Làm rõ chuyện phim Trung Quốc 'đạo' Nhã nhạc Việt

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003
Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003
TP - Phim Thịnh đường huyễn dạ (đáng ra nhà đài nên Việt hóa cái tên này) của Trung Quốc khi phát VTV8, khán giả nhận ngay ra có dùng cổ nhạc Việt Nam trong cảnh “hiến vũ” cho vua quan xem tại yến tiệc cung đình. Khi dư luận lên tiếng, VTV bèn ngưng phát sóng bộ phim sản xuất năm 2018 này.

Nhưng vấn đề vẫn tiếp tục gây tranh cãi, kể cả khi có tiếng nói chính thức của Cục Di sản Văn hóa. Trong khi tai nghe thông thường cũng nhận ra được những âm điệu rất quen thuộc của cổ nhạc Việt, chỉ chờ phân tích cụ thể bản nào, đoạn nào thì các nhà chuyên môn vẫn đưa ra những lập luận chung chung, không rõ ràng.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, chuyên gia Hội đồng thẩm định UNESCO trao đổi thông tin với chuyên gia âm nhạc học của Trung Quốc ngay sau khi sự việc bung ra. Và không có gì ngạc nhiên khi câu trả lời từ phía bị tố là: Trung Quốc cũng có bản nhạc “tương tự”, bối cảnh sử dụng trong cung đình và các tiết mục múa công. Họ cũng gửi kèm đường dẫn các tiết mục để so sánh nhưng bà Hiền khẳng định với báo Văn hóa rằng vẫn cần thêm thời gian xem xét nghiên cứu, chưa thể kết luận. Thế là vô tình lại tạo điều kiện cho Trung Quốc kết luận luôn?!

TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia (từng tham gia xây dựng hồ sơ di sản Nhã nhạc cung đình Huế) cho biết: Nhã nhạc Cung đình Huế trong quá trình làm hồ sơ cũng được nhận định có nhiều nét giống âm nhạc Nhật Bản, Trung Quốc…

“Văn hóa là một dòng chảy, có sự giao thoa, vì vậy quan trọng là ứng xử với di sản như thế nào để tạo thành bản sắc của cộng đồng, đưa di sản vào đời sống và trao truyền các giá trị đó. Không nên đẩy vấn đề lên thành ầm ĩ khi tất cả chưa được xác định rõ ràng”, bà nói.

Thực ra việc làm rõ vấn đề đang được dư luận quan tâm cũng chính là một cách, một cơ hội vàng để đưa di sản vào đời sống, để trao truyền giá trị dân tộc. Vấn đề đã ầm ĩ càng phải là lúc cần làm cho ngã ngũ.

Cục Di sản Văn hóa rõ ràng hơn, khẳng định đoạn nhạc Thịnh đường huyễn dạ là hai trích đoạn của bài Kim tiền và bài Long hổ. Theo Cục, Nhã nhạc là hiện tượng tương đồng văn hóa của một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Tuy được xem là “tài sản chung”(?) nhưng của mỗi nước đều có điểm riêng biệt: “Được sử dụng từ triều Nguyễn đến nay, nhưng chúng ta vẫn chưa rõ mối liên hệ giữa Nhã nhạc Việt Nam với Nhã nhạc Trung Quốc, đặc biệt là nguồn gốc tên gọi Mười bản Tàu (còn gọi là Mười bản Ngự, Thập thủ liên hoàn - PV) mà trong đó có Kim tiềnLong hổ, do chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về âm nhạc Trung Quốc.

Do đó, chưa thể khẳng định đoạn nhạc trong phim các báo đề cập là "ăn cắp" hay sử dụng bài bản của Nhã nhạc Việt Nam”. Dư luận có nguy cơ được một phen chưng hửng vì hóa ra Nhã nhạc Huế là tài sản quốc tế, mà giống khác đến đâu giới nghiên cứu Việt Nam cũng chịu(?). Được cái Cục khẳng định, từ 2003 đến 2008, suốt quá trình nộp và xem xét hồ sơ Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam (triều Nguyễn), “không có bất kỳ sự phản đối nào của các quốc gia nói chung và quốc gia có di sản tương đồng đối với hồ sơ của Việt Nam”.

May sao nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã bỏ công làm rõ vấn đề. Anh nhận định nhạc phim làm từ tiếng đàn tranh, đàn bầu điện, tỳ bà cải tiến, dàn trống da cải tiến, đàn bass điện tử... chính là cơ cấu dàn nhạc dân tộc cải biên - phổ biến ở hệ thống các Nhạc viện của Việt Nam, chứ không phải biên chế xịn của dàn Tiểu nhạc cung đình Huế. Vì thế, gọi sản phẩm đó là Nhã nhạc cung đình Huế thì chỉ đúng về mặt âm điệu.

Điều thôi thúc anh làm công việc nghiên cứu tự nguyện này: “Vì gần đây có giả thuyết cho rằng rất có thể "nhã nhạc" Trung Quốc cũng có bản nhạc tương đồng với Kim tiềnLong hổ của ta, và đoạn nhạc trong phim có thể là của họ? Để giúp độc giả ngoài nghề có thể hiểu rõ vấn đề, tôi phải tiến hành truy tìm nguồn âm thanh trong phim, những mong có thêm bằng chứng/vật chứng”. Anh đã thử cắt riêng phần trích đoạn Kim tiền, đưa lên những trang mạng chuyên dò tìm âm thanh, và phát hiện ra nơi xuất phát của nó là chợ điện tử Amazon.com. Tức là bất cứ ai cũng có thể đem nhạc truyền thống Việt Nam ra bán tại đây. Tiếp theo, anh tìm ra bản thu gốc Lưu thủy - Kim tiền- Xuân phong- Long hổ do dàn nhạc dân tộc cải biên thể hiện tại trang Nhaccuatui.com.

Làm rõ chuyện phim Trung Quốc 'đạo' Nhã nhạc Việt ảnh 1 Đồ hình so sánh âm thanh y hệt nhau của đoạn nhạc trong phim và đoạn nhạc nguyên gốc của Việt Nam. Ảnh: Bùi Trọng Hiền

Từ bản gốc này, Bùi Trọng Hiền cắt một đoạn Kim tiền ghép với một đoạn Long hổ theo đúng công thức làm nhạc của phim Trung Quốc. Dùng phần mềm so sánh với đoạn nhạc lấy từ phim, ra kết quả giống nhau 100%. Kết luận: “Đây đúng là một sự copy nguyên xi rồi cắt ghép, kể cả những nốt nhạc dàn dân tộc cải biên của ta đánh phô!”.

Như vậy chỉ có thể bắt bẻ phim Trung Quốc nếu họ không trích nguồn đoạn nhạc được sử dụng mà thôi. Và nếu như thế, có thể coi đây là một động thái chiếm dụng văn hóa, nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn những nguy cơ lâu dài về sau. Vậy phải làm thế nào để chủ động phòng tránh? Thì ta cứ tích cực sử dụng chất liệu truyền thống của cha ông trong các sản phẩm văn hóa đương đại đi. Và quan trọng là phải cho học sinh nghe, học từ tấm bé đâu Lưu thủy, đâu Kim tiền… để tương lai ai là người Việt cũng có thể lên tiếng khẳng định ngay chủ quyền văn hóa, chứ không phải đợi các nhà lý luận. Việc nên và cũng dễ làm là Cục Di sản hoặc cơ quan nào đó nên mở quầy trực tuyến bán nhạc truyền thống Việt Nam xịn, chứ cứ để di sản làm lợi cho người ngoài vậy cũng hơi… cay.

Từ bản gốc này, Bùi Trọng Hiền cắt một đoạn Kim tiền ghép với một đoạn Long hổ theo đúng công thức làm nhạc của phim Trung Quốc. Dùng phần mềm so sánh với đoạn nhạc lấy từ phim, ra kết quả giống nhau 100%. Kết luận: “Đây đúng là một sự copy nguyên xi rồi cắt ghép, kể cả những nốt nhạc dàn dân tộc cải biên của ta đánh phô!”. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.