Ngày 13/7, các bác sĩ của Trung tâm phẫu thuật nội soi- BV Nhi TƯ đã lần đầu tiên triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi mới trong phẫu thuật bệnh lý thoát vị bẹn cho 5 bệnh nhân. Điều đáng nói là với kỹ thuật mới này, bệnh nhi sẽ được ra viện ngay ngày hôm sau và vết sẹo phẫu thuật nội soi có tính thảm mỹ cao với chỉ đường rạch 2mm, sau mổ hầu như không nhìn thấy sẹo và đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ…
Bệnh nhân Phạm Phương Anh 5 tuổi (bị thoát vị bẹn trái trên nền bệnh nhân đã mổ thoát vị bẹn phải) và bệnh nhân Nguyễn Thanh Trà 7 tuổi ở Cổ Nhuế, Hà Nội (bị thoát vị cả hai bên) là 2 bệnh nhân đầu tiên bị bệnh lý thoát vị bẹn đã được các chuyên gia người Nhật và TS Phạm Duy Hiền cùng các cộng sự của BV Nhi TW tiến hành phẫu thuật bằng nội soi thoát vị bẹn thay cho phương pháp mổ mở lâu nay.
TS Phạm Duy Hiền- Trưởng Khoa Ngoại- BV Nhi TW cho biết, thoát vị bẹn là một bệnh lý bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Khi không được điều trị, sẽ có nguy cơ các cơ quan trong ổ bụng thoát vị xuống vùng bẹn gây nghẹt, tổn thương cơ quan này. Hiện phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị bệnh lý này.
“Trung bình mỗi tuần, các thầy thuốc của BV Nhi TW phẫu thuật khoảng 20-40 trường hợp trẻ bị bệnh lý thoát vị bẹn. Như vậy con số bệnh nhân nhi mắc bệnh lý này hàng năm được phẫu thuật tại BV dao động khoảng từ 1500-2000 trẻ. Phương pháp phẫu thuật lâu nay vẫn thực hiện đối với bệnh lý này là mổ mở ở vùng bẹn, tìm và phẫu tính thắt ống phúc tinh mạc. Tuy nhiên trong y văn nhiều tài liệu đề cập tỉ lệ tái phát sau phẫu thuật mổ mở thoát vị bẹn từ 0,8-3,8% và tỉ lệ còn bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện từ 5,6 -30% nếu chỉ dựa vào siêu âm đơn thuần”- TS Hiền cho hay.
Với phương pháp mới nội soi thoát vị bẹn, giúp phẫu thuật viên đơn giản khi thực hiện với hời gian mổ nội soi trung bình mỗi bên thoát vị bẹn là tầm 10-15 phút với mức độ an toàn cao dưới quan sát phóng đại của camera nội soi.
Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện bởi với phẫu thuật mổ mở dựa phần nhiều vào siêu âm như hiện nay, một số trường hợp trẻ không có triệu chứng khi đến khám và siêu âm không phát hiện ra thì phẫu thuật mổ mở dễ bỏ sót tổn thương bên đối diện.
Tỉ lệ tái phát của phẫu thuật nội soi chữa thoát vị bẹn ở trẻ em chỉ khoảng từ 0,1-0,2 % ( thấp hơn đáng kể so với mổ mở 0,8- 3,8 % ). Ưu điểm đáng kể nhất của phương pháp phẫu thuật mới này là rất an toàn, ít sang chấn tới mạch máu và ống dẫn tinh (ở trẻ nam) bởi mổ mở thường phải bóc tách phẫu tích nhiều vào ống bẹn dễ gây tổn thương các thành phần này do đó sẽ ít ảnh hưởng hơn tới chức năng sinh sản sau này của trẻ.