Làng có cả trăm ngôi mộ 'ông ngài'

Làng có cả trăm ngôi mộ 'ông ngài'
TP - Hai ngàn hộ dân của xã Tam Hải huyện Núi Thành, Quảng Nam, sẽ phải di dời để nhường chỗ cho khu du lịch cao cấp nằm trong khu KTM Chu Lai. Nghĩa địa với hàng trăm ngôi mộ cá voi tại xóm Vạn Niên của Tam Hải, có lẽ không ngoài số phận đó.
Làng có cả trăm ngôi mộ 'ông ngài' ảnh 1
Ngư dân Phạm Mai đang  thắp hương trước mộ “ông”

Ngư dân Phạm Mai nay đã 80 tuổi nhưng thâm niên bám biển thì đã có thừa 60 năm.

Khi tôi hỏi đến, đang vui vẻ, đột ngột ông hạ giọng nghiêm trang: “Chỗ táng “ông ngài” ngoài xóm Vạn Niên. Linh lắm, thuở tôi 20 tuổi đã biết làng có nghĩa địa lớn riêng cho “ông” rồi”.

Xã đảo này nằm sát cửa An Hòa, vài ba năm một lần lại chứng kiến cá voi dạt vào. 

“Trước đây khu lăng các ông nằm ở bãi Bấc. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, bị ném bom phá tan. Bà con phải cải táng, hốt cốt đem về xóm Vạn Niên. Khu Vạn Niên nằm ở thôn 1, sát bờ biển, giữa rừng cây dương liễu. Hàng trăm ngôi mộ được vun cát, nối nhau. Mỗi mộ đều được dựng một tấm bia bằng viên đá ong” ông Mai nói.

Ông cũng chắc chắn rằng đã đi hết các vùng biển trong nam ngoài bắc, chưa nơi nào nghĩa địa cá voi nhiều như ở đây. Không không hiểu vì sao vùng cửa biển nầy các “ông” hay tấp vào. 

Ông Mai nhớ lại: “Năm đó là năm Sửu. Làng đói vì gần hết tháng 8 rồi  mà mất mùa thì coi như  qua mưa gió ngồi nhà chờ chết. Một bữa, có “bà” to như chiếc thuyền dạt vào, mắc cạn.

Hôm sau, một “ông” nhỏ nữa cũng thọ nạn. Làng báo quan trên xin được táng. Lễ táng linh đình ba ngày ba đêm, mời hát bội về ca xướng. Có ông trong làng giỏi chữ Nho đặt bài thơ dài mấy chục câu xin “bà ngài, ông ngài” phù hộ độ trì cho làng. Táng xong, phen nớ đi biển  trúng thiệt lớn”.

Với ngư dân, cá voi lúc là bạn, lúc là người cứu nạn. Nhiều ngư dân đi biển lão luyện khi gặp bão tố bất ngờ, chỉ còn cách khấn “ông” cứu. Ông Mai cũng không ngoại lệ.

Ông kể : Hai “ông”  kèm sát hai bên thuyền giữ cho khỏi bị chao, dìu thuyền vào đến bờ. Vì thế, dân đi biển người nào cũng trọng “ông”, hễ “ông” gặp nạn là phải an táng đàng hoàng.

Hồi trước 1975, hễ có “ông” dạt vào, lễ lạc tiến hành là có quận trưởng áo dài khăn đóng đến lạy, cúng thêm hai xấp vải lụa điều. Cúng có văn tế hẳn hoi như cúng người. Ai là người đầu tiên phát hiện ra ông, khi tang tế sẽ được choàng khăn trắng trên đầu.

Hàng năm, cứ vào tháng ba, ngư dân xúm lại chung tiền, gạo làm lễ tế cá voi. Không riêng gì Tam Hải, lễ tế cá voi hay còn lại là tế lễ thần Nam Hải, diễn ra hầu hết tại các làng chài ven biển miền Trung, trở thành một nếp sinh hoạt quen thuộc của ngư dân.

Trong ký ức ông già Mai, “bà” bị mắc cạn năm Sửu đó được xây bê tông bề thế, thành nơi tế lễ hàng năm. Giặc giã, thời gian  đã chôn vùi nó xuống đất sâu.

Khi tôi hỏi rằng, sẽ đến lúc rời làng ra đi, để lại sau lưng đất đai mấy trăm năm với bao nhiêu kỷ niệm, di chỉ văn hoá, cả nghĩa địa “ông ngài” mà bao thế hệ đã gây dựng lên, nhường chỗ cho các khu du lịch, công nghiệp đang rục rịch trên giấy, hẳn là đau xót lắm.

Ông Mai không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn ra biển. Nơi đó đi bên cạnh cuộc đời những người như ông, có cả những “ông ngài” một thuở… 

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.