Làng vắt vẻo bên dòng sông dữ

Cầu vắt qua đoạn sông dữ
Cầu vắt qua đoạn sông dữ
TP - Hơn 10 năm xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của chính quyền nhưng những hộ dân nghèo khó của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đầu tắt mặt tối với cuộc mưu sinh ở mảnh đất Tây Nguyên.   

Khổ vẫn hoàn khổ

Từ QL 24, rẽ vào 2 cây số đường hẹp gập ghềnh, mù bụi, chúng tôi đến cầu treo dẫn vào làng kinh tế mới, bắc qua sông Đak S’nghé có tiếng hung dữ.

Người dân quen đường thì ào ào phóng xe qua chiếc cầu bề ngang chỉ vừa tầm lọt một chiếc xe máy, khiến lòng cầu hẹp cứ bồng bềnh, cảm giác như bất cứ lúc nào cũng có thể rơi từ độ cao hơn 10m xuống dòng sông sâu. 

Qua cầu, vượt thêm chừng 2 cây số đường y như bên kia cầu nữa chúng tôi mới vào được thôn 14 xã Đak Ruồng (huyện Kon Rẫy, Kon Tum).

Tiếp chúng tôi, thôn trưởng Hoàng Văn Hồng đùa: Đã hoàn hồn chưa? Dân ở đây ngày nào cũng đi lại như thế đấy! Theo lời kể của ông Hồng, ngày mới vào Tây Nguyên, hơn trăm hộ dân với trên 300 khẩu được phân ở tại tiểu khu 550, thuộc thôn 4, xã Đak Ruồng và một phần xã Đak Tờ Re (huyện Kon Rẫy).

 Mỗi hộ được chia 3 sào đất để làm nhà ở và canh tác. Ngày ấy, ai cũng hớn hở lên đường, mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn quê nhà bởi nghe rằng đất đai Tây Nguyên vừa rộng lại vừa màu mỡ, thế nhưng vào đến nơi mới vỡ mộng. Làng như cái ốc đảo, bị cách ngăn bởi dòng sông dữ tợn, đất đai thì cằn cỗi. 

Ngày ấy làm gì có cầu, chỉ có sợi cáp cùng chiếc phao nối hai bên bờ sông. Đã quyết ra đi nên họ đành nhắm mắt đánh bạc với số phận: Qua sông! Đến khi có người bị dòng sông dữ cuốn mất thì lòng người thật sự chấn động. Đến năm thứ hai, đã có già nửa số hộ không trụ nổi quay về.

Pha trà mời khách, vợ ông thôn trưởng tiếp lời chồng: Bán hết đất đai, tài sản ở quê mới xây được căn nhà nho nhỏ, thế là đã khá nhất vùng này rồi đấy chú. Dân thôn này khổ lắm, nhiều gia đình còn phải ở nhà tranh vách đất.

 Cả thôn mà chẳng có nổi cái tiệm tạp hóa, muốn ăn uống, mua sắm đều phải đi cả chục cây số. Mùa mưa càng trắc trở muôn phần. Để vào thôn 14 vẫn còn con đường khác, từ trung tâm huyện Kon Rẫy vào, xa gần 30 cây số, rất khó đi, mùa mưa thì hoàn toàn không đi được. Dân ở đây chuyên trồng mì (sắn), bắp, đậu… nhưng đất đai quá cằn cỗi, nên mỗi năm, một ha mì tốt cũng chỉ thu được tối đa 12 triệu đồng.

Hộ ông Nguyễn Văn San nghèo nhất thôn 14, nhà tranh vách đất, đến nước uống cũng bị nhiễm phèn mà vẫn phải uống, vì không mua nổi bình lọc. Ông San than thở: “Hơn chục năm qua, cả gia đình tôi đều đầu tắt mặt tối suốt ngày trên rẫy, cố gắng lắm rồi mà cuộc sống chẳng khá lên nổi!”. 

Làm sao để thoát nghèo?

Báo cáo của HĐND xã Đak Ruồng về thôn 14 cho thấy 50 hộ dân, 210 nhân khẩu ở đây chỉ sống nhờ trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập rất thấp nhưng dân số thì cứ tằng tằng vượt kế hoạch. 

Theo Bí thư chi bộ thôn 14 Phạm Văn Minh thì nhiều năm nay, lúc nào chỉ tiêu, kế hoạch về diện tích gieo trồng của xã giao thôn đều phải năm sau cao hơn năm trước. Thế nhưng dân làm gì khai hoang thêm được nữa? Vì ngoài diện tích đất trồng trọt hiện có, toàn bộ đất đai ở khu vực này, tỉnh đều đã giao cho một công ty làm dự án trồng cao su.

Ngoài chất lượng nông sản thấp do đất xấu, thâm canh kém, giao thông cũng không thuận lợi. Ví dụ, khi giá sắn củ trên thị trường là 3.200 đồng/kg, thì dân ở đây chỉ bán được 2.500 đồng/kg nếu tiểu thương đánh xe đứng đầu cầu thu mua. 

Còn không thì phải chở từng bao, từng bao qua cầu treo rồi lại lôi lên quốc lộ, tính đi tính lại cũng chỉ còn từng ấy… Chăn nuôi thì chỉ có gà, vịt, nếu nuôi heo thì cầm lỗ là cái chắc do khó khăn trong vận chuyển thức ăn gia súc. Nuôi bò cũng chẳng xong, bởi có bãi cỏ đâu.

Mong muốn thoát nghèo, người dân thôn 14 chỉ còn cách trông chờ vào thế hệ tương lai. Cả thôn hiện có 50 trẻ em với 30 học sinh đang theo học ở các trường bên kia sông. Do hoàn cảnh quá khó khăn, nhiều em đã bỏ học giữa chừng. 

Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay cả thôn mới chỉ có 1 người đang học đại học, 1 người học cao đẳng, 1 cán bộ xã là chủ tịch hội Cựu chiến binh. 2 người học cao nhất thôn đều là con của Bí thư chi bộ Phạm Văn Minh.

“Với thu nhập bình quân đầu người chưa được triệu bạc/tháng, chi cho chuyện ăn uống hàng ngày của gia đình đã là khó nói gì đến những chuyện khác. Mà không cố học, thế hệ tương lai ở đây chỉ có nước lại trồng mì và nghèo đói như bố mẹ chúng thôi!”- Ông Minh thở dài.

MỚI - NÓNG