Làm thế nào để thực hiện được mục tiêu có 13,5 triệu đoàn viên công đoàn?

TPO - Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để phát triển, thu hút được nhiều đoàn viên, các cấp công đoàn cần phối hợp tích cực với các cấp, ngành, đẩy nhanh xây dựng các thiết chế công đoàn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đoàn viên.

Năm 2025, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam xác định chủ đề: "Năm phát triển đoàn viên”. Chỉ tiêu phấn đấu được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra là, hết năm 2025 cả nước có ít nhất 13,5 triệu đoàn viên công đoàn, tăng hơn 1,6 triệu đoàn viên so với năm 2024.

Vậy làm thế nào để thực hiện được mục tiêu trên, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam?

(?) Theo ông, cần có các giải pháp đột phá gì để tổ chức công đoàn ngày càng thu hút được nhiều đoàn viên, hoàn thành được mục tiêu, hết năm 2025, cả nước có ít nhất 13,5 triệu đoàn viên công đoàn?

Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và công đoàn các cấp cơ sở đã có nhiều đổi mới sáng tạo, phát huy được vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các đoàn viên. Các cấp công đoàn cũng đã tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đoàn viên và người lao động.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điển hình như khi xảy ra đại dịch COVID-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam và công đoàn các cấp đã kịp thời có các chính sách để hỗ trợ công nhân, người lao động và cả các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Hay như trong đợt bão số 3, Tổng LĐLĐ và các cấp công đoàn cũng đã chủ động trích các nguồn quỹ để hỗ trợ công nhân, người lao động khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt hại.

Tương tự trong các dịp Tết, các cấp công đoàn cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ công nhân cả về vật chất và tinh thần, như hỗ trợ tàu xe đi lại; giám sát việc thực hiện lương thưởng, rồi tặng quà cho các gia đình đoàn viên, người lao động khó khăn…

Thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực trên, các cấp công đoàn đã thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của công nhân, người lao động.

Tuy nhiên, để phát triển mạnh hơn nữa số lượng các đoàn viên, đòi hỏi Tổng LĐLĐ Việt Nam và công đoàn các cấp tiếp tục quan tâm tốt hơn nữa các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, thông qua việc đổi mới tổ chức các chương trình phúc lợi đoàn viên thực chất, hiệu quả, tạo hiệu ứng lan toả trong xã hội.

Đồng thời, tổ chức sâu rộng các hoạt động văn hoá, thể thao..., nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên, tạo sự khác biệt giữa đối với đoàn viên.

Chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên

(?) Thời gian qua, đời sống của công nhân, người lao động đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các vấn đề liên quan đến nhà ở, học hành của con em người lao động, theo ông cần có giải pháp gì về vấn đề này?

Việc quan trọng là phải tập trung giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, người lao động để họ có thêm thu nhập, đời sống được cải thiện.

Bên cạnh đó, phải đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, đến việc xây dựng các thiết chế công đoàn, như nhà ở, trường học và các điều kiện văn hóa tinh thần khác.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển số lượng đoàn viên công đoàn.

Thời trước, khi xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp, thì chính quyền các cấp rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nhà ở cho công nhân và xây dựng các trường học đáp ứng nhu cầu của con em công nhân. Do đó, tới đây cần phải làm tốt hơn; phải chăm lo những vấn đề thiết thực hơn cho công nhân, người lao động vì “có thực mới vực được đạo”.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi chính quyền các địa phương cũng phải vào cuộc tích cực. Các địa phương cần phải quan tâm, dành quỹ đất cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động; dành quỹ đất để xây dựng các trường học, đáp ứng nhu cầu của học hành của các con em công nhân.

Ngoài ra, các cấp công đoàn cần chủ động, tích cực đề xuất, kiến nghị với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp triển khai có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội đối với đoàn viên, người lao động trong doanh nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!