4 giờ sáng, phóng viên Tiền Phong có mặt tại làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng) cũng là lúc những người làm bánh phu thê ở làng này bắt đầu đỏ lửa làm bánh. Gia đình anh Nguyễn Đình Minh nằm đối diện với cổng Đền Đô là một trong những hộ làm bánh phu thê ngon nức tiếng. Mới sáng tinh mơ, cả nhà anh tất bật làm bánh.
Đôi tay của anh Minh thoăn thoắt làm nhân bánh. Vừa làm bánh, anh vừa tâm sự: Gia đình anh có 5 thế hệ làm bánh phu thê. Nghề làm bánh phu thê ở Đình Bảng có từ thời nhà Lý cho đến nay. Ngày xưa, người làng Đình Bảng làm bánh phu thê vào dịp Tết đến xuân về để biếu tặng.
Cũng theo anh Minh, ngày xưa, chỉ những gia đình giàu có hoặc nhà làm quan mới có điều kiện để làm bánh phu thê. Đến những năm 1990, nghề làm bánh phu thế bắt đầu phát triển mạnh. Trong làng bắt đầu xuất hiện những gia đình chuyên làm bánh phu thuê hằng ngày để bán.
Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Minh cho bết thêm, để làm ra bánh phu thê thơm ngon và đẹp mắt đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến chế biến thành phẩm.
“Bánh phu thê là sản phẩm của sự kỳ công chế biến, nguyên liệu làm bánh đều là những sản vật của đồng quê. Vỏ bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng xay mịn, lọc lấy tinh bột, sau đó nhào với đu đủ xanh nạo nhỏ, ngâm nước quả dành dành để tạo màu cho bánh. Nhân bánh chủ yếu là đậu xanh được đồ chín, sau đó trộn với đường kính và các gia vị khác như mứt bí, mứt sen và cùi dừa để tạo độ thơm, ngậy”, chị Thu chia sẻ.
Chi Thu tâm sự, bánh phu thê được gói thành cặp, với 2 lớp lá, bên trong là lớp lá chuối, bên ngoài phủ lá dong, rồi buộc lại bằng sợi lạt đỏ. Bánh phu thê được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản.
Theo chị Thu, sở dĩ bánh phu thê gói thành cặp là bởi dân gian xưa quan niệm bánh phu thê là hình ảnh tượng trưng cho đôi lứa nên duyên vợ chồng: “Hôm nay sum họp trúc mai - Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm”.
Màu xanh của lá bánh thể hiện sự thủy chung son sắt của người vợ, sợi lạt đỏ buộc bánh tượng trưng cho sợi tơ hồng se duyên cho đôi lứa gắn bó tình nghĩa vợ chồng. Mỗi chiếc bánh làm ra đều chan chứa tình yêu thương, sự đằm thắm, dịu dàng của người vợ hiền gửi gắm đến người chồng của mình. Cũng chính vì thế mà bánh trở thành thức quà đặc trưng trong mỗi mâm lễ ăn hỏi.
Chị Thu cho biết, nhiều người lầm tưởng bánh phu thê là bánh su sê. Hai loại bánh này có điểm khác biệt, đó là bánh phu thê luôn gói theo cặp, chỉ có 1 màu vàng duy nhất và to hơn bánh su sê.
Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID – 19 mà việc tiêu thụ bánh phu thê gặp nhiều khó khăn. “Thời điểm này năm ngoái, nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài tỉnh đặt bánh phu thê nhà tôi để biếu Tết. Dịp Tết năm ngoái, mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 300 cặp bánh phu thê. Tết năm nay, do dịch COVID – 19 mà số lượng bánh phu thê nhà tôi giảm nhiều so với năm ngoái”, chị Thu cho hay.
Theo UBND phường Đình Bảng, cả phường có khoảng 30 hộ làm bánh phu thê chuyên nghiệp để bán quanh năm. Ngoài ra, có khoảng 90 hộ làm bánh phu thê bán vào dịp Tết.