Lần đầu tiên quy định công khai quyết định lập hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh PV
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh PV
TPO - Ban soạn thảo khẳng định, đây là lần đầu tiên quy định việc công khai quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, dành một Điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.  

Mọi người dân có thể giám sát

Nói về những điểm mới mang tính đột phá được quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong bảo vệ môi trường (BVMT); tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.

Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và báo chí trong thời gian qua. Ban soạn thảo khẳng định, đây là lần đầu tiên quy định việc công khai quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, dành một Điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo ĐTM sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, công khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật.

Về hình thức, Bộ trưởng khẳng định, việc công khai sẽ được thực hiện thông qua cổng thông tin của cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác, bảo đảm thuận tiện cho những đối tượng có liên quan tiếp nhận thông tin.

“Lần đầu tiên, trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn cộng đồng dân cư được quy định ngay từ khi lập báo cáo ĐTM, trách nhiệm tham vấn của cơ quan thẩm định trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM thông qua nhiều hình thức, bao gồm việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử các nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, đã quy định rõ trách nhiệm thực hiện tham vấn, đối tượng tham vấn, nội dung tham vấn chủ yếu, hình thức tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM”, ông Hà cho hay.

Đặc biệt, dự thảo luận đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, đồng thời người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, thông qua tương tác qua các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.

Kiểm soát chặt chẽ dự án nguy cơ tác động xấu đến môi trường

Một điểm thay đổi khác được sửa đổi trong lần này là việc thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.

Dự thảo Luật đặt ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và cũng hài hòa với quy định của quốc tế để góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ban soạn thảo, đây là lần đầu tiên, Dự thảo Luật tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.

Theo đó, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp.

Cụ thể, Luật quy định chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, gồm: Giảm thủ tục hành chính (TTHC) cho nhiều nhà đầu tư. Theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí; không bỏ sót việc sàng lọc đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao…

“Có thể chưa quen, nhưng phải theo xu thế”

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về cơ bản, dự án Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đợt này đã thể hiện được hai phương diện: sửa đổi, bổ sung những bất cập về quy định, chính sách pháp luật về tài nguyên môi trường. Đồng thời đưa ra được giải pháp mới trong việc bảo vệ môi trường một cách hiện đại hơn.

“Có thể những vấn đề này trong thực tế chưa quen, nhưng chúng ta phải theo xu thế”, ông ví dụ vấn đề kiểm soát rác thải, không khí, chất thải rắn…đã được quy định cụ thể hơn rất nhiều. Nhiều vấn đề bất cập đã được xử lý theo hướng tạo thêm điều kiện tốt cho xã hội, ví dụ tích hợp 7 giấy phép thành 1.

Theo đại biểu, việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý một số lĩnh vực khác, như tài nguyên nước, vấn đề về thủy lợi, thủy nông. “Nhưng nên nhớ, quản lý môi trường không phải việc của một Bộ. Nếu chỉ nhìn nhận ở một Bộ sẽ có sự xung đột lợi ích. Nếu nhìn nhận đây là việc của Chính phủ, thì phải theo đúng quy định, một việc chỉ giao cho một Bộ chủ trì và phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành khác. Trong Luật này, Chính phủ giao cho Bộ TN&MT chủ trì”, theo ông Nhưỡng, việc tích hợp giấy phép là bảo đảm quyền lợi của xã hội, của nhà đầu tư và của người dân.

Hay về cơ chế kiểm soát môi trường, Phó Ban dân nguyện cho rằng, nếu quá phân tán sẽ rất khó, vì không biết giao cho ai. “Tôi biết khi lấy ý kiến có sự phân tán, nhưng cũng có thể một số đại biểu là người của địa phương, rất mong muốn kéo việc đó về địa phương để xử lý. Nhưng cần phải có người quản lý tập trung, còn sau đó các văn bản phía dưới sẽ phân cấp, phân quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, chứ không thể tách ra, cái này ở địa phương, cái kia ở trung ương được. Quản lý nhà nước là một thể thống nhất, quyền lực là thống nhất và có thể phân công phối hợp và kiểm soát”, ông Nhưỡng cho hay.

MỚI - NÓNG