Lạm phát 9 tháng thấp nhất thập kỷ

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay. Số liệu: GSO.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay. Số liệu: GSO.
Giảm 0,21% trong tháng 9, tính chung 3 quý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, chỉ số giá tháng 9 tăng âm. Tính chung từ đầu năm, hiện lạm phát mới ở mức 0,4% - thấp nhất trong vòng một thập kỷ và cách xa giới hạn mà Quốc hội thông qua là 5%. CPI bình quân 9 tháng tăng 0,74% so với cùng kỳ.

Theo cơ quan thống kê, chỉ số giá giảm tốc trong tháng này do có đến 4 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính đi xuống. Giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 19/8 và ngày 3/9 làm cho nhóm giao thông giảm 3,17%. Giá gas giảm từ 1/9, nhu cầu sử dụng điện giảm đi do thời tiết mát mẻ hơn, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ cũng tác động vào CPI.

Ở chiều ngược lại, giá nhóm hàng giáo dục tăng cao nhất, lên tới 1,24% do 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí và nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh vào năm học mới tăng cao. Giá dịch vụ y tế một số tỉnh được điều chỉnh tăng cũng khiến chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,5% so với tháng trước.

Bày tỏ quan điểm về lạm phát thấp của Việt Nam trong năm nay, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng nguyên nhân chủ yếu do giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu và chi phí sản xuất kinh doanh đi xuống. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng tín dụng và chi tiêu tiêu dùng đang tăng, lạm phát trong những tháng cuối năm có thể tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát năm 2016.

"Việt Nam không phải lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới đến tình trạng này", ông Sidgwick nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Tổng cục Thống kê cho hay lạm phát thấp không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản.

"Chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2-3% như hiện này là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững", cơ quan nay cho biết.

Theo đánh giá của ADB, lạm phát dự báo sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước, tại thời điểm tháng 12/2015 do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền, điều chỉnh xăng dầu và giá điện, cũng như ảnh hưởng của việc tỷ giá tăng 3%. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng áp lực lạm phát trong năm nay đã nhẹ hơn so với dự báo đưa ra hồi đầu năm, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%. Lạm phát sẽ vẫn tăng lên đến 4% trong năm 2016.

"Lạm phát thấp như vậy có thể sẽ làm cho lãi suất giảm", ADB cho biết. Từ đầu năm đến nay, lạm phát thấp cho phép Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ. Lãi suất cho vay trung bình các ngân hàng thương mại đã giảm từ 17% năm 2012 xuống còn 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2015. Lãi suất cho vay giảm cùng với niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư hồi phục đã làm cho tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 17,1% tại thời điểm giữa năm. Mức tăng cùng tiền (M2) đạt 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG