Làm rõ thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền

Mô hình đô thị Hà Nội vẫn có quận, huyện và phường, xã. Ảnh: Hồng Vĩnh
Mô hình đô thị Hà Nội vẫn có quận, huyện và phường, xã. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sáng 18/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 16 nghe ý kiến các chuyên gia để phục vụ cho việc thẩm tra các dự án luật: Tổ chức chính quyền địa phương, Tổ chức Chính phủ... Theo các chuyên gia, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần làm rõ thẩm quyền của mỗi cấp chính quyền.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương không chỉ nhằm khắc phục những bất cập tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và UBND sau 11 năm thi hành mà còn nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp và chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền địa phương.

Về việc xác định “đơn vị hành chính tương đương”, một số ý kiến đề nghị làm rõ đơn vị hành chính tương đương là gì? Việc dự thảo luật chia thành phố thuộc thành phố (trực thuộc trung ương) thành phường, xã là chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của đơn vị hành chính này. Cách phân chia như vậy là chưa xác định rõ tính chất của thành phố thuộc thành phố là đô thị hay nông thôn, nếu là đô thị thì không có xã, nếu là nông thôn thì không có phường.

“Tự quản địa phương là xu hướng của thế giới, điều này đã có chủ trương nhưng tại sao lại chưa được cụ thể hóa ở trong luật? Ít nhất trong luật này cũng phải mở ra một phần nào đó của tự quản địa phương”.

GS Đào Trí Úc

GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Viện Chính sách công và pháp luật cho rằng, luật cần phải cụ thể hóa cấp lãnh thổ thành 3 cấp. Trong đó, cần làm rõ thẩm quyền của mỗi cấp, nếu không quy định rõ thì “nhìn vào sẽ như ma trận, không biết mỗi cấp có địa vị pháp lý riêng như thế nào”.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa trung ương và địa phương là điểm mới đã được thể hiện trong Hiến pháp nhưng dự thảo luật chưa thể hiện rõ nội dung này. “Tự quản địa phương là xu hướng của thế giới, điều này đã có chủ trương nhưng tại sao lại chưa được cụ thể hóa ở trong luật? Ít nhất trong luật này cũng phải mở ra một phần nào đó của tự quản địa phương”, GS Đào Trí Úc đề xuất. 

Từ thực tế Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung phân cấp theo đúng quan điểm những nhiệm vụ nào cấp chính quyền cơ sở làm tốt thì giao hẳn cho cơ sở làm để cho sát dân, sát tình hình thực tiễn, nâng cao tính chủ động trong triển khai.

Song có việc đã giao lại phải rút về vì không đủ điều kiện duy trì, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Vì vậy vấn đề đặt ra trong chương chính quyền địa phương là trong phân cấp phải bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, tăng cường giám sát, nhất là những vấn đề quan trọng, có liên quan đến đời sống của một bộ phận lớn người dân.

Ông Khanh cũng kiến nghị đã gọi là chính quyền đô thị thì cấp trên phải quyết định bộ máy của cấp dưới “nếu không sẽ khó chỉ đạo”. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng đề xuất làm rõ hơn việc phân cấp phân quyền địa phương. Địa phương phải được tạo điều kiện có quyền tự quyết nào đó về ngân sách và kể cả nhân sự…

Hôm nay, Ủy ban Pháp luật sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ. Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, sẽ có một số điểm mới.

Trong đó, vị trí, chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1 giữ nguyên như hiện nay. Phương án 2 bỏ quy định “bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước”.

 Việc này sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ. Về quy định Văn phòng Chính phủ, dự thảo luật đưa ra phương án bổ sung chức năng, nhiệm vụ và chức danh người đứng đầu Văn phòng Chính phủ. Cụ thể sẽ có chức danh Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.