Lần đầu tiên đàn đáy tấu nhạc cung đình

Lần đầu tiên đàn đáy tấu nhạc cung đình
TP- CLB Ca trù Thăng Long vừa chuyển về đình Cống Vị- ngõ 518 Đội Cấn. Một duyên may là lần đầu tiên CLB trình làng phần hòa tấu nhã nhạc cho nghi lễ hát thờ cửa đình lại nhằm đúng ngày giỗ Thành hoàng làng- 8/11.
Lần đầu tiên đàn đáy tấu nhạc cung đình ảnh 1
Một số gương mặt đào nhí của CLB ca trù Thăng Long Ảnh: Hoa Hựu

Đình Cống Vị sẽ là địa điểm trình diễn miễn phí vào thứ bảy đầu tháng và tổ chức lớp học hàng tuần của Ca trù Thăng Long.

Được biết, thời xưa, khi đình làng mở hội, bao giờ cũng vời giáo phường ca trù đảm nhiệm việc hát thờ tế lễ thành hoàng.

Theo nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền, xưa trong tổ chức giáo phường ca trù bao giờ cũng có dàn nhạc bát âm phục vụ cho lễ thức hát cửa đình. Khi đi hát cửa đình, một giáo phường thường đem theo 20-30 người, gồm ca nương, nhạc công, diễn viên múa...

Thành phần chính của dàn bát âm CLB ca trù Thăng Long hôm nay là các nữ sinh khoa Âm nhạc Dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia với các nhạc cụ: sáo, tỳ bà, tam, nhị, nguyệt, tranh, trống bộc, tam âm la, sinh tiền, não bạt...

Và đặc biệt lần đầu tiên có sự xuất hiện của đàn đáy trong dàn nhã nhạc. Sự “đột nhập” của đàn đáy- hàng trăm năm nay vốn chỉ đệm hát trong ca trù- có ảnh hưởng ra sao đến sự bảo tồn giá trị cổ nhạc dân tộc?

Đào đàn Phạm Thị Huệ cho hay: “Quá trình lịch sử xưa nay luôn có sự biến động trong các quy luật âm nhạc truyền thống. Rất có thể trước đây đàn đáy từng có mặt trong dàn nhã nhạc... Với thẩm mỹ của một người chơi cổ nhạc thời nay, tôi nghĩ sự góp tiếng của đàn đáy sẽ làm cho dàn nhã nhạc hay hơn, đậm thêm chất Việt. Điều này càng có ý nghĩa  khi tiết mục do hầu hết các ca nương trình diễn”.

Theo chị Huệ thì đàn đáy khiến cho bè trầm của dàn nhạc thêm dày bằng những tiếng đục trầm và ngón trùn, láy đặc trưng. Việc bổ sung nhạc cụ ít nhiều chứng tỏ dàn nhã nhạc vẫn đang tiếp tục vận động trong sinh hoạt âm nhạc đương thời.

Trong chương trình tới đây (trong trường hợp trời mưa lớn, chương trình sẽ được tự động chuyển sang thứ 7 tuần sau), dàn lễ nhạc Ca trù Thăng Long sẽ chơi 5/10 bản ngự: Phẩm tuyết, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ và Tẩu mã. Đây là thành quả sau một tháng rèn tập đúng theo phương pháp truyền ngón của cổ nhân dưới sự chỉ dẫn của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. 

“Chúng tôi cố gắng làm tất cả để trước nhất làm sống lại hình thức hát thờ cửa đình”  - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nói - “Các tiết mục biểu diễn được căn cứ vào biên chế, bài bản của các dàn nhạc lễ người Việt, trong đó có nhã nhạc, còn “ruột gan” sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian. Quá trình phục dựng là cả một bước di dài, Ca trù Thăng Long đã dũng cảm đi tiên phong góp nhặt những mảnh vỡ của lịch sử, dựa trên thế mạnh của lực lượng đào nương vốn là sinh viên nhạc cụ dân tộc”. 

 Điều thú vị là biên chế dàn nhạc trong đêm diễn sắp tới sẽ được mở, không giới hạn khán giả tham gia, nhất là với các nhạc cụ trong bộ gõ. Đến với tiết mục được dàn dựng công phu này, khán giả sẽ được đánh thức cảm thụ âm nhạc tại chỗ một cách tích cực nhất.

MỚI - NÓNG