Lần đầu phát hành cổ phiếu: Doanh nghiệp “khủng” có đắt hàng?

Giới đầu tư có hào hứng tham dự đấu giá DN khủng. Ảnh : Như Ý
Giới đầu tư có hào hứng tham dự đấu giá DN khủng. Ảnh : Như Ý
TP - Thị trường tài chính sắp trở nên sôi động với việc một loạt doanh nghiệp nhà nước “siêu khủng” như Vietnam Airline, Mobilfone, Vinatex, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) thực hiện IPO. Nhưng trong cơn mưa cổ phiếu, giới đầu tư sẽ quan tâm và chọn ai gửi vàng, chắc phải chờ diễn biến thực.

Khẩu vị của nhà đầu tư

Một cổ phiếu hấp dẫn là cổ phiếu có giá giao dịch dưới giá trị thật của nó và có tiềm năng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong tương lai. Điều không may là xác định giá trị thật của cổ phiếu lại không hề dễ dàng và nó phụ thuộc vào rất nhiều các biến số khó dự đoán. Dù vậy, bằng những phân tích sơ bộ cũng có thể xác định một cách tương đối giá trị của những cổ phiếu.

Đối với DNNN, giá trị tiềm năng thường nằm ở giá trị đất đai chưa được phản ánh hết vào giá trị sổ sách và những lợi thế từ độc quyền mang lại. Ngoài ra, giá trị DNNN còn nằm ở việc khả năng tái cấu trúc để biến một DN vốn trì trệ kém hiệu quả nên có giá “bèo” thành một DN có hiệu quả cao hơn làm tăng giá trị DN.

Thực tế đã có rất nhiều DNNN sau khi cổ phần hóa hoạt động rất hiệu quả như Vinamilk (VNM), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Điện đạm Dầu khí (DPM), Dược Hậu Giang (DHG)…. Phần lớn những DN này thành công nhờ biết khai thác hiệu quả “độc quyền” và có nền tảng khá tốt. Thị giá những cổ phiếu này hiện đang được giao dịch ở mức rất cao và cũng đã mang đến cho nhà đầu tư rất nhiều lợi nhuận.

Tuy nhiên, cũng có không ít DN tiền thân là nhà nước và dù có rất nhiều yếu tố thuận lợi lại không thu hút được nhà đầu tư hoặc đã làm nhà đầu tư thua lỗ. Như ngân hàng Công thương (CTG) vốn là những ngân hàng quốc doanh rất lớn nhưng hiện giá cổ phiếu đang được giao dịch khá thấp. Ngoài ra, một loạt cổ phiếu “lừng lẫy” một thời như Sudico (SJS), Vinaconex (VCG), họ cổ phiếu Sông Đà, Licogi, Vinaconex… giờ đây đang vật lộn với không ít khó khăn thậm chí nhiều doanh nghiệp gần như phá sản

Ngay cả với việc IPO Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) được nhiều người kỳ vọng sẽ rất thành công do DN này đang có một tài sản gần 2 triệu m2 đất. Tuy nhiên, cổ phiếu bán ra gần như bị ế toàn bộ khi chỉ bán được 0,03% tổng số chào bán.

“Chọn mặt gửi vàng”?

Theo kế hoạch sắp tới sẽ có một loạt DNNN “siêu khủng” như Vietnam Airline, Mobilfone, Vinatex, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) sẽ được IPO. Đây đều là những doanh nghiệp nhà nước rất lớn và có rất nhiều lợi thế đối với thị trường trong nước. Nhiều người kỳ vọng nguồn cung những hàng “độc” này sẽ tạo ra sự sôi động đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên, cũng có người hoài nghi về khả năng thành công trong các đợt IPO sắp tới.

Theo phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phần lần đầu với số vốn điều lệ là 14.101 tỷ đồng, Nhà nước sẽ nắm giữ 75% và bán ra ngoài 25%, trong đó 20% dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược. Giá khởi điểm của đợt chào bán này ở mức 22.300 đồng/cổ phiếu. Theo định giá của một công ty tư vấn trong nước được Vietnam Airlines thuê, khối tài sản này có giá trị khoảng 53.000 tỷ đồng (nếu tính nguyên giá) và 37.600 tỷ (nếu tính giá trị còn lại) tại thời điểm 31/3/2013. Trong đó riêng phần vốn Nhà nước tại DN được định giá lại khoảng 24.000 tỷ đồng.

Như vậy, theo phương pháp định giá tài sản thì mức giá khởi điểm của Vietnam Airlines trong đợt đấu giá này không phải là cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Vietnam Airlines rất khó hấp dẫn được nhà đầu tư chiến lược lẫn nhà đầu tư cá nhân.

Nguyên nhân cơ bản là hiệu quả hoạt động hiện nay của Vietnam Airlines chưa thực sự cao. Ngoài ra, với việc nhà nước đang nắm tỷ lệ chi phối thì nhà đầu tư chiến lược khó có cơ hội mua lại để tái cấu trúc nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhưng dù vậy, chắc chắn phiên đấu giá Vietnam Airlines sẽ trở thành phiên đấu giá thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Đối với Vinatex, DN lớn nhất trong ngành dệt may Việt Nam và có đóng góp rất lớn cho xuất khẩu hàng may mặc. Theo thông báo từ Sở GDCK TPHCM, Vinatex sẽ tổ chức bán đấu giá phát hành 211,99 triệu cổ phần vào ngày 22/7/2014 với giá khởi điểm là 11.000 đồng/cp. Đây là một mức giá khá mềm với một DN có tài sản tiềm năng rất lớn và hoạt động ở lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao và sẽ có nhiều lợi thế sau khi Việt Nam gia nhập TPP trong thời gian tới.

Sự hấp dẫn của cổ phiếu có tiền thân DNNN không chỉ nằm ở đất đai hay lợi thế về thị trường, ngành nghề mà còn ở vấn đề quản trị.

Một chuyên gia tài chính khẳng định

Nhiều người đang chờ đợi IPO của Vocarimex. Theo phương án đấu giá được công bố thì Vocarimex sẽ bán ra công chúng 38,97 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, 37,9 triệu cổ phiếu chào bán công khai. Sau khi IPO cổ đông nhà nước chỉ còn nắm giữ 36% vốn điều lệ, tương đương 43,84 triệu cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư cho rằng dù hiệu quả kinh doanh của Vocarimex trong thời gian qua là rất thấp song ngành mà công ty đang hoạt động thì rất tiềm năng. Nguồn cung cổ phiếu mới trong thời gian tới rất dồi dào. Đây là một điểm tích cực cho thị trường và nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn để giải ngân túi tiền. Vấn đề cổ phiếu nào sẽ hấp dẫn và được “chọn mặt gửi vàng”.

MỚI - NÓNG