Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau

Chợ trầu cau ở Sài Gòn mở hàng bất kể nắng mưa, lễ tết
Chợ trầu cau ở Sài Gòn mở hàng bất kể nắng mưa, lễ tết
TPO - Trong khi người người tranh thủ nghỉ lễ để du lịch, vui chơi thì ở một góc nhỏ Sài Gòn, những bà, những mệ vẫn lặng lẽ chăm chút từng lá trầu, trái cau bán cho khách.

Chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung (Q.6) dù tháng nắng hay ngày mưa, lễ tết hay ngày thường thì những quầy hàng trầu cau vẫn mở bán.

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 1 Chợ trầu cau giờ chỉ còn hơn chục người bán trên đường Lê Quang Sung (Q..6)
Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 2

Bà Trần Thị Lợi (71 tuổi) ngụ xã Trung Chánh, H. Hóc Môn cho biết, bà bán trầu từ năm 13 tuổi. Lúc đó chỉ là theo cha mẹ phụ bán cau trầu lúc rảnh rỗi. Rồi dần theo nghề lúc nào không hay. “Tôi bán trầu cau ở chợ này từ hồi trước giải phóng tới giờ, cũng là thừa kế nghề của gia đình tôi thôi. Thời kỳ trước và những năm đầu sau giải phóng, việc bán trầu cau còn ngon lành, thu nhập tốt, vì hồi đó các tỉnh đều lên đây mua hay lấy trầu cau về bán… Nhất là vào dịp cuối năm – thời điểm có nhiều hoạt động lễ hội, giỗ chạp, đám cưới hỏi thì lượng khách rất đông đến mua hàng” – bà Lợi bỏm bẻm cười nhớ lại.

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 3 Bà Trần Thị Lợi (71 tuổi) đã có hơn nữa thế kỷ bán hàng ở chợ trầu cau
Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 4 Đôi tay già nua, chai sần nhưng các cụ đều têm, gói trầu vô cùng khéo léo

Ngày xưa ở chợ này, người ta bán trầu cau nhiều lắm, ngồi thành dãy dọc khắp chợ. Nhưng giờ thì hết rồi, người ta mua trầu cau chỉ khi nhà có hỷ, cúng kiếng ngày tết. Hiện, chỉ còn hơn chục người còn bám trụ với nghề.

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 5

Bán trầu cau chẳng lời bao nhiêu, nhưng họ vẫn bám vì muốn giữ nghề truyền thống

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 6

Khách mua chẳng hề mặc cả giá mắc rẻ

“Bây giờ rất ít người còn thói quen ăn trầu nên việc buôn bán may ra cũng chỉ đủ lo cho bản thân mình. Vậy nhưng nói nhiều người không tin chứ chúng tôi buôn bán không phải do lời lãi mà chủ yếu vì đây là nghề truyền thống của gia đình, hơn nữa là cái duyên, là tình yêu đối với trái cau, lá trầu” – bà Sáu Lên (83 tuổi) trải lòng.

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 7

Ngoài trầu cau, họ còn cung cấp vôi, lá thuốc ăn trầu

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 8

Nếu như trước kia, cau bán chỉ ở vùng Bà Điểm (H.Hóc Môn) nhưng nay nhiều nhà không còn trồng nữa, người bán phải lấy thêm từ các tỉnh miền Tây, có khi ở Quảng Ngãi, Bình Định... Cau được nhập nguyên buồng, trái xấu thì cắt ra bán lẻ. Những buồng tươi đẹp sẽ trang trí, dán chữ “hỷ” để phục vụ nhu cầu cưới hỏi. Trái cau được bán lẻ 30 trái có giá 100.000 đồng. Người bán còn luôn sẵn lòng têm trầu cau cho khách.

Lá trầu cũng được nhập từ nhiều nơi. Những lá nhỏ, già, sâu bệnh phải bỏ đi. “Cau trầu thì chỉ để được khoảng ba ngày là hư, nên mỗi ngày người nào lấy nhiều lắm cũng chỉ 30 kg là cùng, ít thì năm ba ký để bán cho vui chứ lời chẳng bao nhiêu” – bà Hai có 30 năm bán trầu ở khu vực này chia sẻ.

Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 9 Cau tròn đẹp, giá 100.000 đồng/30 trái
Lặng lẽ ở chợ bán lá trầu, trái cau ảnh 10 Trầu được người bán chăm chút từng lá

Không chỉ bán trầu cau, nhiều quầy sạp còn bán thêm cau khô, lá thuốc, vôi ăn trầu. Mỗi ngày, các cụ bà ra chợ bỏ mối cau tươi và bán cho đến trưa thì đi xe buýt về nhà.

“Số cau trầu bán không hết chúng tôi đều gửi lại ở các nhà trong khu chợ gần bến xe Chợ Lớn chứ không thể mang về nhà được. Chợ trầu cau cứ bán lai rai vậy quanh năm, kể cả lễ tết. Lời chẳng bao nhiêu nhưng tôi muốn được tiếp tục bán mặt hàng này, đến khi nào đi không nổi nữa mới thôi” – bà Lợi nói.

MỚI - NÓNG