'Lang thang' như Trung tâm văn hóa Đà Nẵng

Toàn bộ pa nô, bảng hiệu, dụng cụ sân khấu…phải nhồi nhét tạm trong nhà giữ xe, hành lang. Ảnh: Thanh Trần.
Toàn bộ pa nô, bảng hiệu, dụng cụ sân khấu…phải nhồi nhét tạm trong nhà giữ xe, hành lang. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Đó là thực trạng của Trung tâm văn hóa (TTVH) thành phố Đà Nẵng, sau khi trụ sở được bán cho tư nhân.

Trước đây, trụ sở của TTVH đặt tại số 84 Hùng Vương với diện tích 14.000m2, có đủ không gian để tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Đến năm 2008, để dành đất cho một dự án thương mại, Trung tâm phải chuyển về số 68 Trần Phú, sinh hoạt trong một ngôi nhà 3 tầng chật chội, mọi hoạt động đều diễn ra cầm chừng.

Đến đầu năm 2011, thành phố lại chuyển Trung tâm về số 1A Phan Đăng Lưu, trụ sở, khuôn viên ở đây khá rộng rãi, phục vụ tốt cho các hoạt động. Tuy nhiên, khi các hoạt động vừa vào guồng thì thành phố lấy lại khu đất này cho Dự án Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí, Trung tâm lại phải di chuyển đến số 102 Lê Lợi và sinh hoạt cho tới nay.

“Năm nay là năm Văn hóa văn minh đô thị của Đà Nẵng, hoạt động ngập đầu, thành phố cũng hiểu rõ Trung tâm phải làm việc hết công suất nên hỗ trợ gấp đôi kinh phí các năm. Nói vậy để hiểu được chức năng và tầm quan trọng của TTVH, vậy mà tới giờ vẫn không có nổi một trụ sở chính thức” 

Ông Ngô văn Bảy 

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc TTVH, cho biết: “Việc di chuyển quá nhiều làm các hoạt động không thể nào ổn định. Để gây dựng một hoạt động văn hóa, thể thao, các câu lạc bộ… hoàn toàn không dễ. Vận động người dân tham gia lại càng khó hơn, vậy mà khi vừa mới tạm ổn thì đùng một phát bị chuyển đi làm mọi kế hoạch vỡ lở, các thành viên tham gia cũng tan tác theo. Dù linh động tổ chức nhiều chương trình ở ngoài nhưng các câu lạc bộ vẫn cần có một trụ sở chính thức để lui tới sinh hoạt, không thể nay đây mai đó được”. 

Theo ông Bảy, việc di chuyển còn làm mất rất nhiều tiền bạc, thời gian, công sức, và quan trọng nhất là xốc lại tinh thần làm việc cho các nhân viên. “Thật sự cứ đi ở “trọ” hoài làm ai cũng mệt mỏi, đường đường là TTVH của một thành phố lớn mà không có nổi một trụ sở chính thức, đàng hoàng nhiều lúc cũng khiến anh em thấy tủi thân”, ông Bảy
chia sẻ.

Bao giờ mới chịu xây?

Trụ sở hiện tại của TTVH ở số 102 Lê Lợi được ghép chung với Trung tâm Tổ chức sự kiện và Trung tâm Quản lý di sản thành phố. Cơ sở chính của TTVH nằm ở tầng 2 và tầng 3 khu nhà với hơn 10 phòng làm việc tạm đủ cho nhân sự nhưng lại không có kho bãi đủ lớn để cất giữ, bảo vệ hệ thống âm thanh ánh sáng sân khấu, bàn ghế, pa nô, bảng hiệu… Thành thử, Trung tâm phải tận dụng một phòng làm việc hơn chục mét vuông để cất những dụng cụ sân khấu có giá trị, số còn lại đùn đẩy vào hành lang, nhà giữ xe, thậm chí phơi nắng mưa giữa sân. Ngoài ra, trụ sở này cũng chỉ có một hội trường nhỏ đủ để tổ chức các cuộc hội họp bình thường, chương trình nghệ thuật đơn giản, ít khán giả.

Theo kế hoạch, trước Tết Bính Thân năm nay, TTVH sẽ phải tiếp tục chuyển về số 23 Trần Phú (Tòa Phúc thẩm Đà Nẵng cũ) và ở ghép với các đơn vị khác. Hiện tại, thành phố đang có kế hoạch bố trí 45.000m2 đất ở phường Thuận Phước (quận Hải Châu) để xây TTVH. “Nghe kế hoạch thì mừng nhưng chẳng biết bao giờ mới triển khai. Các tỉnh khác ở trong khu vực và cả nước dù khó khăn vẫn đầu tư xây dựng một TTVH quy mô, đàng hoàng, bởi đấy cũng là bộ mặt của địa phương, không hiểu sao Đà Nẵng lại bỏ ngỏ lâu đến như vậy?”, ông Bảy băn khoăn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.