Làm rõ thêm kỹ thuật đắp thành Đại La

Làm rõ thêm kỹ thuật đắp thành Đại La
TP - Các nhà khảo cổ học vừa làm rõ thêm về kỹ thuật đắp thành Đại La, xung quanh ba hố khai quật tổng diện tích 600m2 tại ngã tư nút giao thông Đào Tấn- Nguyễn Khánh Toàn (Hà Nội).

> Phát lộ thành Đại La gần nút giao thông Hà Nội
> Chuyện về 'cuốn sổ đỏ' 400 năm tuổi

PGS TS Tống Trung Tín- Viện Trưởng Viện Khảo cổ học cho biết trong lần khai quật này, các nhà khảo cổ phát hiện tại lớp thành thời Lý kỹ thuật đầm đinh rất điêu luyện của cha ông. Lớp đầm đinh được xác định dày khoảng 50cm, tạo thành sự kiên cố của thành.

Quan sát hiện trường cho thấy, trong các lớp thành được hình thành với nhiều kỹ thuật khác nhau: chỗ thì đầm ngói, chỗ thì dùng đầm chùy, chỗ lại dẫm chân, có chỗ lại còn nguyên những khối đất lớn được cắt kéo.

Nằm ở chân tường thành phía trong của thành, gốm ngói và sành sứ có niên đại từ thời Trần đổ về trước, được đầm chặt, dày trên 20cm, rộng 1,2m. Giữa lớp đầm này với chân tường thành còn có một rãnh đào chữ V kiểu như đường thoát nước. Các nhà khảo cổ nhận định nhiều khả năng đây là đường đi bao quanh phía trong thành thuộc thời Trần.

Lớp móng sỏi thời Lý – Trần cũng được phát lộ nằm dọc hai bên trong và ngoài lớp lõi thành ở độ sâu 4,5m . Cả hai lớp sỏi có độ rộng đồng đều khoảng 50cm, tuy nhiên kỹ thuật xây dựng và độ dày mỗi lớp dải lại có chút ít khác biệt. Lớp dải phía trong thành dày trung bình 20cm và được đầm nện theo từng lớp. Lớp dải phía ngoài dày hơn, khoảng 40-50cm và chỉ được đầm qua.

Qua cuộc khai quật, toàn bộ vách thành – đê- đường Bưởi độ xuất lộ. Độ sâu của thành từ mặt đường đến sinh thổ dày trên 7m. Trong đó có các lớp đất đắp thời Đại La, thời Lý, thời Trần. Có thể nói quy mô thành lớn, cao trên 7m, chân choãi rộng, đất sét thuần, nèn chặt. Từ đó khẳng định Đại La thành Thăng Long ngay từ thời Lý – Trần đã được chú trọng xây dựng kiên cố, quy mô lớn và được tu sửa mở rộng vào thời Lê Sơ.

Về lớp đất Đại La, các nhà khảo cổ cho rằng bước đầu có thể giả định đó là đê ngăn lũ của sông Tô Lịch. Điều đó lý giải vì sao có mộ táng chôn ở lớp này vào cùng thời kỳ.

Qua quá trình khai quật khu vực nút giao thông Đào Tấn, các chuyên gia nhận định khi đối chiếu với sử sách và các ý kiến của các nhà nghiên cứu xưa có thể nhận định đoạn đường này thuộc Đại La thành thời Lý- Trần và Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ.

Hiện, các chuyên gia hàng đầu về lịch sử, khảo cổ học đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những khẳng định cuối cùng về những phát hiện tại hố khai quật khảo cổ nút giao Đào Tấn - Bưởi. Những thông tin có được từ cuộc khai quật sẽ làm sáng rõ hơn diện mạo vòng Hoàng thành kể từ thời kỳ Đại La cho đến Lê sơ.

Về bốn ngôi mộ cổ mới được phát hiện

Khu vực khai quật xuất lộ 4 mộ táng tại các lớp đất đắp thành. Trong đó tại lớp 4, xuất lộ 3 mộ (2 mộ gạch và 1 mộ đất), có niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Ngôi mộ còn lại là mộ đất, được chôn vào lớp đất đắp thành thời Trần, có khả năng thuộc thế kỷ XVII – XVIII.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG