Lãng phí lớn

TP - Vài năm trước, TPHCM thiếu hụt trầm trọng quỹ nhà tái định cư. Hàng nghìn hộ dân bị giải tỏa tại các dự án phải tạm cư thời gian rất dài, có khi cả chục năm để chờ tái định cư.

> Đề xuất cơ chế dân góp đất vào dự án
> Lo ngại 'mất nhà' khi mua chung cư có thời hạn

Nhưng hiện nay thì khác. TPHCM đang tồn hàng nghìn căn hộ tái định cư, dự kiến phải chuyển bớt sang làm nhà ở xã hội. Đa số hộ dân lĩnh tiền đền bù, chấp nhận ra rìa thành phố mua đất xây nhà, không muốn nhận nhà tái định cư. Mới nghe thì tưởng là lạ, nhưng có ở “trong chăn” mới rõ nỗi khổ “có rận”. Người dân thà đi làm xa hơn nhiều, thà chấp nhận hao thêm tiền xăng xe và nhiều thứ lợi ích khác khi phải sống xa trung tâm, đủ biết điều kiện sống ở các căn hộ thuộc dạng tái định cư ở mức nào.

Chuyện kêu ca liên quan chất lượng nhà tái định cư, ở đây cụ thể là các chung cư dành cho việc đền bù, giải tỏa di dời dân ở một số đô thị của nước ta, đã kéo dài nhiều năm. Không chỉ ở TPHCM, thực tế tại Hà Nội cho thấy chỉ qua chưa đến 10 năm mà nhiều chung cư tái định cư đã xuống cấp trầm trọng.

Không những thế, người dân sống trong các căn hộ dạng này thường là dân nghèo, “thấp cổ bé họng” nên lắm khi không thể làm gì trước những chèn ép, cắt xén, lạm dụng của nhà đầu tư và sự “buông lỏng” của chính quyền.

Trong khi đó, có chuyên gia đã cho rằng, chúng ta đang có bất cập trong giám sát chất lượng nhà tái định cư. Ông Phạm Sỹ Liêm-nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng và nay là Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đang tồn tại những yếu kém trong quản lý các chung cư, nhất là nhà chung cư tái định cư, thiếu bộ máy giám sát.

Tuy vậy, nếu các cơ quan chức năng làm đầy đủ và nghiêm túc phần việc của họ thì tình hình chắc chắn đã được cải thiện. Bởi bất cứ công trình tái định cư nào cũng có trách nhiệm giám sát của sở xây dựng các tỉnh, thành phố, ngoài trách nhiệm của nhà đầu tư. Đã có giám sát, có nghiệm thu mà nhà giao cho người dân vẫn kém chất lượng thì không thể nói Sở Xây dựng địa phương vô can.

Cũng có người có trách nhiệm lý giải rằng, chất lượng nhà chung cư thấp là do định suất đầu tư mà tỉnh/thành phố đặt ra từ trước. Mức đầu tư này do Sở Kế hoạch-Đầu tư quyết và khi suất đầu tư được định ở mức thấp thì đương nhiên chất lượng nhà cũng thấp theo.

Nhưng cho dù ngành kế hoạch đầu tư sai đến đâu, ngành xây dựng có phần trách nhiệm thế nào thì thiệt hại như thường lệ vẫn được đổ lên đầu dân. Với việc người dân TPHCM từ chối nhà tái định cư, vì không “bằng hoặc hơn nơi ở cũ” như luật quy định,mà thêm nữa những chung cư bị chối bỏ đó lại còn là một lãng phí lớn.                                                                                  

Theo Báo giấy