Làm quan chức không phải để đi dạy học

Đã chốt lại được số ứng viên GS, PGS chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận.
Đã chốt lại được số ứng viên GS, PGS chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận.
TP - Ngày 2/4, Bộ GD&ĐT đã công bố danh sách các ứng viên đủ điều kiện công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) sau khi rà soát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có 53 ứng viên đủ tiêu chuẩn và 41 ứng viên không đủ tiêu chuẩn. Trong số những người chưa đủ điều kiện để công nhận, có nhiều người là quan chức.

GS Bùi Văn Ga, Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) cho biết, việc rà soát hồ sơ của 94 ứng viên GS, PGS có dấu hiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định hoặc có khiếu kiện đã hoàn thành. Theo đó, có thêm 53 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017; 41 ứng viên không được công nhận do hồ sơ không đảm bảo theo quy định hoặc có đơn xin rút. Trong đó 15 người xin rút, 26 người không đủ điều kiện.

Cũng trong 41 ứng viên này, có  30 cán bộ thỉnh giảng, không phải giảng viên của các trường ĐH.  GS Ga cho biết, các ứng viên này thiếu chủ yếu là minh chứng giờ giảng nên chưa đủ điều kiện để công nhận. Số ứng cử viên còn lại ở các trường ĐH thì hồ sơ còn thiếu minh chứng giờ dạy và có đơn khiếu nại. Như vậy hồ sơ của 41 ứng viên này chưa đảm bảo điều kiện cần thiết để công nhận. Tóm lại, sau khi rà soát,  năm 2017, có 1.184 người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, đạt tỷ lệ 77% (tỷ lệ này năm 2016 là 75,5%).

GS Đặng Ứng Vận, Chủ tịch HĐCDGS ngành Hóa học cho hay hội đồng được thông báo có 5 ứng viên không đủ điều kiện sau rà soát. Trong đó có 1 ứng viên không đủ từ đợt rà soát đầu tiên, 1 ứng viên có đơn xin rút và 3 ứng viên còn lại là không đủ minh chứng giờ dạy. Các ứng viên này đều là giảng viên thỉnh giảng.

“Cảm giác của tôi sau khi nhận được thông báo là hơi tiếc. Trong 5 ứng viên của ngành hóa, có lẽ tôi tiếc nhất một trường hợp ứng viên giáo sư vì không đủ minh chứng về thâm niên giảng dạy” - GS Đặng Ứng Vận chia sẻ.

Từ kết quả này, GS Đặng Ứng Vận cũng rút ra một số bài học như: Phía ứng viên phải lưu tâm nhiều hơn trong việc hoàn thiện hồ sơ. Phía các trường ĐH, nơi các giảng viên thỉnh giảng giảng dạy cũng cần làm đầy đủ thông tin đến nơi đến chốn. HĐCDGS cấp cơ sở cũng phải chú ý hơn khi lựa chọn.

GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch HĐCDGS ngành Giáo dục học cho biết, bà chưa nhận được thông tin ngành có bao nhiêu ứng viên không đủ điều kiện. Trước đó, chỉ nhận được thông tin là có 1 ứng viên không cung cấp đủ minh chứng. “Nói chung, có ứng viên không đủ tiêu chuẩn thì cũng rất buồn” - GS Mỹ Lộc cho hay.

Quan chức không nên làm GS, PGS

Nói về kết quả sau khi rà soát, PGS Phạm Đức Chính, Viện Cơ học cho rằng, kết quả này phản ánh thực trạng là quan chức không đảm bảo tiêu chuẩn cứng là giờ giảng dạy nhưng có thể vì “nể nang” nên cho qua.

Tuy nhiên, theo PGS Phạm Đức Chính, mấu chốt của vấn đề là do tiêu chuẩn hiện hành rất cứng nhắc, đếm số lượng giờ giảng, đếm số lượng công trình để cho điểm.  “Có người đủ hết tiêu chuẩn vẫn dở, có người thiếu tiêu chuẩn nhưng họ thực sự xuất sắc. Ví dụ như một trường hợp ở ngành Vật lý bị loại khi đưa lên HĐCDGSNN.

Trường hợp này có vài chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI và được hội đồng ngành, hội đồng cơ sở đặc cách. Nhưng khi lên đến HĐCDGSNN thì bị loại vì thiếu tiêu chuẩn... viết sách” - PGS Phạm Đức Chính nêu thực tế.  Nguyên nhân là tiêu chuẩn hiện hành không dựa vào chất lượng và  hội đồng không nghiêm túc, chất lượng hội đồng thấp.

PGS Phạm Đức Chính cũng cho rằng, quan chức không nên làm hồ sơ xét duyệt GS, PGS vì nhiều tiêu cực. Quan chức như viện trưởng viện nghiên cứu, hiệu trưởng trường ĐH thì có thể nên làm GS, vì họ vẫn giảng dạy. Thậm chí ở nước ngoài,  các trường ĐH không bắt buộc hiệu trưởng là GS miễn là tổ chức tốt. Còn bộ trưởng ở các nước không ai làm GS. Vì nghe buồn cười.

“Bộ trưởng về hưu, khi về trường giảng dạy được trường bổ nhiệm thì ủng hộ. Thậm chí quan chức về hưu nếu có trình độ khoa học tốt lại thêm kinh nghiệm quản lý thì có thể đặc cách” - PGS Chính khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định GS, PGS dành cho ngành Giáo dục và nghiên cứu khoa học. “Ai làm chức vụ gì nên đi theo con đường nâng cao trình độ của mình phù hợp chức vụ đó. Quan chức đòi hỏi năng lực lãnh đạo, năng lực nhận xét, phán xét tình hình chứ không phải đi dạy học” - bà Tâm Đan nói. 

Còn PGS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, năm nay do có  sự lộn xộn nên dư luận mới bức xúc. Chính vì vậy Thủ tướng mới  yêu cầu rà soát lại.

“Nếu như mọi năm, có thể nhiều trường hợp sẽ “vượt rào” thoải mái, bản công bố lần đầu sẽ là bản chính thức. Năm nay do thấy số lượng nhiều nên các nhà khoa học, dư luận mới bức xúc. Như vậy, sau khi rà soát lại cũng phát hiện được cái chưa chuẩn. Điều này do cả ứng viên và cả hội đồng. Ứng viên thì “gian” còn hội đồng thì cũng làm việc chưa đến nơi đến chốn. Lý do là quy định của chúng ta không rõ ràng” - PGS Nguyễn Ngọc Châu cho hay. Chính vì vậy, ông đề xuất phải công khai minh bạch hồ sơ của các ứng viên. Việc này, một mặt có sự giám sát của xã hội, một mặt giảm áp lực cho HĐCDGS các cấp.

“Ai làm chức vụ gì nên đi theo con đường nâng cao trình độ của mình phù hợp chức vụ đó. Quan chức đòi hỏi năng lực lãnh đạo, năng lực nhận xét, phán xét tình hình chứ không phải đi dạy học”.

Bà Nguyễn Thị Tâm Đan,

nguyên Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.