Làng đa dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam) có ngôi làng rất đặc biệt. Ở đó có những cặp vợ chồng trẻ đến từ nhiều dân tộc khác nhau về đây định cư, sinh sống hoà thuận, cùng khởi nghiệp, xây dựng cuộc sống tươi mới giữa bát ngát núi rừng.

Những gia đình đa ngôn ngữ

Bên cung đường Trường Sơn, làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ yên bình tựa lưng vào núi, ngút ngàn màu xanh. Những căn nhà khang trang sạch đẹp, với những vườn cây tươi tốt, những giàn hoa giấy nối dài tô điểm thêm bức tranh núi rừng. Khu vui chơi trẻ em ngay đầu làng rộn ràng tiếng reo hò, cổ vũ cho trận bóng của lũ trẻ, khiến khung cảnh giữa Trường Sơn hùng vĩ về chiều thêm nhiều sức sống.

Có khách ghé chơi, Zơ Râm Trải niềm nở rót nước mời khách. Vợ chồng Trải về đây định cư xây dựng cuộc sống đã được hơn 4 năm, là một trong số thanh niên được Tổng đội TNXP (Tỉnh Đoàn Quảng Nam) tuyển chọn đợt 2 về làng lập nghiệp. Quê ở tận xã Đắc Tôi (Nam Giang) nơi giáp ranh nước bạn Lào, gia đình có tới 7 anh em, cuộc sống khó khăn, từ nhỏ chàng trai dân tộc Tà Riêng quyết tâm học để đổi thay cuộc sống.

Làng đa dân tộc ảnh 1

Những ngôi nhà sạch đẹp của làng thanh niên giữa núi rừng. Ảnh Nguyễn Thành

Trong căn nhà gỗ sạch đẹp, Trải và vợ Nguyễn Thị Na, vui vẻ kể lại chuyện tình yêu đôi lứa, hành trình khởi nghiệp đầy ắp kỷ niệm nhưng cũng lắm gian nan. Na vốn quê ở phường An Cựu (TP Huế), nhưng do hoàn cảnh gia đình, nên phải sớm nghỉ học, đi làm công nhân may. Trời se duyên, khi Trải ở trọ tại nhà Na để theo đuổi giấc mơ đại học. Cảm mến tính cách hiền lành, chăm chỉ của chàng trai Tà Riềng ở trọ, Na đem lòng yêu mến. Tình yêu đôi bạn lúc đầu bị gia đình Na ngăn cản, nhưng đôi bạn trẻ đã thuyết phục được gia đình, để đến với nhau.

Anh Nguyễn Ngọc Thu, Trưởng làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, cho biết: Cả làng có 60 hộ, với hơn 230 nhân khẩu. Anh em thanh niên đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Tà Riêng,… từ các địa phương khác nhau được tuyển chọn về đây lập làng đã hơn 5 năm, dù khác nhau về phong tục, tập quán nhưng rất đoàn kết, đùm bọc và bảo ban nhau cùng làm ăn. Nói về ngôn ngữ, làng này có lẽ độc nhất vì có đủ tiếng của đồng bào.

“Cha mẹ thương em nên mới ngăn cản. Nghĩ đến cảnh con phải lên tận biên giới xa xôi làm dâu, cha mẹ nào không lo lắng”, Na chia sẻ.

Năm 2016, tốt nghiệp Đại học Luật ở Huế, Trải dẫn Na về Đắc Tôi làm lễ cưới rồi sinh sống với gia đình. Đứa con gái đầu lòng chào đời trong khó khăn thiếu thốn. Chưa xin được việc làm, Trải phải xuống huyện làm thuê đủ việc để có tiền nuôi vợ con.

Cuối năm 2017, làng có đợt tuyển thanh niên lên lập nghiệp, Trải nộp hồ sơ. Buổi phỏng vấn trực tiếp, Trải thuyết phục được anh chị em Tổng đội TNXP tỉnh, và được bố trí đất làm nhà, sản xuất.

Đầu năm 2018, hai vợ chồng gom góp dựng nhà ở làng thanh niên Thạnh Mỹ trong niềm vui của gia đình đôi bên. “Nhà này gỗ ông nội cho, còn gạch là của ông ngoại tài trợ. Nội ngoại đôi bên vun vén, động viên, đặt niềm tin nên vợ chồng em càng quyết tâm lập nghiệp”, Trải cười nói.

Làng đa dân tộc ảnh 2

Vợ chồng Zơ Râm Trải, Nguyễn Thị Na

“Hơn 5 năm bỏ phố theo chồng lên núi, nay em đã nói và hiểu được tiếng đồng bào trên này rồi”, Na nói. Trải tiếp lời: “Giờ em đã có thể nói được tiếng Cơ Tu, Giẻ Triêng với anh em trong làng. Tính ra, cả giọng Huế, tiếng phổ thông, em nay đã có đến 5 nội ngữ đó”.

