DẤU ẤN Ở HOÀNG THÀNH
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tọa đàm khoa học “Từ Hoàng cung Thăng Long đến Thánh địa Trúc Lâm-Hành trình từ bậc minh quân đến đức Phật hoàng”. Các nhà khoa học tập trung làm rõ vai trò của vua Trần Nhân Tông trong lịch sử chống ngoại xâm, sự phát triển của văn hoá Thăng Long, loạt công trình kiến trúc tôn giáo ở Yên Tử.
Ông Phan Duy Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nói, dấu ấn nhà Trần ở Hoàng thành chính là phần bồi đắp thêm La thành. Bên trong Hoàng thành là nhiều di sản cung điện ghi vào sử sách: Cung Thánh Từ (Thượng hoàng ở), cung Quan Triều (vua ở), công trình tôn giáo như: Tư Phúc, Chân Giáo, Diên Hựu... Các nhà khoa học hé lộ từng phần kiến trúc cung điện, chùa chiền nhà Trần ở Hoàng thành Thăng Long.
Kể từ 1299, Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành lập nên Thiền phái Trúc Lâm, xây dựng nhiều lăng tẩm vua Trần, nhiều công trình kiến trúc tôn giáo phục vụ cho tu hành giảng đạo như Ngoạ Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm. Biến nơi đây thành thánh địa, tập trung nhiều kiến trúc độc đáo của nhà Trần.
Dấu ấn nhà Trần tại Hoàng thành phần nào phát lộ trong các cuộc khai quật tại đây suốt những năm qua. Năm ngoái khi các nhà khoa học khảo cổ khu vực chính điện Kính Thiên đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc thời Trần. Rõ nét nhất là dải nền hoa chanh kích thước rất lớn. Vật liệu là ngói phẳng dẹt xếp rất công phu quy chỉnh, cho thấy đây là dấu tích kiến trúc sớm và có vai trò quan trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần.
NGUY CƠ “TRẺ Hóa” DI SẢN
Lãnh đạo Trung tâm nói, tọa đàm này là bước khởi đầu cho kế hoạch công bố các giá trị di sản nhà Trần đến đông đảo công chúng. Nhiều nhà khoa học lấy làm tiếc bởi những giá trị to lớn gắn với Phật Hoàng nói riêng, nhà Trần nói chung lâu nay chỉ bó hẹp trong giới nghiên cứu. Sinh thời GS.TSKH. Phan Huy Lê luôn nhắc nhở các nhà khảo cổ, nghiên cứu làm sao vừa khai quật vừa công bố, giới thiệu giá trị di sản to lớn đó với người dân.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Quảng Ninh thực hiện chuyên đề trưng bày kết quả khai quật, làm nổi bật dấu ấn nhà Trần tại Hoàng thành. Trung tâm cũng mong mỏi xa hơn là kết nối tuyến trải nghiệm các thánh tích trở thành hành trình đi theo dấu Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Một trong các tuyến du lịch kết nối ấy là Khu tưởng niệm vua Trần và Thiền Viện Trúc Lâm.
Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều được coi là công trình hoành tráng nhất, nhưng cũng nhiều tiếc nuối. Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phát biểu: “10 năm nay, mỗi năm tôi về Đông Triều lại thấy xót xa. Nhiều công trình bị làm mới, ví như chùa Quỳnh Lâm được nới rộng, làm đẹp, vĩ đại hơn nhưng xóa mất dấu tích xưa. Từ viên gạch, chân tảng đều mang dáng dấp công trình thế kỷ 21, còn đâu dấu tích 700 năm trước”.
Ủng hộ xu hướng phát triển du lịch tâm linh này, PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho rằng những tuyến du lịch kết nối từ Hoàng thành đến Quảng Ninh, Ninh Bình cần phong phú hơn nữa. Ông cũng chia sẻ với TS. Trần Việt Anh về thực trạng trẻ hoá di sản không riêng nhà Trần.
Đại lễ tưởng niệm 710 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Trong 2 ngày 6-7/12, tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh) diễn ra Chương trình Đại Lễ tưởng niệm 710 năm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và Hội thảo khoa học Quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật Giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa” do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì. Ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, phối hợp với Công ty Cổ phần phát triển Tùng Lâm và Viện Trần Nhân Tông tổ chức triển khai chương trình. Ngày 6/12/2018: Lễ tưởng niệm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông (9h00-11h00) và Đại lễ cầu siêu (13h00-16h00) tại chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.Ngày 7/12/2018: Lễ cúng Phật, cúng Tổ và nhiễu tháp Phật Hoàng tại chùa Hoa Yên, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí vào hồi 00h00. Lễ tưởng niệm 710 năm Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn và Khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm – tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh; từ 8h30-11h00. BTC miễn phí vé tham quan vãn cảnh Khu di tích và danh thắng Yên Tử cho đại biểu, Phật tử và nhân dân trong 2 ngày mùng 6-7 tháng 12/2018.
Như Ý