạy này, bước tiếp sẽ tiến tới thành lập đại học nghiên cứu.

Chúng tôi đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) xây dựng Đại học Quốc tế Đà Nẵng theo chuẩn quốc tế. Đây là một trong bốn đại học xuất sắc của cả nước theo mô hình mới.

Nghiên cứu sẽ gắn với ứng dụng, sản xuất?

Tất cả các phát minh lớn của thế giới đều từ các trường đại học. Các trường phải làm nhiệm vụ nghiên cứu, bởi không đâu tìm ra đội ngũ nhân lực trí thức bằng các trường đại học.

Tại ĐH Đà Nẵng, đã có nhiều công trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, như bơm nước dùng năng lượng mặt trời, lò hơi tầng sôi tuần hoàn đốt nhiên liệu phụ phẩm (trấu, vỏ điều, mạt cưa), máy lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời, bếp nấu bằng năng lượng mặt trời, sản xuất nước đá bằng sức nước giảm chi phí 100 lần so với dùng điện, động cơ nhỏ chạy bằng biogas, công nghệ sản xuất ống bê tông ly tâm, v.v. 

ĐH Đà Nẵng đang đào tạo theo hệ thống tín chỉ thông qua kiểm định quốc tế?

Chỉ có xây dựng hệ thống đào tạo tín chỉ mới giao tiếp được với các hệ thống giáo dục nước ngoài.

Từ năm 2006, khi chưa có chủ trương của Bộ GD&ĐT, trường đã xin phép làm thí điểm, sau đó làm chính thức. Khi Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện đào tạo tín chỉ từ năm 2010, thì trường đã có một số kinh nghiệm.

Cũng từ năm 2006, ĐH Đà Nẵng mở chương trình "Đào tạo tiên tiến" (Advanced Program). Đến nay có bốn chương trình như vậy. Trong đó hai chương trình "Sản xuất tự động" và "Tin học công nghiệp" hợp tác với ĐH Bách khoa Quốc gia Grenoble (Pháp) do Chính phủ Pháp tài trợ.

Hai chương trình "Điện tử viễn thông" và "Hệ thống nhúng “(tự động tích hợp) hợp tác với ĐH Washington và ĐH Porland State (Mỹ), dạy bằng tiếng Anh, phần lớn do các GS Mỹ dạy.

Hai chương trình với Pháp đã được kiểm định bởi hệ thống kiểm định chất lượng châu Âu (CTI). Còn hai chương trình với Mỹ, năm nay sinh viên sẽ bắt đầu tốt nghiệp, trường sẽ tham gia chương trình kiểm định ABET của Mỹ.

Bằng cấp của sinh viên qua các chương trình được kiểm định này tương đương bằng của nước ngoài.

Việc thực hiện chủ trương ba công khai tại ĐH Đà Nẵng đến đâu rồi, thưa Giáo sư?

ĐH Đà Nẵng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện ba công khai theo chủ trương của Bộ. Tất cả được công bố rộng rãi trên trang web của trường.

Năm 2008, ĐH Đà Nẵng hợp tác với Micosoft và được tài trợ miễn phí một dữ liệu phần mềm Live@edu nối mạng tám trường thành viên với 75.000 sinh viên và 2.000 cán bộ, mỗi người một tài khoản dung lượng 25 Gb để liên lạc, lưu và công bố tài liệu khoa học, làm việc nhóm với nhau.

Không chỉ thế, tất cả các công trình, lý lịch khoa học cho đến giáo trình, bài giảng của các thầy đều được đưa lên đây. Live@edu là giải pháp mà từ lâu trường mong ước. Nhờ đó, trường có thể triển khai đào tạo hệ thống tín chỉ.

Các thầy cô hy sinh quyền tác giả của mình, đưa hết lên mạng để sinh viên học, tham khảo, với khoảng 600 giáo trình điện tử.

Cũng nhờ vậy, vừa rồi ĐH Đà Nẵng là một trong rất ít trường đại học của Việt Nam được webometrics (hệ thống xếp hạng các đại học trên thế giới căn cứ theo năng lực thông tin trên mạng internet - PV) xếp vào top 100 các đại học khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nghề  lãnh đạo đại học

Theo Giáo sư, cái khó của người lãnh đạo đại học bây giờ là gì ?

Lãnh đạo đại học bây giờ khác xưa rất nhiều. Bọn mình bây giờ không phải ngày tám tiếng như trước kia. Làm lãnh đạo đại học khó khăn vất vả hơn nhiều so với điều hành một đơn vị bên ngoài.

Sản phẩm của đại học là sản phẩm đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh phát triển của đất nước. Mấu chốt là sinh viên ra trường phải có chất lượng thực sự. 

Làm quản lý, Giáo sư có tiếp tục những công trình nghiên cứu khoa học?   

Mình vẫn theo định hướng từ trước đến nay là đi vào năng lượng và môi trường. Sau khi thành công với công nghệ chuyển đổi xe gắn máy và các phương tiện cơ giới chạy bằng xăng dầu qua sử dụng nhiên liệu khí hoá lỏng PLG (gas), giờ mình chuyển sang biogas trên các động cơ tĩnh tại và máy móc ở nông thôn.

Đã phát minh ra các bộ phụ kiện chuyển đổi, những động cơ chạy bằng xăng, dầu diezel như máy xay xát, máy bơm, máy phát điện, v.v, chuyển sang chạy bằng biogas.

Khí thải CO2 khi đó sẽ bằng 0, đảm bảo trong sạch môi trường. Nông dân tiết kiệm được tiền bạc, vừa xử lý được vấn đề môi trường cũng như thiếu hụt năng lượng hiện nay.

Cty Toyota VN đã hỗ trợ kinh phí mua bộ phụ kiện chuyển đổi này cho những hộ nông dân trên toàn quốc có nguyện vọng sử dụng nhiên liệu biogas cho máy móc.

Sắp tới mình phát triển thành đề tài nghiên cứu cấp nhà nước để triển khai rộng rãi cho các vùng nông thôn.

Bước tiếp theo, mình và nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng biogas trên các phương tiện cơ giới, máy cày, máy kéo, xe tải nhỏ nông thôn, thậm chí tàu thuyền đánh cá. Biogas sẽ được nén vào bình gắn vào các phương tiện, công đoạn này rất phức tạp, đang còn trong quá trình nghiên cứu.

Trần Tuấn
Thực hiện

MỚI - NÓNG