Từ năm học 2013 - 2014, Sở GD-ĐT TP.HCM chủ trương trang bị gần 1.000 bảng tương tác ở các trường mầm non và tiểu học với tổng kinh phí gần 180 tỉ đồng. Trong đó ngân sách 50%, còn lại các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh (HS) theo phương thức xã hội hóa.
Được xem… 3 lần
Ghi nhận tại nhiều trường mầm non, tiểu học cho thấy, số lần HS được học bảng tương tác là rất thấp.
Giáo viên một trường mầm non trên địa bàn quận 5, TPHCM thừa nhận: “Gần 9 tháng thực học, trẻ mầm non lớp này chỉ được tiếp xúc với bảng tương tác một vài lần, giáo viên sử dụng bảng tương tác như máy chiếu cho HS xem là chính”.
Nhiều phụ huynh ở một trường mầm non của quận này cũng cho biết, rất hiếm khi con họ được học với bảng tương tác. “Tôi đóng cho nhà trường mỗi tháng 10.000 đồng. Vị chi cả năm học là 90.000 đồng. Nhưng khi hỏi thì cô giáo cho biết chỉ lên lớp được 3 buổi”, một phụ huynh khẳng định.
Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4 có 3 bảng tương tác nhưng 2 bảng dành cho HS các lớp tăng cường tiếng Anh. Còn lại khoảng hơn 20 lớp HS dùng chung một bảng.
Theo thông tin mà phụ huynh phản ánh, HS trường này (lớp thường) mỗi tháng chỉ được “tiếp cận” bảng tương tác một vài lần.
“Hầu như bảng tương tác chỉ sử dụng cho các giờ dạy tiếng Anh (có ứng dụng hình ảnh, âm thanh). Đối với các môn toán, tiếng Việt, giáo viên rất ít khi soạn được bài giảng, HS rất ít khi tiếp xúc với bảng tương tác”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 4 nói.
“Tình hình chung tại TP.HCM là hiện nay, có nhiều trường chỉ dùng bảng tương tác trong việc dạy tiếng Anh. Nếu để đầu tư kinh phí mua bảng tương tác mà chỉ sử dụng học tiếng Anh thì đúng là quá lãng phí. Hơn nữa, HS chỉ tiếp cận bảng này một vài lần trong năm thì làm sao có hiệu quả?”, lãnh đạo một trường tiểu học tại TP.HCM cho biết.
Đầu năm 2014, Trường THCS Colette (quận 3) nhận 4 bảng tương tác. Nhưng theo thông tin chúng tôi có được, HS và giáo viên chưa sử dụng vào mục đích giảng dạy.
Có lần trường chỉ dùng bảng tương tác để chiếu cho giáo viên thấy sơ đồ giám khảo kiểm tra học kỳ 2! Đây cũng là tình trạng chung cho rất nhiều trường đang ứng dụng bảng tương tác vào việc dạy học.
Giáo viên chưa biết ứng dụng
Ngoài ra, một thực tế nữa là giáo viên chưa biết cách thao tác thành thục bảng tương tác, cũng như việc tự thiết kế bài giảng phù hợp với thiết bị nhằm có sự tương tác với HS.
Chẳng hạn chỉ có khoảng 10 giáo viên trong nhóm công nghệ thông tin của một trường mầm non tại Q.5 có thể thiết kế được bài giảng trên bảng tương tác. Tuy nhiên, qua thẩm định, ban giám hiệu trường cuối cùng chỉ chọn được mỗi người một bài đưa vào ứng dụng giảng dạy.
Hơn 50 giáo viên còn lại hầu như không thực hiện được điều này. “Thường họ chỉ dùng bảng tương tác như một máy chiếu”, một giáo viên cho biết.
Các giáo viên cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như không có thời gian vì chương trình dạy hiện nay rất nặng, phải chạy đua mới kịp. Tuy nhiên, lý do quan trọng là việc tập huấn sử dụng bảng tương tác không đến nơi đến chốn.
Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Q.4) có 2 bảng tương tác. Đợt tập huấn từ đầu năm học chỉ có 5 giáo viên, hầu hết dạy tiếng Anh tham gia. Các giáo viên này chỉ dẫn lại cho gần 30 giáo viên khác của trường.
Tuy vậy, đâu phải giáo viên nào cũng có thể ứng dụng được. Cho đến nay, giáo viên trường này cũng dùng bảng tương tác chủ yếu ở các tiết tiếng Anh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị cung cấp chỉ chuyển bảng tương tác đến Trường THCS Colette nhưng không tập huấn cho giáo viên trường này mặc dù lãnh đạo trường đã đề xuất. Cuối cùng, trường này phải nhờ một người đang tập huấn cho Trường THCS Kiến Thiết đến hướng dẫn cho 2 giáo viên của trường.
Có nhiều ý kiến cho rằng trang bị bảng tương tác một phần để đáp ứng việc dạy tích hợp trong chương trình đổi mới sắp tới. Chuyên viên công nghệ thông tin một phòng giáo dục tại TP.HCM cho biết: “Có thể, nhưng vấn đề là giáo viên có biết thiết kế bài giảng hay không. Tình hình chung, với áp lực của chương trình, với việc tập huấn chưa mang tính chiều sâu thì giáo viên khó lòng thực hiện được điều này”.
Không có chỗ đặt thiết bị
Đi thực tế ở nhiều trường mới thấy nhiều trường không có phòng chức năng để đặt bảng tương tác. Ban giám hiệu Trường Đặng Trần Côn phải sắp xếp 2 bảng ở phòng hội đồng và thư viện. Khi học tiếng Anh, HS phải vào 2 phòng này.
Còn nhớ ngay từ đầu năm học, lãnh đạo nhiều trường không dám nhận bảng tương tác vì không có phòng chức năng đặt thiết bị này. Chẳng hạn quận Phú Nhuận được cung cấp 42 bảng nhưng các đơn vị chỉ đăng ký nhận 28 bộ, một số trường mầm non đề nghị không nhận vì không có phòng chức năng. Quận 7 được thành phố giao cho 44 bộ nhưng các trường chỉ có nhu cầu 23 bộ (trong số 18 trường mầm non chỉ 11 trường nhận)…
Về việc áp dụng công nghệ vào dạy và học, PGS-TS Vũ Hải Quân, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nhìn nhận: “Đối với trẻ, việc được học trong một môi trường an toàn với tình yêu thương chân thành của các cô giáo, những hoạt động kết hợp học và chơi là quan trọng nhất chứ không phải là những thiết bị công nghệ mới mà cả cô giáo, HS và gia đình đều chưa sẵn sàng đón nhận”.
Một số điểm cần xem xét lại
Để triển khai một mô hình, phương pháp hay công cụ giảng dạy mới, nhất là cho bậc mầm non và tiểu học, cần phải được nghiên cứu thử nghiệm, phân tích những ưu điểm và hạn chế, những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực trước khi triển khai đại trà.
Nếu nói bảng tương tác giúp trẻ tập trung và hứng thú hơn với bài giảng sinh động thì các công cụ học tập khác như: bột màu, đất sét, khúc gỗ, thanh tre... còn giúp trẻ năng động hơn với các bài học thực tế.
Trong việc áp dụng dạy bằng bảng tương tác hiện nay cũng có một số điểm cần xem lại. Hầu hết các lớp học đều không được thiết kế để gắn bảng tương tác ngay từ đầu nên vị trí đặt bảng và đèn chiếu ở nhiều lớp chưa hợp lý, gây khó khăn cho các em nhỏ khi cần tương tác trực tiếp. Việc tập huấn giáo viên biết sử dụng rồi biết thiết kế bài giảng cũng cần được thực hiện trước.
PGS-TS VŨ HẢI QUÂN
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Theo Bạch Dinh - Đăng Nguyên