Nhìn đâu cũng thấy Tết
Trần Đình Dũng (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) là chuyên viên kỹ thuật số tại một văn phòng in ấn. Dũng cho biết đã phải làm quen với không khí Tết từ vài tháng trước. Công việc tiếp nhận các yêu cầu in ấn Tết như lịch, ảnh, bao bì sản phẩm đã ngập tràn tin nhắn của anh từ cả tháng nay. “Mỗi ngày, mình đều bị "ngập" trong biển các file thiết kế rực rỡ sắc xuân, khiến mình cũng háo hức được nghỉ sớm để chuẩn bị đón Tết”, Đình Dũng chia sẻ.
Làm việc giữa “rừng” các thiết kế mai, đào len lỏi khiến tâm trí chàng trai không khỏi xao nhãng. Những câu hỏi về việc sắm Tết, về quê, gặp gỡ bạn bè, chuẩn bị quà Tết... cứ lặp đi lặp lại trong đầu, khiến Đình Dũng khó tập trung vào công việc.
Là nhân viên tại một văn phòng nha khoa, Nguyễn Hoài Thương (26 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đang tất bật với công việc cuối năm. Bên cạnh việc khám và điều trị cho bệnh nhân, Thương còn phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như tổng kết sổ sách, tính tiền, làm báo cáo và chuẩn bị quà Tết cho khách hàng. Từ tháng trước, cô đã bắt đầu mua sắm quà Tết, trang trí phòng khám và chuẩn bị các báo cáo cuối năm.
Không chỉ bận rộn ở cơ quan, khi về nhà, Thương lại càng cảm thấy áp lực hơn. Những hàng quán, chợ hoa Tết rực rỡ sắc màu trên đường về làm cho không khí Tết càng thêm phần náo nhiệt, nhưng cũng khiến cô thấy mệt mỏi. “Mẹ mình liên tục gọi điện hỏi ngày về quê, họ hàng nhờ mua đủ thứ, bạn bè cũng rủ đi chơi. Mình cảm thấy như đang bị "kéo" đi nhiều phía”, Thương tâm sự.
Dù vậy, sâu trong lòng, cô vẫn háo hức chờ đón Tết. “Nhìn thấy bạn bè xúng xính quần áo, tóc mới để đi chơi, mình cũng muốn được đi sắm Tết. Nhưng công việc quá nhiều khiến mình không có thời gian. Đôi khi, mình vừa làm việc vừa nghĩ đến những món ăn ngày Tết, những câu chuyện vui bên gia đình”, Thương chia sẻ thêm.
![]() |
Holiday click-off là hiện tượng bồn chồn, nôn nao, kém tập trung trước mọi kỳ nghỉ lễ, Tết. |
Lùi lịch nghỉ Tết do chậm năng suất
Là cô chủ của một tiệm nail online, Bùi Thị Thu Trà (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thường chỉ làm việc tại nhà. Tuy nhiên, cận Tết, nhu cầu làm đẹp tăng cao, tiệm của Trà luôn trong tình trạng “cháy đơn”, nhiều khách hàng đã đặt hàng sỉ từ hai tháng trước. Năm nay, để giao hàng kịp thời cho khách, Trà quyết định ở lại Hà Nội và làm việc đến 27 Tết bởi lịch làm việc dày đặc khiến cô mệt mỏi, từ đó năng suất làm việc cũng giảm đi đáng kể.
“Dù làm trong ngành làm đẹp nhưng mình vẫn chưa có thời gian sắm sửa cho bản thân. Nhìn bạn bè đi chơi, chụp ảnh Tết và bắt đầu về quê, mình không khỏi chạnh lòng và nôn nao. Những ngày qua, mình đã phải thức đêm để hoàn thành đơn hàng với mong muốn sớm được về quê sum họp cùng gia đình”, Trà tâm sự.
Cô gái trẻ cho biết, những tuần gần đây, tâm trí như chia làm hai nửa. Một nửa muốn được nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết, còn nửa kia lại thúc giục bản thân cố gắng làm việc thêm. Cứ như thế, nhiều lúc đang làm việc nhưng suy nghĩ của cô bạn lại đang hướng về những vấn đề khác.
“Mình cảm thấy bản thân làm việc chậm chạp hơn so với những ngày thường bởi cứ vài chục phút lại nhận được những cuộc gọi ngoài công việc khiến mình mất tập trung”, cô chia sẻ.
Ban đầu, Trà chỉ định nhận đơn sớm để có thời gian nghỉ ngơi sau Tết. Tuy nhiên, do lượng khách tăng đột biến, cô quyết định làm thêm để kiếm thêm tiền chi tiêu cho dịp Tết.
“Mình muốn cố thêm một chút để có thêm ít tiền tiêu Tết, đây cũng là năm đầu tiên mình tự chủ được tài chính nên muốn có thể chăm lo, biếu Tết cho bố mẹ”, Trà bộc bạch.
![]() |
Tết càng gần, trạng thái nôn nao càng cao, hiệu suất công việc giảm khiến người lao động khó toàn tâm toàn ý cho núi công việc vẫn còn dang dở. Ảnh: Phương Lâm |
Theo khảo sát của Peakon trên 12.000 dân văn phòng Mỹ, Anh và Đức, cho thấy hơn 50% nhân sự Mỹ trước kỳ nghỉ Giáng sinh, năm mới cũng bắt đầu mất tập trung làm việc từ hai tuần trước lễ. Trong khi nhân sự Anh “cố thủ” thêm được 3 ngày và bắt đầu giảm hiệu suất từ ngày 18/12. Khảo sát này cũng cho thấy nhân sự trẻ, đặc biệt là Gen Z có khả năng “bật chế độ” ăn chơi sớm hơn các nhân sự lớn tuổi.
Tránh "holiday click-off"
Nhận định về hội chứng "holiday click-off" nơi công sở, chị Hoài Thịnh - Trưởng phòng PR - 5S Media nhận định, đây là hiện tượng giảm động lực làm việc hoặc học tập trước kỳ nghỉ, một trạng thái phổ biến và dễ gặp trong tâm lý học tổ chức. Con người có xu hướng tập trung vào phần thưởng tương lai (nghỉ lễ) hơn là nhiệm vụ hiện tại. Ngoài ra, việc giảm khả năng tập trung trong giai đoạn này còn có thể được lý giải bởi sự giảm hoạt động ở vỏ não trước trán (prefrontal cortex), khu vực liên quan đến lập kế hoạch và ra quyết định.
Vì vậy, một chiến lược hiệu quả để tránh mất động lực trước kỳ nghỉ là thiết lập các mục tiêu rõ ràng và có thể đo lường được. Tâm lý chung của hầu hết nhân sự, từ cấp quản lý đến cấp nhân viên, là không muốn bị làm phiền trong kỳ nghỉ lễ. Vì vậy, khi công việc được "gói gọn" trước kỳ nghỉ, mọi người có thể tận hưởng kỳ nghỉ một cách thảnh thơi, không còn áp lực công việc.
"Điều này không chỉ mang lại sự hài lòng cá nhân mà còn giúp đội nhóm duy trì sự đồng bộ và tinh thần thoải mái sau kỳ nghỉ. Ví dụ, thay vì để công việc kéo dài sang kỳ nghỉ, bạn có thể phân bổ thời gian để hoàn thành từng đầu việc cụ thể trước lễ, từ đó tạo cảm giác "đóng trọn vẹn" và tăng sự hài lòng khi nghỉ ngơi", chị Thịnh nói.
Ngoài ra, cũng có thể hình dung về bản thân trong tương lai sau khi hoàn thành công việc và bước vào kỳ nghỉ mà không còn nỗi lo nào. Việc tưởng tượng cụ thể cảm giác thoải mái, hài lòng sau khi hoàn tất công việc sẽ giúp bạn điều chỉnh tư duy và giảm cảm giác trì trệ.
Phân tích thêm, ThS Trần Thị Thu Hương với kinh nghiệm hơn 10 năm hỗ trợ ban điều hành cấp cao, cho rằng, tính động học của động lực nhân sự, đặc biệt là trong những giai đoạn chuyển tiếp như cuối năm rất quan trọng. Hiện tượng "holiday click-off" không phải là một trở ngại, mà là một cơ hội chiến lược để tái định vị nguồn nhân lực và chuẩn bị năng lượng cho chu kỳ kinh doanh kế tiếp.
Thay vì quan sát một cách thụ động sự suy giảm năng suất, các nhà lãnh đạo cần chủ động áp dụng một phương pháp quản trị linh hoạt và nhân văn. Trọng tâm là tạo một môi trường làm việc có tính thích ứng cao, trong đó việc ghi nhận nỗ lực và xây dựng kết nối con người được đặt lên hàng đầu.
Điều quan trọng là phải điều chỉnh kỳ vọng, sắp xếp lại các ưu tiên và tạo ra một khởi đầu tích cực cho năm mới. Điều này có thể bao gồm việc triển khai các chính sách làm việc linh hoạt, lập kế hoạch chiến lược cho năm tới hoặc đơn giản là dành thời gian để suy ngẫm về những thành tựu đã đạt được.
Hơn nữa, mùa lễ là thời điểm lý tưởng để thể hiện sự trân trọng đối với các thành viên trong nhóm. Một lời cảm ơn chân thành, dù là bằng lời nói hay bằng văn bản, đều có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Bằng cách tiếp cận có chiều sâu này, các tổ chức có thể chuyển đổi "holiday click-off" từ thách thức thành một cơ hội chiến lược. Không chỉ duy trì động lực, mà còn xây dựng một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, gắn kết, và chuẩn bị năng lượng cho chu kỳ kinh doanh mới.