Không mất rừng?
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có tờ trình về “Đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Măng Đen” gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận việc bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có cơ sở triển khai các thủ tục tiếp theo, theo quy định của Luật Quy hoạch.
Theo kết quả tính toán tại đề án, do địa hình khu vực dự kiến quy hoạch cảng hàng không tương đối phức tạp và khó khăn nên mặc dù công suất quy hoạch không cao nhưng chi phí đầu tư và thời gian hoàn vốn tương đương với một số cảng hàng không hiện đang nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) như: Cảng hàng không Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết. Theo phương án đầu tư dự kiến, thời gian hoàn vốn của dự án tương đối dài (48 năm), có thể làm giảm mức độ hấp dẫn trong việc thu hút nhà đầu tư. Vì vậy, trong bước tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo tư vấn tiếp tục nghiên cứu tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước tham gia dự án để tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư.
Tại tờ trình số 182 ngày 25/9/2024 của UBND tỉnh Kon Tum, vị trí sân bay Măng Đen dự kiến tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum), cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 45km về phía Đông Bắc, cách Cảng hàng không Pleiku khoảng 73km về phía Đông Bắc, cách Cảng hàng không Phù Cát khoảng 105km về phía Tây Bắc, cách Cảng hàng không Chu Lai khoảng 93km về phía Tây Nam.
Tổng mức đầu tư xây dựng sân bay Măng Đen giai đoạn đầu gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này dự kiến được huy động từ vốn ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng gần 330 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) khoảng hơn 4.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 93,4%.
Liên quan tới nội dung trên, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn khẳng định, cơ quan chuyên môn và tư vấn đã khảo sát, nghiên cứu khi chọn địa điểm để không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, rừng.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, vị trí được khảo sát làm sân bay nằm hoàn toàn trên quả đồi với hiện trạng đang trồng rừng sản xuất, không có khu dân cư ở. Địa điểm này cách trung tâm thị trấn Măng Đen khoảng 6km; khu vực rộng khoảng 350ha, nằm hoàn toàn trên quả đồi với hiện trạng đang trồng rừng sản xuất, không dân cư. Theo ông Tuấn, cơ quan chuyên môn và tư vấn đã khảo sát, nghiên cứu khi chọn địa điểm để không ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường, rừng.
Ông Tuấn cho rằng, nhà đầu tư định hướng phát triển du lịch chất lượng cao, do đó việc di chuyển cự ly khoảng 73km (từ Cảng hàng không Pleiku-PV) trên đường đèo dốc sẽ ảnh hưởng tới trải nghiệm du khách, giảm sức hấp dẫn của điểm đến. Bởi vậy, theo ông Tuấn nhà đầu tư đã tính toán dựa trên các nguồn khách tiềm năng và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư của mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay, sân bay Măng Đen là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; kết nối tỉnh Kon Tum và các tỉnh trong khu vực với các trung tâm, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; đồng thời là dự án động lực quan trọng của tỉnh Kon Tum cần đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plong cho biết, kể từ năm 2023 khách du lịch đến Măng Đen đã đạt mốc 1 triệu lượt/năm và dự kiến năm 2024 sẽ đạt 1,1 triệu lượt. Trong đó, chiếm đa số trong cơ cấu nguồn khách là các tỉnh miền Trung và thành phố Hà Nội, TPHCM; thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện khách du lịch quốc tế.
“Tôi thấy nên tập trung khai thác tối đa sân bay Pleiku để du khách có thêm trải nghiệm, đi lại thuận tiện hơn. Đồng thời, chính quyền có thể cân nhắc việc phát triển thêm các tuyến đường mới để tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên.
GS.TS Đặng Đình Đào -
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển
(Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội)
Tiềm ẩn nhiều vấn đề
GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) phân tích, việc xây dựng sân bay Măng Đen cần phải có sự cân nhắc, nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng của chính quyền địa phương.
Theo GS.TS Đặng Đình Đào, dù biết việc phát triển sân bay sẽ tạo động lực để thúc đẩy ngành du lịch tại huyện Kon Plông, nhưng cũng ẩn chứa nhiều vấn đề.
Đầu tiên, sân bay Pleiku cách Măng Đen khoảng 73km. Vì vậy, việc xây dựng sân bay Măng Đen chỉ phục vụ du khách tại đây liệu có đáp ứng được công suất chuyến bay? Đây là một bài toán chi phí mà các bên liên quan cần phải tính toán kỹ lưỡng trước khi tiến hành xây dựng. Trong bối cảnh tỉnh nào cũng đề xuất giải pháp xây dựng sân bay phát triển du lịch, liệu sân bay Măng Đen có thực sự cần thiết hay không?
“Tôi thấy nên tập trung khai thác tối đa sân bay Pleiku để du khách có thêm trải nghiệm, đi lại thuận tiện hơn. Đồng thời, chính quyền có thể cân nhắc việc phát triển thêm các tuyến đường mới để tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên. Việc phát triển các tuyến đường sắt cao tốc đang là xu hướng của những nước phát triển. Điều này vừa giải quyết được bài toán về thời gian, hạn chế mật độ sân bay đang dày đặc và khai thác tối đa cảnh quan mà địa phương sở hữu”, GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
GS.TS Đặng Đình Đào cho biết thêm, việc khai thác 350ha đất rừng sản xuất để triển khai dự án sân bay Măng Đen không khả thi. Huyện Kon Plông nói chung và thị trấn Măng Đen nói riêng đang hướng đến việc phát triển du lịch xanh, bền vững. Vì vậy, việc bê tông hóa có thể tạo ra những ảnh hưởng xấu đến thiên nhiên, cảnh quan và đặc biệt là cảm nhận của du khách đến đây. Chung quy lại, chính quyền địa phương và các chuyên gia cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ việc triển khai dự án sân bay Măng Đen.