Nhân dịp tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhậm chức: 

Lần ấy, với Hillary Clinton...

Lần ấy, với Hillary Clinton...
TP - Lễ nhậm chức của tân TT Hoa Kỳ đang được quảng bá rầm rộ khắp hành tinh. Thì chắc bữa nhậm chức ấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại cũng láy đi láy lại nhiều nhất những khuôn hình tân TT Hoa Kỳ Obarak Obama cùng thấp thoáng khuôn mặt khả ái và bộ sắc phục sang trọng của tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton?

...  Tôi lẩn thẩn nghĩ đến sáng lạnh ấy non chín năm trước ở thôn Phú Tàng, Sóc Sơn, Hà Nội.

Chắc đám rau ngót còi và mấy cây táo lẫn mười chú lợn choai cùng nái mẹ ở mảnh vườn con nhà chị Lương phải lạ lẫm lắm với những dáng người quá khổ áo xám đen kính đen của tốp an ninh phủ tổng thống từ tang tảng sáng đã săm soi từng xăng ti mét của mảnh vườn và cả nền chuồng lợn bằng máy dò mìn.

Họ còn dùng sợi dây thừng màu trắng đem theo từ Washington cột vào gốc cây táo cây bưởi làm ranh giới và lấy chỗ cho đám báo chí  hành nghề.  Họ còn rờ rẫm bằng tay bằng máy chán chê chỗ mấy cây rơm chân búi tre, búi mây quanh nhà.

Mặt trời được hơn cây sào, họ không vào uống nước theo lời mời của chủ nhà mà chia nhau đứng ở các góc vườn và chỗ khuất của cây rơm; tóm lại là bất kỳ lối hở nào có thể vào được nhà chị.

Ông bố chồng chị Lương ghé qua nhà “Mấy ông Mỹ hả con?”. Chị Lương cười “Vâng bố ạ. Xã báo lại từ hôm qua là bữa nay bà vợ ông Tổng thống Mỹ tới thăm nhà và tìm hiểu việc sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo của Hội phụ nữ...”.

Ông bố chồng ừ hữ: “Ừ Mỹ. Hồi đi bộ đội trong Nam bố biết mấy ông này rồi. Nhắc họ nhẹ tay kẻo nát mấy đám rau lang cho lợn ở góc vườn”.

... Khi tôi từ Ủy ban xã trở lại thì nhà chị Lương đã đông nghẹt người mặc dù bà Hillary chưa tới. Chị Lương mặc áo trắng nhỏ thó lọt thỏm trong đám phóng viên mươi người cao lớn. Thì có sự kiện gì to tát đâu. Thôn Phú Tàng cũng như Bắc Phú, Sóc Sơn quê chị đều có tên phú nhưng nghèo lắm, chiêm khê mùa thối là cái rốn nước của huyện mà.

Mới đầu chị vay của quỹ 300.000 đồng khởi sự xóa đói bằng làm đậu phụ, rồi nuôi gà. Kha khá một tí, trả xong nợ cũ, chị vay tiếp gây thêm đàn gà nữa rồi nuôi lợn. Ba năm nay nhà chị với hai đứa con nhỏ mới thoát đói và đang giảm một chút nghèo thôi chứ đã khấm khá gì. Thế mà mấy ông báo Tây này cứ quây lấy chăm chú hỏi, chăm chú ghi ghi chép chép. Chị cứ tính thực thế mà trình bày.

Tôi để ý đám ký giả đang vây lấy chị Lương. Cứ chiểu theo trên tấm thẻ tòn ten trên ngực thì những là Chandler của CNN; Marl Lander của New York Times; Richard của Daily News; Al Turner của ABC. Bốn vị nữa tôi không thấy có thẻ...

Chị Lương đâu biết đây chuyên những tay tổ trong làng báo Mỹ tìm tới cái xóm nghèo này gặp chị bởi họ đi theo bà đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ.  Họ đang ăn theo sự kiện được coi là nổi bật đầu thế kỷ! Hết việc làm ăn họ hỏi sang nhà chị thôn chị có bao nhiêu người đi bộ đội, bao nhiêu người hy sinh, bao nhiêu mất tích... Chị Lương đáp mà giọng cứ run run.

Mãi sau này chị mới cười “Mấy ông nhà báo Tây làm em run quá chứ khi nói chuyện với bà vợ ông Tổng thống và cô con gái em lại chả run tẹo nào. Phụ nữ với phụ nữ cũng dễ nói hơn các anh ạ...”.

Quả ngó chị Lương vẻ như hoạt bát mau mắn hơn khi hướng dẫn cho bà Hillary và cô Chelsea cách làm đậu phụ hay khi dẫn hai mẹ con ra chuồng lợn góc vườn, chỉ cho bà đệ nhất phu nhân lũ lợn bột thau tháu được ba tháng đang xốc cám tàm tạp.

Một cái khều tay nhẹ. Tôi nhận ra bên mình là tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội, người chịu trách nhiệm an ninh trong chuyến thăm này. Tướng Chuyên rỉ tai có hỏi gì thì hỏi ngay đi kẻo không còn cơ hội nữa... Tôi hiểu tức thì gợi ý ấy của ông tướng công an vốn thường tạo cơ hội cho báo chí hành nghề!

Qua người phiên dịch mà tôi quen, lúc len qua mấy cành táo ở góc khuất của vườn, tôi hỏi bà Hillary rằng đến thăm nhà chị Lương đây là ngẫu nhiên hay được sắp đặt trước. Bà cười nói ngay ngẫu nhiên hay sắp đặt trước không quan trọng; quan trọng là giá trị thông tin mà bà thu nhận được!

Bằng chất giọng hơi gấp gấp, bà Hillary cho hay bà biết không nhiều về đời sống cũng như tính cách phụ nữ châu Á nhưng phụ nữ nông thôn ở đây tạo cho bà một ấn tượng đặc biệt. Họ thật tháo vát khi biết nhân lên những đồng vốn ít ỏi ấy trong cuộc mưu sinh không dễ dàng của mình. Những người đàn ông thật hạnh phúc khi sống trong mái nhà có những người phụ nữ như thế...

Bên tôi, phóng viên Hoàng Quốc Dũng (người  sau này được giải thưởng quốc tế báo chí về môi trường năm 2007) cũng kịp trao cho người đẹp Chelsea (ái nữ của ông bà Clinton) địa chỉ email kèm năm câu phỏng vấn in sẵn bởi, theo kinh nghiệm, anh biết không có thời gian trong những trường hợp như thế này. Tiếc thay, mãi cho đến bây giờ, tròn tám năm qua, người đẹp Chelsea vẫn chưa có hồi âm!

Cái cả cười của chị Lương “phụ nữ với nhau cũng dễ nói hơn” làm tôi nhớ lại lúc bà phu nhân Tổng thống và cô Chelsea cuốc bộ trên đường làng đoạn thì lấm bụi đoạn thì rợp bóng tre để ra đình dự buổi sinh hoạt của các hội viên quỹ tình thương xóa đói giảm nghèo. Hai mẹ con ngồi chung với các hội viên trong thôn cùng vỗ tay theo nhịp bài hát “Bốn phương trời ta về đây chung vui...”.

Các hội viên lên báo cáo hay trình bày với bà phu nhân Tổng thống công việc của hội quỹ tình thương rất chi là lưu loát, trôi chảy, cấm có ngập ngừng tẹo nào mặc dù giăng giăng trước họ là một rừng máy ghi hình.

Có lẽ họ tìm thấy không ít sự đồng cảm khi bà Hillary bộc bạch với chị em “Tôi và con gái tôi rất vui có mặt ở đây với chị em hôm nay. Tôi biết thế nào là vai trò của các bạn trong đời sống gia đình trong quá khứ bảo vệ đất nước cũng như bây giờ trong việc xây dựng cuộc sống mới. Bằng số vốn ít ỏi, bằng sự tần tảo chịu thương chịu khó, các bạn đã làm nên điều kì diệu, niềm hạnh phúc khi cho con đi học, nuôi thêm gia súc, mở rộng hoặc xây mới nhà cửa...”.

Có lẽ tràng pháo tay rầm rộ nhất của chị em chả phải khi bà tuyên bố một công ty của Hoa Kỳ gửi tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 25.000 USD cho Quỹ, mà dành cho bà Hillary vì bà có trí nhớ khá dai. Tôi tịnh không thấy bà ghi gì và cũng chẳng thấy ai nhắc. Nhưng khi kết thúc bài nói, bà cảm ơn vanh vách (bằng âm sắc Việt hẳn hoi) tên của chị hội trưởng hội phụ nữ huyện, xã, của chị phụ trách cụm, thôn! 

Ngay cả với bà Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ở các hội nghị khác, tôi thấy bà phát biểu cũng thường thường bậc trung; nhưng, bữa nay, bà nói vo thôi, sinh sắc và tình cảm như cái ôm hôn của bà với phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ và cô Chelsea sau khi bà tuyên bố kết nạp hai mẹ con làm hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

... Rời thôn Phú Tàng xuôi về Hà Nội, đoàn xe chở Phu nhân Tổng thống không tuột thẳng về khách sạn Daewoo nơi dành riêng năm tầng cho gia đình Tổng thống Mỹ và đoàn tùy tùng (nghe nói mỗi khi công cán xứ người, Tổng thống Mỹ và đoàn tùy tùng thường giành trọn cả khách sạn nào đó. Nhưng với Daewoo của Việt Nam, đoàn Mỹ chỉ khiêm tốn có năm tầng; các khách khác nếu nhận phòng trước vẫn cứ ở tiếp) mà rẽ vào phố Lý Nam Đế và dừng lại ở cửa hàng mỹ nghệ số 83.

Chỉ mới hai ngày, Phu nhân Tổng thống và cô Chelsea có nhiều cuộc đi mua sắm ở ngót 10 cửa hàng mỹ nghệ tại khu phố cổ Hà thành như Hàng Gai, Nguyễn Hữu Huân, Yên Thế, Nhà Thờ... Ngồi trên xe, tôi thoáng nghĩ tới collection (bộ sưu tập) đủ mọi thứ trên đời của các đệ nhất phu nhân, của phu nhân các nguyên thủ mà mình được đọc đâu đó...

Chao ôi, người thì sưu tập thanh, người thì nhã, và không ít người tạp nữa... Với đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ, tôi  không biết  bà có thú sưu tập nào khác? Nhưng ta đang tự bảo ta “dùng hàng nội là yêu nước”. Bà Hillary muốn khuyến khích người tiêu dùng xứ ta chăng hay là như một câu ngạn ngữ “Muốn yêu đất nước nào phải yêu một cái gì cụ thể của đất nước đó” ?

Bây chừ, vẫn nối thêm cái mạch lẩn thẩn rằng chẳng biết ở cương vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary có còn lưu giữ những đồ vật mà bà cùng con gái mua tại mấy cửa hàng mỹ nghệ Hà thành trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2000 không? Và cái mái đình lở lói rêu phong ở làng Phú Tàng, Sóc Sơn xa ngái ấy, có bao giờ bà nghĩ rằng mình sẽ trở lại?

Đại hàn năm Mậu Tý

MỚI - NÓNG