Lạm phát vụ trưởng, vụ phó ở Bộ KH&ĐT: 'Do lịch sử để lại'

Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) đang lạm phát chức danh với 2 vụ trưởng, 5 vụ phó. Ảnh: Mpi.
Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH&ĐT) đang lạm phát chức danh với 2 vụ trưởng, 5 vụ phó. Ảnh: Mpi.
TP - Với mục đích sắp xếp các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng để thuận lợi quản lý và tinh giản biên chế, Bộ KH&ĐT sáp nhập Vụ hợp tác Lào - Campuchia về Vụ kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, việc sáp nhập theo hình thức cơ học, khiến vụ này lạm phát chức danh vụ trưởng, vụ phó. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ cho biết chưa thể tìm ra giải pháp bởi đây là lịch sử để lại nên vẫn giữ nguyên bộ máy cồng kềnh với 2 vụ trưởng, 5 vụ phó.

Một vụ có 2 vụ trưởng, 5 vụ phó

Theo thông tin Tiền Phong có được, hiện Vụ Kinh tế đối ngoại gồm 2 vụ trưởng: ông Lưu Quang Khánh (phụ trách chung toàn vụ) và ông Trần Nhật Thành, phụ trách Ban hợp tác với Lào và Campuchia. Ngoài ra, vụ này có 5 vụ phó gồm các ông, bà: Lê Việt Anh, Cao Mạnh Cường, Lê Minh Điển, Nguyễn Yến Hải, Nguyễn Thị Thanh Phương.

Trước đó, vụ này có thêm 1 vụ trưởng và 1 vụ phó vừa điều chuyển công tác đến đơn vị khác. Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng kinh tế đối ngoại, kiêm Điều phối viên quốc gia về hợp tác tiểu vùng Mê Kông, vào cuối tháng 3/2017, được điều chuyển làm Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân. Vụ phó Trần Xuân Tiến chuyển công tác khỏi Vụ Kinh tế Đối ngoại vào cuối 2016.

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vụ kinh tế đối ngoại có số lượng vụ trưởng, vụ phó đông như vậy là do “lịch sử để lại”. Để tinh gọn đầu mối quản lý và tinh giản biên chế, Vụ Hợp tác Lào và Campuchia đã sáp nhập vào Vụ Kinh tế đối ngoại.

“Việc sáp nhập 2 vụ đã khiến số lượng vụ trưởng, vụ phó đông như vậy. Tinh thần của Bộ KH&ĐT là phải sắp xếp các chức danh vụ trưởng, vụ phó cho phù hợp nhưng chưa xử lý xong. Việc sắp xếp không đơn giản vì liên quan đến đào tạo, năng lực, sở trường, sở đoản của từng cá nhân. Những cục, vụ khác đã đầy đủ chức danh, nên không thể điều chuyển sang các cục, vụ khác. Hơn nữa, họ không bị kỷ luật nên không thể cắt chức vụ trưởng, vụ phó”, ông Dũng cho biết.

Được biết, theo Quyết định số 494/QĐ-BKH ngày 14/4/2009 của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Vụ kinh tế đối ngoại giúp bộ trưởng thực hiện chức năng tổng hợp kinh tế đối ngoại, quản lý nhà nước về nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); viện trợ phi chính phủ nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia; hội nhập kinh tế quốc tế; hợp tác kinh tế Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Vụ có 7 phòng chức năng (gồm: phòng tổng hợp; Châu Á, Châu Mỹ và hội nhập kinh tế quốc tế; Nhật Bản và Đông Bắc Á; Châu Âu và Châu Phi; Các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài; Các tổ chức tài chính quốc tế) và Ban hợp tác với Lào và Campuchia.

Trong Điều 3 của quyết định trên, Vụ Kinh tế đối ngoại có vụ trưởng, một số vụ phó làm việc theo chế độ chuyên viên. Biên chế của Vụ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT quyết định riêng. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc vụ có quá nhiều chức danh phó vụ trưởng nên dù mang hàm lãnh đạo, vẫn phải thực hiện công tác chuyên môn của chuyên viên.

Trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng KH&ĐT

Đánh giá về số lượng vụ trưởng, vụ phó nhiều như trên, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương cho rằng, điều này khiến bộ máy quản lý cồng kềnh, gây lãng phí. Về việc dồn 2 vụ thành một để tránh chồng chéo, hiệu quả tốt hơn thì nên làm.

“Nếu nhập 2 vụ mà đem lại hiệu quả kinh tế cao thì công tác cán bộ phải hi sinh. Trong 2 vụ trưởng lấy 1 người, trong các vụ phó cũng chọn như vậy. Quy trình lựa chọn sẽ tiến hành tối đa 1 năm sau khi sáp nhập 2 vụ để mỗi cá nhân có thời gian làm việc, cống hiến. Nếu sau 1 năm không đánh giá, lựa chọn cán bộ là chậm trễ, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng KH&ĐT”, ông Hương nói.

Theo ông Hương, việc lấy phiếu dân chủ với quy trình, chỉ số đánh giá tìm người xuất sắc, có kinh nghiệm, công bằng với tất cả thành viên chứ không chọn theo cảm tính. Những thành viên còn lại cắt hàm vụ phó và cho hưởng chế độ vụ phó để giải quyết thỏa đáng về quyền lợi bởi họ không có tội thì không thể kỷ luật.

“Việc sáp nhập các đơn vị sẽ thừa cán bộ thì phải chọn con chim đầu đàn. Các quy định pháp luật sẽ dần dần khắc phục được điều này chứ không thể đề bạt cho có chức danh rồi không thể cắt chức danh vì không vi phạm”, ông Hương đánh giá.

“Tinh thần của Bộ KH&ĐT là phải sắp xếp các chức danh vụ trưởng, vụ phó cho phù hợp nhưng chưa xử lý xong. Việc sắp xếp không đơn giản vì liên quan đến đào tạo, năng lực, sở trường, sở đoản của từng cá nhân. Những cục vụ khác đã đầy đủ chức danh, nên không thể sắp xếp sang chỗ khác được. Hơn nữa, họ không bị kỷ luật nên không thể cắt chức vụ trưởng, vụ phó”.  

 Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.