>> Kỳ 1: Từ lá thư tuyệt mệnh của người vợ trẻ
Mất 10% còn bị vay ké
Các nạn nhân cho biết, đa số người cần vay vốn đến gặp Hoa tại nhà 97 Nguyễn Lương Bằng xã Hoà Thắng. Tại đó, Hoa ngồi sau chiếc bàn nhiều ngăn, liên tục nghe/trả lời điện thoại, thoăn thoắt rút/đếm tiền mặt, giao/nhận giấy tờ hồ sơ bìa đỏ khá chuyên nghiệp, với sự giúp việc của con gái nuôi.
Theo những nạn nhân trên, Hoa khéo ăn nói, dễ gần. Lại thấy một đôi lần vay vốn qua cò Hoa, thấy cò thực hiện mọi thủ tục dễ dàng, sòng phẳng, chỉ lấy đúng 10% hoa hồng số tiền vay được, nhiều người truyền tai nhau về thế lực đáng nể của cò Hoa. Người nọ rủ người kia kéo tới giao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, ký khống vào các bộ hồ sơ vay vốn, hồ sơ thế chấp do Hoa cung cấp. Các thủ tục còn lại (liên lạc với ngân hàng, thẩm định giá trị tài sản...) do Hoa tự làm từ A đến Z.
Theo lời kể của các nạn nhân, thông thường, khi đến nhận tiền, thủ quỹ Phòng giao dịch (PGD) Tân Lợi đưa bảng kê các loại tiền ngân hàng chi ra cho người vay ký vào. Sau đó, họ tiếp tục ngoan ngoãn nghe Hoa bảo cứ về trước đi, Hoa sẽ nhận tiền đem về rồi gặp lại nhau sau.
Cũng có trường hợp, thủ quỹ đưa cho một ít tiền rồi bảo PGD hết tiền, hẹn lúc khác quay lại lấy. Khi họ trở lại, thủ quỹ bảo đã giao tiền cho Hoa. Họ điện thoại, lập tức Hoa xác nhận đã nhận giúp số tiền còn lại, cứ về nhà Hoa rồi tính…
Chính vì tự làm thủ tục vay từ A đến Z nên Hoa mới dễ dàng vay ké bằng cách điền số tiền vay vào khế ước cao hơn nhiều so với số tiền người đã ký khống muốn vay. Ví dụ bà Trần Thị Quý vay 500 triệu đồng nhưng cò Hoa ghi 800 triệu, bà Trần Thị Huệ vay 200 triệu nhưng Hoa ghi 300 triệu đồng…
Trước mặt cán bộ điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột, nhằm xoa dịu cơn giận dữ của các con nợ, cò Hoa đã phải tự tay viết 2 tờ cam kết sẽ cùng trả số tiền vay ké cho 14 hộ đã kiện Hoa. Ngoài ra, Hoa còn viết hàng chục giấy nhận số tiền đã tự ý vay ké từ vài chục, vài trăm triệu đồng cho đến cả tỷ đồng cho các ông bà: Oanh, Nguyệt, Mậu, Truyền, Hải, Nhuân, Hiền Mai, Thu Hương, Hồng Loan, Hậu Phúc...
Dấu vết đường dây cò tín dụng
Trong báo cáo số 1181 ngày 16-8-2010 gửi Trưởng ban kiểm tra Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam -Agribank, ông Võ Huỳnh, Giám đốc Chi nhánh Agribank Đăk Lăk khẳng định: Phần lớn các hồ sơ vay vốn đều đúng chữ ký, hoặc nhận nợ đầy đủ, chứng minh khách hàng thực tế có vay vốn, nhận tiền đầy đủ tại ngân hàng”.
Việc một số khách hàng tố cáo bà Nguyễn Thị Hoa địa chỉ số 97 Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột đã giả mạo chữ ký của khách hàng và dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của họ để thế chấp vay vốn tại PGD Tân Lợi là không đúng sự thật.
Trong khi đó, theo lãnh đạo PGD Tân Lợi, tại quầy giao dịch không lắp camera, nên không kiểm tra được bà Hoa có nhận thay tiền của người vay.
Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, trong nhiều bộ hồ sơ vay vốn của các nạn nhân, hồ sơ thế chấp và bảng kê chi tiền, tuy chữ ký là của người thực vay nhưng nhiều bút tích khác để lại trên những giấy tờ đó không do họ viết, mà là chữ của Hoa và những người khác.
Ví dụ, có trường hợp, Hoa yêu cầu người vợ đem bìa đỏ đứng tên hai vợ chồng để Hoa mạo danh người chồng ký tên vào hồ sơ vay. Có nhiều bảng kê chi tiền cho người khác nhưng dòng số tiền bằng chữ lại do Hoa ghi. Thậm chí bảng kê tiền ngân hàng chi ra ngày 5-12-2008, Hoa còn tự tay ký tên, viết tất cả các con số và chữ cho khoản vay 500 triệu đồng mạo danh bà Đinh Thị Phượng.
Nhiều hộ vay tiền ngân hàng qua cò Hoa không hề biết UBND xã Hoà Thắng nằm ở đâu, vì chưa từng đặt chân tới, nhưng hồ sơ vay vốn của họ vẫn được cò Hoa hoàn tất bằng cách đưa cho cán bộ UBND xã chứng thực về việc “người thừa kế cùng ký trước mặt UBND xã”.
Cò Hoa được cán bộ UBND xã Hoà Thắng và cán bộ tín dụng PGD Tân Lợi tiếp tay đắc lực đến nỗi có thể cho thế chấp cả nhà tình thương để vay một khoản tiền lớn.
Cụ thể: Năm 2007, chính quyền xã Hoà Thắng hỗ trợ hộ cụ Bùi Văn Uẩn người Mường 8 triệu đồng để gia đình cụ gom góp thêm, xây lại túp lều rách thành căn nhà trị giá 20 triệu đồng theo diện nhà chính sách 134 dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Năm 2009 cụ mất, con gái tật nguyền, vợ cụ ốm nặng, con trai cụ tên Bùi Quang Thuận nhờ Hoa vay giúp 20 triệu đồng.
Hoa bảo vợ chồng Thuận ký khống vào hồ sơ vay vốn, rồi tự làm mọi thủ tục vay, nhận tiền. Lúc ngân hàng báo nợ, Thuận mới bủn rủn tay chân vỡ lẽ chỉ với chiếc bìa đỏ căn nhà tình thương, Hoa cũng dễ dàng vay được 130 triệu đồng…
Báo cáo số 1181 được giám đốc Võ Huỳnh ký tên đóng dấu ngày 16-8-2010, ghi nhận bà Nguyễn Thị Hoa nợ quá hạn chưa trả Agribank Đăk Lăk 3,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hoa còn 4 khoản tài sản thế chấp tại ngân hàng gồm 3 căn nhà và 1 vườn cà phê. Trong đó, có căn nhà ở xây lợp tôn đã được định giá hơn 3 tỷ đồng.
Phóng viên báo Tiền Phong xác minh thực tế, được biết trị giá của lô nhà đất này hiện chưa tới nửa tỷ đồng. Kiểm tra hồ sơ định giá, đối chiếu thì bìa đỏ thế chấp đúng là của căn nhà lợp tôn ở sâu trong hẻm thôn 2 xã Hoà Thắng, nhưng biên bản định giá do chủ nhà Nguyễn Thị Hoa, tổ trưởng tín dụng Nguyễn Văn Nhân và Giám đốc PGD Trần Văn Lâm cùng ký tên lại tính trị giá của căn nhà lợp ngói mang địa chỉ 97, Nguyễn Lương Bằng (địa chỉ lâu nay Hoa thuê lại của một cựu giám đốc nông trường cà phê để làm “văn phòng giao dịch”).
Hỏi ông Trần Văn Lâm, ông bảo “do anh em nhầm lẫn” (!). Chẳng lẽ cán bộ ngân hàng dễ “râu ông nọ cắm cằm bà kia” vậy sao? Còn cò Hoa, chủ tài sản thế chấp, cũng nhầm nốt chăng?
Còn nữa