Cách nhà Trải không xa, là gia đình vợ chồng anh Hưu (37 tuổi) tươm tất, gọn gàng giữa vườn cây xanh tốt. Hưu là người dân tộc Giẻ Triêng quê ở xã Đắc Pre (Nam Giang) nên duyên cùng Hôih Thị AVí thiếu nữ Cơ Tu ở huyện Đông Giang. Hưu tình cờ quen AVí nhờ số điện thoại một người bạn đưa cho. Lúc đầu cả hai nhắn tin làm quen, tán tỉnh, hẹn hò, sau thời gian thì tình cảm nảy sinh, Hưu lặn lội đường xa qua Đông Giang tỏ tình. Năm 2016, cả hai nên nghĩa vợ chồng.

Cưới nhau một năm, cả hai viết đơn xin lên làng lập nghiệp và được xét tuyển. Nhắc chuyện yêu đương, AVí bẽn lẽn nói chuyện với chồng bằng tiếng Cơ Tu, Hưu đáp lại bằng tiếng Giẻ Triêng rồi cả hai cùng nhìn nhau cười âu yếm. Quay qua, Hưu bảo: “Gia đình em giờ nói chuyện với nhau bằng 3 ngôn ngữ”.

“Ngoài tiếng phổ thông, để hiểu nhau hơn, 2 vợ chồng chịu khó học tiếng nói của nhau. Phải mất thời gian khá dài chúng em mới học được. Giờ thì đã thuần thục tiếng mẹ đẻ của nhau. Con em giờ ngoài tiếng phổ thông, tụi nó nói chuyện với bố bằng tiếng Giẻ Triêng, với mẹ bằng tiếng Cơ Tu. Chơi với đùa con em trong làng thì nói đủ thứ tiếng”, Hưu cho biết.

Hành trình gieo mầm trên đá

Anh Nguyễn Ngọc Thu (cán bộ Tổng đội TNXP) được phân về đây làm trưởng làng từ ngày nơi đây chỉ mới có mặt bằng, hoang vắng giữa núi rừng. Anh Thu bảo: Nhiều người ví, chủ trương đưa thanh niên lên núi lập nghiệp như hành trình gieo mầm trên đá. Để có được thành quả nhà cửa tươm tất, vườn cây tươi tốt là cả một hành trình đổi thay. Nhờ sức trẻ và tinh thần người trẻ, những mầm xanh đã mọc xanh dọc những chân đồi.

Anh Thu cho biết: Mới đây, chính quyền huyện đã đo đạc, cấp sổ đỏ cho hơn 40 hộ của thôn. Số còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Ngoài 600m2 đất ở, đất vườn thì đất rừng sản xuất cũng được huyện cắm mốc, anh em thanh niên làng lại càng yên tâm sản xuất, gây dựng cuộc sống mới.

Làng đa dân tộc ảnh 3

Sức sống mới ở làng Thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ảnh: Nguyễn Thành

Sau 5 năm hai vợ chồng Hưu đã có 2 cậu con trai kháu khỉnh cùng cơ ngơi nhà cửa, vườn, trang trại bước đầu có thu nhập từ trồng trọt chăn nuôi lên đến 100 triệu đồng/năm. “Lên làng lập nghiệp lựa chọn sáng suốt nhất của vợ chồng em. Lên đây ổn định cuộc sống, được cấp đất, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt cuộc sống gia đình em dần đổi thay”, Hưu nói.

Ghé nhà ARất Bước (35 tuổi) hỏi chuyện kinh tế làm ăn, Bước chỉ tay về phía vợ rồi cười đùa: “Em giàu nhất làng vì có cả cục vàng 60kg, càng ngày càng lên cân”. Bling Vàng cũng vui vẻ đáp: “Không có cục vàng này thì ông còn lâu có được ngày hôm nay”. Tính cách bông đùa, đầy lạc quan của cả hai nên gia đình lúc nào cũng vang tiếng cười.

Bước và Vàng là người Cơ Tu từ thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ) là một trong những thanh niên đợt đầu lên làng lập nghiệp. Hai vợ chồng tu chí làm ăn, Bước làm trang trại, trồng trọt chăn nuôi, Vàng đi làm thêm nấu ăn ở trường học. Bước khoe, hai vợ chồng vừa sửa sang lại nhà cửa, xây thêm phòng ngủ, sắm tivi, xe máy tay ga xịn xò.

Bước kể, hồi mới về làng, hai vợ chồng được cấp 1 cặp heo nái. Sau thời gian ngắn, heo mẹ đẻ hơn chục heo con. Giờ vợ chồng đã có cả đàn heo giống, mỗi năm xuất chuồng thu về hàng chục triệu đồng. Vợ chồng còn nuôi thêm gà, vịt và trồng cây ăn quả, cây keo...

“Nhà hai bên đều đông anh em, nghèo khó lắm. Nếu như không lên làng lập nghiệp, giờ cả nhà chắc cũng đang phải chạy ăn từng bữa”, Bước nói.

Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ: Làng thanh niên quy tụ nhiều anh em đồng bào về lập nghiệp tạo nên sức sống, nét văn hoá mới cho một vùng đất. Những mô hình làm ăn hiệu quả của làng thanh niên đang được nhân rộng, làm điểm tựa để làm thay đổi cuộc sống nơi đây.

MỚI - NÓNG