Lần theo hành tung bí ẩn của trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy

Lần theo hành tung bí ẩn của trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy
Trịnh Nguyên Thủy  là người như thế nào, thực sự sinh ra và lớn lên ở đâu? Con đường nào đưa Thủy vươn lên địa vị ông trùm? Những mối tình, khối tài sản khổng lồ của ông trùm sở hữu trị giá bao nhiêu vẫn còn là điều bí ẩn...

Kể từ số báo này, Tiền Phong khởi đăng loạt bài  điều tra đặc biệt nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin về đường dây ma túy cực kỳ phức tạp đã và đang được bóc gỡ...

Quê ông trùm thực sự ở đâu?

Khi ông trùm Trịnh Nguyên Thủy bị bắt vào đầu tháng 8/2005, với cơ quan công an, có lẽ địa danh xã Sai Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ được nhắc đến nhiều. Nhưng đó chỉ là nguyên quán xa xưa của gia đình Trịnh Nguyên Thủy.

Người dân xã Sai Nga hầu như không biết Thủy là ai, ngoại trừ sau này anh em Thủy có về quê gốc tuyển một số nhân viên là con em họ hàng xa xuống Hà Nội giúp việc cho Thủy. Với bạn đọc, địa chỉ 3A Láng Hạ, hay cái tên trang trại Sơn Thủy lại gần gũi bởi địa danh này hiện hữu ngay giữa lòng Thủ đô.

Vậy nhưng, trước đó Thủy đã có một tuổi thơ không mấy êm đềm và “sự nghiệp” buôn thuốc phiện của Thủy cũng bắt đầu từ mảnh đất chôn nhau cắt rốn là cánh đồng Mường Lò, Châu Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ (nay là thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái). 

Năm 1946, gia đình họ Trịnh ở Sai Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ gồm ông Quản Tung (ông nội của Thủy) dắt theo vài người con trong đó có bố Thủy - ông Trịnh Văn Dụ lên Nghĩa Lộ kiếm kế sinh nhai.

Sau khi  Điện Biên Phủ  được giải phóng, ông Trịnh Dụ đã kết hôn với bà Đào Thị Mạch (Mịch) sinh năm 1930, một phụ nữ quê xứ Lạng. Trịnh Nguyên Thủy ra đời vào năm 1957 (bản khai sinh năm 1958).

Như vậy năm 2005 này Thuỷ gặp phải hạn lớn trong đời - “hạn 49 tuổi”. Trước khi bị bắt Thủy cũng dành nhiều thời gian cho việc tìm thày giải hạn, đốn sao, và mong ước có một phép màu làm thay đổi số mệnh, song điều đó là không tưởng.

Sự nghèo khó cứ đeo đẳng gia đình Trịnh Nguyên Thủy. Kể từ khi lấy nhau (1956) cho đến 19 năm sau (1975) bà Dụ dường như chỉ làm  một nhiệm vụ cao cả là…đẻ. Thủy ra đời, rồi hai năm sau em Thủy là Th xuất hiện, kế đó lại là Th, Th và…Th (không hiểu sao anh em Thủy  được bố mẹ đặt tên toàn có chữ cái đầu là Th). Cả thảy Thủy có 9 anh em. Trong đó Thủy có 5 em trai và 3 em gái. Đông con luôn đồng hành với sự túng, thiếu.

Trách nhiệm với gia đình của cậu bé Thủy ngày ấy được thể hiện bằng những việc làm vô cùng hiểm nguy như: băng rừng, vượt suối để xách thuốc phiện. Sự lỳ lợm của ông trùm được tôi luyện từ đó.

Nghĩa Lộ vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX, để kiếm được tiền nhiều chỉ còn cách buôn “hàng đen”. Thủy dường như không có tuổi thơ, nói đúng hơn tuổi thơ của Thủy đã bị nhuộm đen bởi thuốc phiện. Thủy cũng đặt dấu chấm hết cho chính mình từ thứ chất nhựa màu đen đó.

Từ cậu bé “ xách hàng” thuê

* Thời kỳ Thực dân Pháp chiếm đóng Nghĩa Lộ (1946-1952) thuốc phiện được tập trung về một số “đại lý”. Từ các “đại lý” này thuốc phiện theo chân các quan Pháp lên những chiếc máy bay Da co ta tại sân bay Pú Trạng để về chính quốc.

