Làm thêm 3 tuyến cao tốc: Dự kiến cần hơn 84.000 tỷ vốn đầu tư công

TP - Để đầu tư 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam cần tổng vốn trên 84.400 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước, hoàn thành vào năm 2026. Dự kiến, tiền đầu tư các dự án này sẽ được cân đối từ nhiều nguồn khác nhau, kết hợp ngân sách trung ương và địa phương, với một số cơ chế đặc thù.

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư thêm 3 tuyến cao tốc mới, gồm cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng); cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng); và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng).

Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư thêm 3 tuyến cao tốc mới theo hình thức đầu tư công

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư 3 tuyến cao tốc trên khoảng 84.400 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2025 cần khoảng 67.576 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 16.887 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, đã có khoảng 26.147 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phân bổ; khoảng 7.300 tỷ đồng từ rà soát, cắt giảm, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT.

Phần vốn còn lại lấy từ: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bố trí khoảng 9.620 tỷ đồng; Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, cân đối từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để bố trí thêm khoảng 13.796 tỷ đồng.

Ngoài ra, để đầu tư 3 tuyến đường trên, cần thêm 8.406 tỷ đồng từ nguồn ngân sách các địa phương có dự án đi qua (tối thiểu bằng 50% chi phí giải phóng mặt bằng). Bộ GTVT cho hay, tới nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cam kết bố trí 670 tỷ đồng, các địa phương còn lại cam kết bố trí khoảng 5.088 tỷ đồng; Đồng Nai cần bố trí khoảng 2.648 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ làm 3 tuyến đường trên hoàn thành vào năm 2026, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù tương tự cơ chế áp dụng cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể: Cho phép áp dụng cơ chế chỉ định thầu, cấp phép mỏ vật liệu (kể cả cấp phép khai thác mỏ trực tiếp cho các nhà thầu thi công), phân cấp đầu tư cho các địa phương có dự án đi qua. Các cơ chế này áp dụng trong 2 năm 2022, 2023.

Để đạt mục tiêu đầu tư ngay các dự án này hoàn thành vào năm 2025, cần các địa phương có dự án đi qua bố trí một phần ngân sách tham gia cùng đầu tư.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất phân chia 3 tuyến cao tốc trên thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính các tỉnh, thành, để thuận lợi trong phân cấp đầu tư cho địa phương.