Lạm phát có biểu hiện trực tiếp là tốc độ tăng giá tiêu dùng, mà giá tiêu dùng tăng chủ yếu là do tiền nhiều hơn hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, bước đầu đã có những kết quả tích cực, mặc dù có một số tác động phụ.
Tuy nhiên, lạm phát còn do nhiều yếu tố khác, trong đó có yếu tố quan trọng từ chính sách tài khóa - tức là thu, chi ngân sách. Lạm phát nhìn từ góc độ thu, chi ngân sách được xem xét trên một số mặt:
Trước hết xét về mặt thu ngân sách. Bên cạnh những kết quả tích cực như tăng với tốc độ khá, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP cao lên,... thu ngân sách còn có những hạn chế, bất cập. Hạn chế, bất cập lớn nhất là còn thất thu ngân sách ở một số đối tượng, ở một số lĩnh vực.
Những đối tượng còn thất thu nhiều là buôn lậu, trốn thuế, những doanh nghiệp “ma” được lập ra để buôn bán hóa đơn, để được hoàn thuế... Những lĩnh vực còn đang thất thu lớn là đất đai, cổ phần hóa do định giá thấp.
Nhiều giám đốc đã trở thành tỉ phú, nhiều tỉ phú nhờ được Nhà nước định giá thấp giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nên giá trị đã lên gấp hàng chục lần... khi lên sàn. Nhiều doanh nghiệp đã hạch toán không đúng chi phí, lỗ lãi để nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...
Thất thu ngân sách hằng năm dẫn đến những hậu quả về nhiều mặt. Một lượng tiền không nhỏ chưa được thu vào ngân sách nhà nước để đáp ứng chi ngân sách, làm mất cân đối thu, chi ngân sách, tức là bội chi ngân sách.
Bội chi ngân sách làm tăng số nợ của Chính phủ (nếu Chính phủ phải vay trong nước và vay nước ngoài để bù đắp) hoặc phải phát hành tiền. Lượng tiền không nhỏ còn thất thu ở trên cộng với lượng tiền mới đưa ra lưu thông sẽ tạo sức ép đối với lạm phát.
Thất thu ngân sách còn làm cho môi trường cạnh tranh không bình đẳng, khi mà “buôn tài không bằng dài vốn, dài vốn không bằng trốn thuế” được truyền tụng như một phương châm của không ít tổ chức, cá nhân.
Thất thu ngân sách của năm trước không được đưa vào kế hoạch, dự toán tận thu trong năm sau nên cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc thực hiện bao giờ cũng vượt dự toán.
Xét về góc độ chi ngân sách, có một số tiền không nhỏ đã bị lãng phí, thất thoát thông qua việc đầu tư công, thông qua việc chi tiêu của các cơ quan nhà nước, thông qua việc làm ăn kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước.
Những kết quả kiểm toán, thanh tra với số tiền bị lãng phí, thất thoát lớn mới được công bố và được đưa lên mặt báo hằng ngày là điều không thể coi thường. Đầu tư, chi tiêu kém hiệu quả góp phần làm bội chi ngân sách, làm tăng nợ nần của Chính phủ và tạo sức ép lạm phát.
Xét về bội chi ngân sách, tỷ lệ bội chi so với GDP hằng năm vẫn còn cao, chiếm trên dưới 5%. Việc xử lý số thu vượt dự toán cần được dành cho việc trả nợ, dành cho việc giảm bội chi ngân sách, dành cho việc tăng số dự phòng, quỹ dự trữ của quốc gia; trong khi số chi thường xuyên thường vượt dự toán cao hơn cũng tạo sức ép lạm phát.
Xét về mặt quản lý, thu chi ngân sách được quản lý qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, tuy có những lợi ích nhất định, nhưng về tiền mặt, cần có sự kiểm soát tập trung của Ngân hàng Nhà nước, nếu không sẽ không thể tính toán được lượng tiền trong lưu thông và việc điều tiết mỗi khi xuất hiện tình hình lạm phát hay giảm lạm phát.
Trong tổng số tiền mặt, đáng lưu ý có một lượng tiền mặt là ngoại tệ không nhỏ được thu, chi, dự trữ trong hệ thống ngân sách nhà nước. Đó là chưa nói lãi suất trái phiếu kho bạc thường cao hơn lãi suất tín phiếu ngân hàng, tạo ra sự cạnh tranh trong việc thu hút lượng tiền mặt trong lưu thông.
Theo N.M
Thanh niên