Nhưng có khi thuốc phiện Nghĩa Lộ cũng được  chuyển đến nước thứ 3. Thuốc phiện Việt Nam đã có mặt tại thị trường “ hàng đen” quốc tế. Cái tên Nghĩa Lộ vào thời đó không phải là quá xa lạ với giới buôn “hàng đen” xuyên lục địa.

* Trịnh Nguyên Thủy có dấu hiệu “rửa tiền”!

Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ mới đây đã có công văn gửi UBND TP HN và UBND huyện Từ Liêm cho biết:

Trong quá trình điều tra vụ án Trịnh Nguyên Thủy sản xuất trái phép chất ma túy có dấu hiệu cho thấy Trịnh Nguyên Thủy đã dùng số tiền thu lời bất chính từ việc sản xuất trái phép chất ma tuý để đầu tư vào việc kinh doanh khu du lịch sinh thái Sơn Thủy và các công trình khác.

Được biết hiện nay UBND TP Hà Nội; UBND huyện Từ Liêm đang xem xét giải quyết bồi thường cho việc giải phóng mặt bằng xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia…trong đó có trang trại Sơn Thủy.

Để tạo điều kiện cho việc thu thập chứng cứ, làm rõ sự thật của vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra - CA tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND huyện Từ Liêm dừng việc chi trả tiền bồi thường cho Cty Cổ phần phát triển nông nghiệp Sơn Thủy để cơ quan Cảnh sát điều tra-CA tỉnh Phú Thọ tiếp tục xem xét và xử lý sau.

Trịnh Nguyên Thủy “lớn” lên trong “thế giới” buôn hàng “đen”. Sự quyến rũ vô biên của “Nàng  tiên nâu” đã đẩy Thủy nhanh chóng trở thành “đại gia”. Song cũng chính thuốc phiện đã phá hỏng cuộc đời Thủy. Thủy xách “hàng đen” từ bao giờ và đã có bao nhiêu tấn thuốc phiện qua tay của Thủy?  Có lẽ đến Thủy cũng khó có thể tận tường.

Một “đàn chị” của Thủy đã tiết lộ rằng, mẹ Thủy rỉ tai với chị ta: Thủy từng bị bắt lúc 14 tuổi khi tham gia xách “hàng đen”. Do ở tuổi vị thành niên, và sự việc xảy ra không phải tại Nghĩa Lộ nên vết nhơ tội lỗi đó đến nay dường như không ai biết.

Thủy được đưa về “học tập” tại một trường giáo dục thanh thiếu niên hư. Sau “khóa học đặc biệt” này Thủy đã “quá độ” tại quê gốc Phú Thọ một thời gian trước khi trở lại Nghĩa Lộ.

Hầu hết những người đã từng chơi và thân quen với Thủy đều nhận xét: Thủy là con người kín đáo, lễ độ và khá nhũn nhặn. Sự kín đáo đó là tố chất quan trọng để đưa Thủy chiếm được lòng tin của bậc “tiền bối” trong giới, rồi từ đó chính Thủy trở thành “bố già” của các loại “đàn anh”. 

Thuốc phiện và con người Thủy gắn chặt với nhau như một định mệnh. Định mệnh đó được tạo nên bởi chính người mẹ của Trịnh Nguyên Thủy. Bà Dụ được coi là một trong những người tiên phong đưa thuốc phiện tham gia “thị trường hàng hóa”.

Bà Dụ được ví như “bà đỡ” của cây anh túc. Vào đầu mùa thu hoạch (tháng 2 hàng năm), thuốc phiện được bà con từ các rẻo núi cao mang về Nghĩa Lộ đổi lấy chỉ khâu, muối, dầu hỏa hay đôi khi chỉ là vài lạng cá khô…

Người ta thường gọi đây là mùa “lúa non”. Thuốc phiện được bán, đổi với giá rất rẻ. Rẻ đến mức công chức nghèo có thể mua vài ký lô cho vào xoong nhôm để gầm giường đến cuối vụ bán lại thu lời.

Bà Dụ là chủ hàng “cá mắm” tại chợ Nghĩa Lộ, nơi mà bà con dân tộc buộc phải tìm đến sau mỗi vụ thuốc phiện. Bà Dụ thừa khôn ngoan gom lấy thứ hàng với giá rẻ như bèo này. Không chỉ vậy, một “đường dây” thuốc phiện từ nơi sản xuất đưa về Nghĩa Lộ đã được thiết lập. Thuốc phiện cứ đổ vào gia đình họ Trịnh.

Từ đây, loại nhựa đặc biệt này lại được chảy về Hà Nội, Hà Bắc, Lạng Sơn (quê bà Dụ) và còn vượt biên giới sang Trung Quốc, thậm chí “Nam tiến”.

Đến ông chủ “đại lý”

Khác với nhiều “đại lý”, “đường dây” chỉ sau một thời gian hoạt động là có thể bị xóa sổ, “đường dây” của bà Dụ hoạt động dài lâu vì không ồn ào. Tất nhiên tham gia đường dây đó phải là những người trung thành tuyệt đối. Thủy được xem là cánh tay phải đắc lực của mẹ.

Lần theo hành tung bí ẩn của trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy ảnh 1
Trùm ma túy Trịnh Nguyên Thủy

Một bạn hàng cũ của mẹ Thủy khẳng định: Bà Dụ là một trong những người đầu tiên kinh doanh thuốc phiện (theo kiểu bán buôn) và buôn bạc trắng hoa xòe tại Nghĩa Lộ. Thuốc phiện ra cửa trước, bạc trắng vào cửa sau.  Những đồng bạc trắng to, dày nặng tay sau đó lại được đổi thành những chỉ, quả, những ký lô chất nhựa đen.

Sự giàu có của gia đình bà Dụ được ví là sự “giàu có không thành hình” bởi khó ai biết gia đình bà Dụ giàu đến mức nào. Những lời đồn đại về sự giàu có đó truyền đến tận ngày nay.

Bạn Thủy cho hay, vài năm sau ngày tham gia “khóa học đặc biệt”, Thủy lại bị bắt thêm một lần nữa khi đang trên đường “phân phối hàng”. “Bóc lịch” thêm vài năm. Chính thời gian ở tù đã rèn giũa cho Thủy những “phẩm chất” để sớm trở thành một tay buôn ma túy chuyên nghiệp.

Ra tù, Thủy làm thợ may, Thủy may quần âu khá đẹp nếu không muốn nói là rất đẹp. Chỉ có điều lạ, máy khâu của Thủy hay hỏng và luôn phải xách ra khỏi nhà để “sửa chữa”. Trước khi lấy vợ vào năm 1980, Thủy đã làm dày thêm bản thành tích tù tội.

Trong một lần chở hai can chứa chất “nhựa đặc biệt” trên chiếc xe đạp Phượng hoàng ra ga Yên Bái, Thủy đã bị bắt. Bẵng đi thời gian dài, người dân Nghĩa Lộ không thấy bóng Thủy. Và khi trên một tờ báo Trung ương có đăng tin: “Trịnh Nguyên Thủy, trú tại thị trấn Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn bị kết án…” người ta mới biết rằng Thủy đã lại đi “bóc lịch”.

Nhưng Thủy đã khiến nhiều người kinh ngạc khi lại xuất hiện tại Nghĩa Lộ không lâu sau đó. Giải thích với bạn bè, Thủy chỉ nói: “ Báo chí nói là việc của báo”. Vào thời đó, giới buôn thuốc phiện đã rất quen với thương hiệu “Thủy Dụ”.

Năm 1980, Thủy cưới vợ, đám cưới rất to và Thủy chụp nhiều ảnh. Khi sinh đứa con đầu lòng ra đời cũng là lúc Thủy cùng vợ dời mảnh đất Nghĩa Lộ về Hà Nội sinh sống.

Với nhiều người, thời gian đã làm họ quên đi một công dân của mảnh đất Nghĩa Lộ mang tên Trịnh Nguyên Thủy. Thời điểm đó cũng đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời Thủy. Thủy đã xác lập được địa vị một ông trùm!    

(còn nữa)

Kỳ sau: Ông trùm với “công nghệ” sản xuất hêroin

MỚI - NÓNG