Chuyến thăm diễn ra từ ngày 29/11 - 2/12, trong bối cảnh quan hệ Việt - Nga tiếp tục phát triển trên các tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, văn hóa, khoa học, giáo dục… Bất chấp đại dịch COVID-19, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới.
Quan hệ chính trị Việt-Nga luôn có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Từ năm 2020, bất chấp tác động của dịch COVID-19, tiếp xúc cấp cao song phương vẫn được duy trì thường xuyên thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa tất cả các lãnh đạo chủ chốt của hai nước.
Trên các diễn đàn đa phương, hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Nga ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
Hợp tác kinh tế - thương mại hai nước thời gian qua phát triển năng động. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 9 tháng năm 2021 đạt 3,6 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến tháng 4/2021, Nga đứng thứ 25 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 144 dự án và tổng số vốn đăng ký khoảng 944 triệu USD. Việt Nam có hơn 20 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD.
Hai nước đang phối hợp chặt chẽ trong ứng phó với COVID-19. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã tặng Nga khẩu trang y tế và một số vật tư y tế. Nga đến nay đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 15.000 liều vắc xin Sputnik-V và một số thuốc điều trị, vật tư y tế. Hai nước đang thảo luận phương hướng để Nga sớm cung cấp vắc xin cho Việt Nam theo lộ trình đã được thống nhất và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của Nga tại Việt Nam.
Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục là một trong những lĩnh vực được đẩy mạnh. Nga là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, với việc tiếp tục cung cấp vũ khí, khí tài cho Việt Nam.
Ưu tiên quan hệ với Liên Hợp Quốc
Trước khi rời Thụy Sĩ để lên đường thăm Liên bang Nga, ngày 28/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thăm trụ sở Văn phòng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Geneva và gặp Tổng giám đốc Văn phòng Tatiana Valovaya.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao quan hệ hợp tác nhiều mặt hiệu quả giữa Việt Nam với LHQ, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam ủng hộ LHQ phát huy vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, ứng phó hiệu quả với các thách thức chung, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh lương thực. Đồng thời nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với LHQ, trong đó có Văn phòng LHQ tại Geneva, nhất là trong bối cảnh năm 2022 sẽ đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ.
Về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn chân thành đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), cơ chế COVAX và đề nghị các tổ chức LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường tiếp cận và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, giúp đỡ về vật tư, trang thiết bị y tế cũng như hỗ trợ tư vấn chính sách, kinh nghiệm giúp phục hồi kinh tế - xã hội dài hạn theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.
Bà Valovaya cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa LHQ và Việt Nam đang tiếp tục tiến triển về nhiều mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay. Từ một nước phải nhận viện trợ của LHQ để khắc phục hậu quả chiến tranh, đến nay Việt Nam đã vươn lên tham gia sâu rộng và có nhiều đóng góp tích cực, trách nhiệm, toàn diện vào các hoạt động của LHQ. Đặc biệt, bà đánh giá cao Việt Nam đã đảm đương xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, với nhiều sáng kiến, đóng góp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu.
Bà Valovaya khẳng định, LHQ luôn coi trọng và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam thúc đẩy các lĩnh vực mà hai bên quan tâm. Bà nhất trí với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về sự cần thiết tăng độ bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 và khẳng định LHQ sẽ đồng hành với Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch, thông qua cơ chế COVAX cung cấp vắc xin và thuốc điều trị cũng như hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Thuỵ Sĩ, sáng 28/11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng bang Geneva Serge Dal Busco; thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva và các chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ.