Làm thế nào để có giáo sư trẻ hơn?

Làm thế nào để có giáo sư trẻ hơn?
TP - Làm thế nào để giới trẻ say mê nghiên cứu khoa học, để VN có thêm nhiều giáo sư (GS) trẻ? Tân GS trẻ nhất Trần Đình Hòa bật mí trong những thành công của mình.

> Chức danh giáo sư vì sao không được mặn mà?
> Chưa thu hút được trí thức ở nước ngoài

Giáo sư Trần Đình Hòa nhận Giải thưởng Bông lúa vàng 2012
Giáo sư Trần Đình Hòa nhận Giải thưởng Bông lúa vàng 2012.

Xuất thân từ một gia đình nông dân tại thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh), tuổi thơ vất vả trên mảnh đất quê hương nghèo đói đã thôi thúc và tiếp thêm nghị lực cho nhà khoa học Trần Đình Hòa đến với chức danh giáo sư (GS) trẻ nhất năm 2013, ở tuổi 42.

Gia đình đông con, 6 người, bố là thương binh kháng chiến chống Pháp, mẹ làm ruộng, gia đình người nông dân Hà Tĩnh này vẫn làm thuê, lo từng bữa ăn và động viên con cái học tập.

Bão lũ luôn de dọa và tàn phá các tỉnh miền Trung, trong đó có quê hương Hà Tĩnh đã là cơ duyên để anh, tân GS Trần Đình Hòa, gắn bó và trưởng thành với ngành Thủy lợi, ngành mà năm nay đã được đánh dấu một mốc son vì có vị GS trẻ nhất vinh danh đối với khoa học ứng dụng, sau nhiều năm vị trí này được dành cho khoa học cơ bản.

Năm 2013 có 57 người được phong tặng chức danh giáo sư (GS) và 514 người được phong tặng chức danh phó GS. GS - TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký hội đồng chức danh GS nhà nước nói: Nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn nhưng vẫn chưa trẻ được như ở các nước phát triển.

Đặc biệt, đỉnh cao của các công nghệ trong các công trình khoa học đã giúp anh nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh “Đặc biệt xuất sắc về Khoa học Công nghệ” cho cụm công trình: Ngăn sông đập Trụ đỡ và đập Xà lan, năm 2012... Các công trình nghiên cứu của anh và nhóm tác giả cũng đã thuyết phục bạn bè quốc tế và mang về Giải nhất “Giải thưởng Công nghệ ACECC” của Hội đồng điều phối xây dựng châu Á – Thái Bình Dương (ACECC) năm 2007 cho Trần Đình Hòa. 6 năm trước Trần Đình Hòa đã trở thành Phó GS trẻ nhất ngành, khi anh 36 tuổi.

Trần Đình Hòa là người duy nhất được đặc cách phong chức danh GS năm 2013 cho những thành tích xuất sắc của mình với nhiều giải thưởng: Nhóm tác giả Giải Khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2004; đồng tác giả Giải ba giải VIFOTECH năm 2006.

Trong tâm trí nhà khoa học trẻ vẫn có nhiều trăn trở, đặc biệt đối với thế hệ nhà khoa học trẻ hơn anh sau này. Anh tâm sự, làm thế nào để thế hệ trẻ say mê nghiên cứu khoa học (NCKH) nhiều hơn vẫn là một câu hỏi luôn day dứt. “Chúng ta không thể trách những bạn trẻ chạy theo những mục tiêu thực dụng trước mắt hoặc các trào lưu khác nhau”, anh Hòa nói.

Chính vì vậy có nhiều người không muốn làm NCKH hay công tác giảng dạy. Tuy nhiên, theo anh, ngay cả với công việc của các doanh nghiệp cũng cần ứng dụng KHKT nhiều.

Để thế hệ trẻ ham mê khoa học và góp phần vào công cuộc phát triển đất nước, Trần Đình Hòa nói: Cần sự nỗ lực của 2 phía- nhà nước tạo điều kiện về lương bổng, chế độ ưu đãi, khuyến khích; giới trẻ xác định sở trường, chọn nghề dù là khoa học hay kinh tế và đam mê, tâm huyết với nghề mình chọn là đủ.

“Ngành nào cũng có đóng góp quan trọng, cũng có nhiều thứ để nghiên cứu, phát triển, cải tiến và mang lại kết quả cho xã hội”, Trần Đình Hòa bật mí chìa khóa của thành công cho giới trẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG