Làng 'độc nhất' trên Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đến làng Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) sẽ được thấy ánh mắt trong sáng, chất chứa bao khát khao của những đứa trẻ người Xơ Đăng. Làng "độc nhất” Tây Nguyên bởi không chỉ nằm giữa cánh rừng bạt ngàn, mà tới làng là bước vào không gian toàn hoa lan, kiến trúc nhà sàn đặc trưng văn hóa Xơ Đăng.

Lan rừng phủ làng

Thiên nhiên ưu ái cho vùng đất Măng Đen (huyện Kon Plông) thành “viên ngọc quý” của Tây Nguyên với khí hậu mát mẻ, rừng nguyên sinh. Bây giờ khách du lịch chọn thụ hưởng sự trong lành của thiên nhiên đang là tiêu chí hàng đầu. Thắng cảnh cũng như văn hoá ở Măng Đen nổi tiếng, nhưng cách đó chừng 50 cây số còn có một ngôi làng “độc nhất vô nhị”- Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng.

Làng 'độc nhất' trên Tây Nguyên ảnh 1

Nhà rông làng Vi Rơ Ngheo

Đường đến ngôi làng rất khó khăn khi phải vặn mình qua những ngọn núi vô cùng hiểm trở với những cánh rừng, dòng sông, đồng lúa ngào ngạt. Đến làng Vi Rơ Ngheo, mùi thơm phảng phất bao quanh. Cổng vào từng ngôi nhà được trồng đầy hoa lan, đường sá đâu cũng thấy hoa. Người dân bản địa rất sáng tạo khi chỉ cần gác 3 cây gỗ lại với nhau là xong một cổng vào nhà, đơn giản nhưng thật đặc biệt. 30 căn nhà sàn truyền thống của làng được làm theo văn hoá người Xơ Đăng, mộc mạc ấm cúng.

Nhà rông, trái tim của làng Vi Rơ Ngheo thật hoành tráng, uy nghi. Nhà rông của người Xơ Đăng rộng, mái cao, nhìn từ xa như lưỡi rìu dựng ngược cao vút, sừng sững giữa buôn làng. Nhà rông được lợp bằng mái tranh, bên trong rộng rãi thoáng mát, có sức chứa hàng trăm người. Cầu thang nhà rông được thiết kế mang hình ngọn cây rau dớn gắn bó với người Xơ Đăng. Sàn nhà được làm bằng cây lồ ô, dài đúng bằng chiều dài của nhà, sau đó đập dập và trải ra thành sàn. Vách nhà làm bằng những tấm gỗ xẻ mỏng, đóng dựng đứng sát vào nhau bao quanh hàng cột xung quanh ngôi nhà.

Làng 'độc nhất' trên Tây Nguyên ảnh 2

Anh A Hiền giới thiệu về những cây lan trong làng Vi Rơ Ngheo

Sinh ra ở vùng núi này, anh A Hiền (44 tuổi) tường tận từng hàng cây, bến nước nơi đây. Yêu ngôi làng của mình, anh Hiền hằng ngày tìm tòi, mày mò cách trồng lan để bày lại cho bà con. “Chẳng vì mục đích gì cả, cứ đi rừng mình thấy lan con là đem về nhà trồng. Được cái dân làng mình đều yêu rừng, yêu lan. Nên mỗi lần lên rừng đều đem hạt giống, cây con về ươm trồng. Sau đó tìm những cây gỗ chết dưới lòng hồ, cây lớn thì dựng làm cổng, phần nhỏ sẽ cắt ra làm chậu lan. Ai cũng chăm chỉ như đàn ong, giờ nhà nào cũng có cả trăm chậu lan”, anh Hiền bộc bạch.

Theo anh Hiền, ở rừng có giống lan gì đẹp, nở hoa lâu người dân sẽ lấy hạt về trồng. Nhiều nhất vẫn là địa lan bởi giống này hoa đẹp, lâu tàn. Anh khẳng định, ở làng chẳng bao giờ xảy ra mất trộm. Người thanh niên cao to, lực lưỡng này khoe, quanh làng được bao quanh bởi 5 quả đồi, trên đó với vô số loài hoa lan, sim, mua, thông, đỗ quyên. Dứt lời, anh Hiền hối thúc chúng tôi lên đồi lan cho biết. Tới đỉnh đồi lan trước mặt nhà rông có thể phóng tầm mắt nhìn thấy ngôi làng Xơ Đăng nằm giữa cánh rừng bạt ngàn. “Anh xem, cây cối ở đây mọc thế bon sai hết, đẹp không? Mỗi mùa lại có một loài hoa nở. Quanh những ngọn đồi đều có vài cái cuốc để bà con đào hố trồng thêm hoa xuống”, anh Hiền nói.

Chúng tôi mải nghe giới thiệu về cây cối trên ngọn đồi, trời tối lúc nào không hay.

Nguyên vẹn nét văn Hóa

Anh Hiền có 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Cũng như các hộ khác, cuộc sống gia đình anh còn nhiều vất vả. Địa lý cách trở, người dân ở đây đa phần đều không được học hành đến nơi, đến chốn. Bởi thế mà làm lúa, cà phê, trồng mì đều không năng suất, bị ép giá do đường vận chuyển vào trung tâm quá xa. Họ hy vọng việc làm du lịch sẽ giúp có thêm đồng ra, đồng vào, trang trải cuộc sống nơi rừng núi. Chúng tôi đã được thưởng thức cá suối, rau rừng, heo quay… được chế biến theo công thức của người Xơ Đăng, vô cùng đặc biệt. Chiều tà, tiếng cồng chiêng ngân vang trầm bổng.

Làng 'độc nhất' trên Tây Nguyên ảnh 3

Người dân đánh cồng chiêng trong nhà rông

Căn nhà của ông A Vinh (64 tuổi) vừa được làm xong trong vòng 2 tháng. Theo ông A Vinh, đây là món quà của ông để lại cho con cháu. Dù gỗ được ông tích cóp từ nhiều năm nhưng vẫn phải bán 4 con trâu để trả tiền công làm nhà. “Mình có 7 đứa con, đứa làm lâm trường, đứa làm cô giáo, còn lại lấy chồng xa. Mình biết đan lát, nấu các món ăn truyền thống của người Xơ Đăng, tối nay các bạn ngủ lại nhà mới của mình nhé”, ông A Vinh mời khách phương xa.

Làng Vi Rơ Ngheo còn lưu giữ được nhiều lễ nghi truyền thống như: Mừng lúa mới, Lúa thừa, Nhà rông, Đâm trâu, Cúng giọt nước… Theo ông A Thôn, trưởng làng Vi Rơ Ngheo, đặc biệt nhất là lễ Cúng giọt nước, diễn ra trong 3 ngày vào giữa tháng 7.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.