Lâm tặc cất súng chăn bò tót

Lâm tặc cất súng chăn bò tót
TP - Một lâm tặc khét tiếng từng thụ án 48 tháng tù vì tội giết bò tót. Con người ấy trở về trong sám hối và ăn năn để rồi trở lại rừng canh cho đàn bò tót.
Lâm tặc cất súng chăn bò tót ảnh 1
Hoàn đang theo dõi sự di chuyển của các loài thú giúp cho công việc bảo tồn

Trong sự day dứt, con người ấy chuộc lỗi bằng cách một mình thăm thẳm, miệt mài mấy năm trời luồn rừng đi theo bảo vệ cho sự an toàn của đàn bò và trở thành người chăn đàn bò tót có một không hai giữa rừng già Phong Nha.

Người dân thôn 3 Khe Gát (Xuân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) nói muốn tìm Hoàn “mát” thì phải hẹn trước, có khi phải cả tuần mới gặp. Suốt ngày hắn chui rúc theo bò. Tôi gặp may, khi Hoàn vừa từ rừng trở về lo chuyện mồ mả cho dòng họ...

...Hoàn từng là thủ phạm của một vụ bắn bò tót để giữ cho chúng khỏi phá rẫy. Ngồi ở trại tạm giam 1 tháng 20 ngày, Hoàn vẫn ngơ ngác chưa hiểu mình đã phạm tội gì. Một phiên toà được mở. Hoàn lãnh án 48 tháng tù, cho hưởng án treo và phải nộp phạt 2,5 triệu đồng.

Hoàn kể: Sau cái đận đó, tôi nổi lên như một lâm tặc có hạng, là tay “sát thú máu lạnh”. Đường đi nước bước các con thú ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng này có chỗ nào mà tôi không biết. Tôi đã ngắm thì đố có con nào trượt...

Thế nhưng, rồi một đêm khó ngủ. Nằm thao thức mãi, nghĩ vẩn nghĩ vơ, lại nghĩ đến con bò tót mình hạ sát ngày nào và cái án tù mình đang mang. 4 đứa con của mình chắc cứ mãi mang danh có một ông bố là một lâm tặc khét tiếng.

Ngồi thừ người vài ngày sau đó, mông lung tìm lối đi. Chia sẻ tâm trạng đó với vợ. Vợ nói ngon ơ: Đã có tội bắn mất một con, giờ thì phải tìm cách bảo vệ mấy con còn lại.

Sáng hôm sau đã thấy vợ chuẩn bị “cơm đùm gạo bới” cho chuyến luồn rừng tìm lại đàn bò tót. Suốt cả tháng luồn rừng như thế, tôi đã tìm ra dấu vết của đàn bò.

Giữa một đêm trăng rằm, đàn bò lồ lộ trước mắt. Tôi đếm đi đếm lại, quái, sao chỉ còn 4 con? Trước khi nổ súng giết một con, tôi vẫn nhớ như in cả đàn có 7 con...

Về làng tìm hiểu, mới hay thời gian tôi thụ án, các tay săn ở đây đã lén lút bắn chết 2 con nữa. Tôi buồn, nản. Vợ tôi động viên: Bảo vệ cho được 4 con cũng đã là tốt lắm. Nếu không sẽ chẳng còn con nào...

Lại vào rừng theo dấu chân bò tót với tất cả sự ăn năn. Không quản nắng hay mưa. Một mình cặm cụi như thế hết tháng này sang tháng khác canh chừng và bảo vệ cho đàn bò. Nương rẫy, đồng áng ở nhà có vợ con lo. Hoàn cứ biền biệt. Chỉ đến khi hết đồ ăn Hoàn mới trở về nhà để nhận “tiếp tế” và kể chuyện... bò.

Lâm tặc cất súng chăn bò tót ảnh 2
Hoàn và chuyên gia nước ngoài

Hoàn kể: Đàn bò 4 con, có 2 con đực, một con cái và một con tơ. 2 con đực ganh nhau dữ lắm. Con đực thắng “sở hữu “ con cái, con thua chỉ chờ cơ hội mong manh tranh thủ, nhưng đều bị phát hiện.

Thế là cứ đêm đến nó vơ vẩn xuống thôn Ngọn Rào tìm bò nhà dân. Theo con bò “hư tính” này, tôi gần cả tháng trời thức trắng. Sợ người dân cài bẫy, hoặc nghĩ có trộm bò mà cho một phát thì... công toi.

Những nơi nào nó thường đến tôi đều đã gặp chủ nhà và nói rõ. Có thế nó mới được an toàn cho đến tận bây giờ, khi nó đã kịp sinh ra cả một thế hệ bê lai tuyệt đẹp ở thôn Ngọn Rào.

Hoàn nhìn vợ cười tươi: Suốt tháng trong rừng, về nhà đặt ba lô xuống là có hàng xóm sang thăm hỏi chuyện bò. Hồi trước, vợ đi chợ, con đi học đều bị dân trong vùng gọi là vợ con thằng lâm tặc. Tủi thân về nhà chỉ biết khóc. Giờ thì hết rồi...

... Hoàn như hiểu hết tính nết của các loài thú ở đây. Một dấu chân, một tiếng kêu, một lối đi Hoàn biết ngay đó là loài nào, đang quần tụ ở đâu.

Không thế mà mỗi khi có các đoàn nghiên cứu về động, thực vật của nước ngoài vào thì Hoàn luôn được mời dẫn đoàn với tư cách là cộng tác viên của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Hôm rồi, khi dẫn một chuyên gia người Mỹ sang nghiên cứu về loài linh trưởng, Hoàn bảo, ở đây có cả thảy 10 loài. Qua nghiên cứu, có 10 loài thật. Vị chuyên gia kia phục Hoàn sát đất...

Giờ, cái máu yêu động, thực vật của Hoàn lây sang cả vợ và con. Hai đứa con lớn đang học và làm việc ở TPHCM cứ hè về lại theo cha vào rừng giữ sự bình yên cho đàn bò tót. Còn chị Hồng - vợ anh - vừa đảm đang việc nhà, vừa luôn động viên chồng giữ trọn lời hứa trả nợ cho rừng.

Chị chẳng ngại ngần khi rút hầu bao chi cho chồng vài trăm ngàn đồng để mua lại một con voọc quý trả về rừng. Thấy Hoàn “lột xác” đến khó tin như thế, nhiều lâm tặc khét tiếng trong vùng cũng bị cảm hóa mà “rửa tay gác kiếm”...

Trời về chiều, Hoàn bảo: Rừng vùng Hà Riềng giờ không còn yên tĩnh. Đàn bò đã di chuyển vào vùng Lành Anh, Sao Sa, Bắc Đại Đủ. Tôi phải đi vào rừng trước khi trời tối...

Không biết từ lúc nào, chị Hồng đã để sẵn một ba lô lương thực, dao rừng, đèn pin và mấy gói thuốc Điện Biên cho chồng ngay ở trước hiên nhà.

Tôi đưa máy ảnh ghi vội hình Hoàn trước cửa rừng. Di sản thiên nhiên thế giới PN-KB sẽ mãi yên bình khi ở đó có những con người đang đau đáu trả nợ rừng như Hoàn...

MỚI - NÓNG