Làn giữa là an toàn nhất
Khi lưu thông trên đường có nhiều làn mà bạn được phép đi, hãy chọn làn ở giữa.
Thực tế cho thấy trên các đường cao tốc hay quốc lộ có dải phân cách cứng ở Việt Nam, các vụ va chạm ở làn trong cùng bên trái (tiếp giáp với dải phân cách cứng) xảy ra nhiều hơn và nguyên nhân cũng đa dạng hơn.
Tuy nhiên, xuất phát từ việc quan sát thực tế, các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông sẽ giải đáp những tình huống cơ bản và thường xuyên gặp nhất.
Khi đi ở làn trái giáp với dải phân cách, bạn có thể bất ngờ trước những phương tiện chuyển làn để vượt, sang đường, hay quay đầu thiếu ý thức tại các điểm giao cắt với đường nhánh hoặc chỗ quay đầu xe. Nếu bạn quan sát được từ xa và xử lý kịp thời, bạn cũng sẽ phải giảm tốc hoặc trường hợp xấu là phanh gấp. Trường hợp tệ hơn là bạn không kịp xử lý và va chạm sẽ xảy ra.
Nếu đi ở làn giữa, khả năng này sẽ ít hơn rất nhiều do bạn gia tăng được khoảng cách với xe sang đường hay xe quay đầu. Không những thế, việc phải giảm tốc hay phanh gấp còn khiến bạn phải trả giá nhiều thứ, từ tiêu tốn nhiên liệu, hư hại phanh xe, lốp xe, thậm chí ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của bạn sau đó.
Cũng có ý kiến cho rằng làn bên trái là làn an toàn nhất, đặc biệt là trên đường cao tốc (không có đường cắt ngang hoặc không cho phép quay đầu tùy tiện). Tuy nhiên, các chuyên gia giao thông gọi làn này là làn vượt xe hay làn tốc độ cao. Nếu xảy ra va chạm ở làn này, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng bởi tốc độ cao hơn.
Hơn nữa, nếu không có nhu cầu vượt xe khác, bạn không nên đi vào làn này. Nếu đi vào làn trái mà chỉ giữ tốc độ đều, bạn có thể thường xuyên nhận được tín hiệu xin vượt từ các xe khác, và khi ấy bạn phải “thò thụt” do chuyển làn để nhường đường. Chính việc đó cũng gây mất an toàn cho chính bạn và cho những người khác.
Tiếp theo là khả năng lánh nạn trong trường hợp xe đi trước bạn gặp sự cố bất ngờ và có thể phanh gấp vì một lý do nào đó như gặp vật cản, tránh tai nạn, say xỉn,… Nếu di chuyển ở làn giữa, thì cơ hội lánh nạn của bạn sẽ cao hơn so với việc đi ở làn trái hay làn phải. Bạn sẽ có không gian ở cả hai bên để thoát nếu cần thiết.
Vậy còn làn bên phải tốc độ thấp thì sao? Làn này cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro mà bất kỳ lái xe nào cũng có thể đoán ra, nhưng không phải lúc nào cũng cảnh giác và lường trước. Thông thường, làn phải ngoài cùng dành cho xe gắn máy và các loại xe hai bánh tốc độ thấp hơn. Bên cạnh đó, làn phải cũng chính là nơi để các xe thoát hay nhập làn (tại các điểm giao cắt với đường nhánh) hoặc là làn dành cho các xe gặp sự cố đang dừng đỗ, hoặc đơn giản là nghỉ ngơi.
Bạn có thể đặt câu hỏi vậy ai sẽ đi ở làn trái? Hoặc trường hợp đường chỉ hai làn thì sao? Câu trả lời là hãy vận dụng linh hoạt nếu bạn là một “tài già” hoặc muốn trở thành một “tài già” và cảnh giác hơn với những tình huống kể trên. Nếu đường chỉ có hai làn, có thể đi sát về mép phải nếu bạn ở làn trái, và đi sát về mép trái nếu bạn ở làn phải.
Theo Autocar Vietnam