Từ rạng sáng đến chiều nay (17/8), mực nước trên sông Kỳ Cùng mỗi lúc một dâng cao, chỉ còn cách mép đôi bờ vài mét. Sân đền Kỳ Cùng bên bờ Bắc, nước đã tràn vào sân, ngập một số công trình kiến trúc tôn giáo.
Đáng ngại hơn cả, cầu Kỳ Cùng đang thi công dở dang, mới xây dựng xong phần mái vòm cầu thì phải dừng lại vì mưa lũ lớn của đợt bão số 4 kéo về.
Hiện tại, nước đục ngầu, chảy xiết bủa vây các trụ, mố cầu. Mộ số hạng mục xây dựng đã chìm trong biển nước. Mực nước cách vòn cầu chỉ chừng vài mét. Trong khi đó, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Nhiều người dân địa phương hay tin, lo lắng đội mưa đến trông chờ và hy vọng cây cầu non mới này sẽ chống chọi được sự hung dữ của “thủy thần”.
Cuối năm 2016, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, tỉnh Lạng Sơn vẫn tiến hành tháo dỡ cầu cũ truyền thống, gắn liền với lịch sử, văn hóa của người dân địa phương để xây dựng cầu mới với tổng mức đầu tư khoảng 405 tỷ đồng và dự kiến đến tháng 6/2018 hoàn thành.
Nhiều người dân Lạng Sơn cho biết: Khoảng năm 1985, 1986, tỉnh cũng cho xây dựng cây cầu mới thấp hơn kiến trúc cây cầu cũ (đã đổ sập năm 1979); thế nhưng khi đang thi công thì bị nước lũ cuốn phăng đi mất.
Mới đây, ngày 26/7/2018, sau khi đi thị sát thực địa, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn chủ trì cuộc họp xem xét phương án phòng chống bão lũ, bảo đảm an toàn công trình cầu Kỳ Cùng.
Một số chuyên gia cho rằng; với địa thế cầu Kỳ Cùng hiện tại phía thượng lưu nằm trong đoạn sông cong (giảm gia tốc dòng chảy khi có lũ nhưng lại tạo xoáy lớn), hạ lưu cầu là đoạn sông thẳng. Với đặc điểm như vậy, nếu xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, biến động lưu lượng dòng chảy thì công trình rất khó lường và nguy hiểm.
Mé bờ bắc (bên phải tấm ảnh), nước đã trần ngập sân đền Kỳ Cùng - Ảnh: Duy Chiến