Bế mạc kỳ họp Quốc hội thứ 11:

Làm nhân sự 'rất suôn sẻ, không bị động'

TP - Tại buổi họp báo bế mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII ngày 12/4, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Kỳ họp 11 Quốc hội dành nhiều thời gian cho việc kiện toàn nhân sự và “không có chuyện bị động”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Như Ý.

Theo ông Phúc, tất cả đều được chuẩn bị kỹ, thực hiện đúng quy trình miễn nhiệm, bổ nhiệm và thông báo đầy đủ đến những thành phần liên quan.

Không có chuyện bị động

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi vì sao không miễn nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi bầu Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ? Ông Phúc khẳng định không cần thiết phải thực hiện miễn nhiệm hai chức danh này trước khi bầu.

“Không có chuyện Chủ tịch Quốc hội lại kiêm phó chủ tịch Quốc hội. Hay đối với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không phải một lúc kiêm hai chức danh nên không cần miễn nhiệm chức danh cũ trước khi bầu. Nhưng với những vị trí khác thì phải miễn nhiệm, ví như Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, phải miễn nhiệm rồi mới bầu ông Đỗ Bá Tỵ thay thế”, ông Phúc lý giải.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông khẳng định, việc kiện toàn nhân sự tại kỳ họp này được thực hiện đúng chủ trương, quy định và được làm “rất suôn sẻ, tốt đẹp”.

Tuyên thệ, đại biểu đứng hay ngồi?

Trao đổi về nghi thức tuyên thệ, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là lần đầu tiên thực hiện tại Quốc hội nhưng cũng không phải mới. Vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ ở Đình Tân Trào, và lần tuyên thệ này được lấy từ ý tưởng đó. Lý giải vì sao đại biểu Quốc hội không đứng khi lãnh đạo tuyên thệ, ông Phúc cho biết, việc này trên thế giới cũng không có quy định cụ thể, có nơi đứng, có nơi ngồi, tùy từng điều kiện cụ thể. Chẳng hạn như ở Nga, ông Putin nhậm chức, do phòng không có ghế nên đại biểu phải đứng.

Trước tình trạng đại biểu Quốc hội dùng điện thoại chụp ảnh gây phản cảm khi người được bầu tuyên thệ, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, do nhiều đại biểu muốn có kỷ niệm, muốn ghi lại dấu ấn nên việc này cũng là chuyện bình thường, dễ hiểu. Tuy nhiên, khi quay trên truyền hình thì người dân vẫn thấy nghi thức tuyên thệ rất trang nghiêm.

Theo ông Phúc, trong một kỳ họp việc thực hiện nghi thức tuyên thệ phải đồng bộ như nhau, muốn thay đổi nghi thức cần phải nghiên cứu, và nếu có điều chỉnh phải sang kỳ họp sau.

Có hay không “tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử”?

Liên quan đến việc bầu cử và các ứng viên tự ứng cử trong nhiệm kỳ XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc một lần nữa bày tỏ sự đáng tiếc khi nhiệm kỳ vừa qua có hai đại biểu Quốc hội bị bãi miễn và đều là nữ đại biểu tự ứng cử. Tuy nhiên, tại nhiệm kỳ này, dù là đại biểu tự ứng cử, hay đề cử tất cả đều phát biểu rất nhiệt tình, không có sự khác biệt. Cũng theo ông Phúc, việc có nhiều người tự ứng cử tại nhiệm kỳ tới là điều rất đáng hoan nghênh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin “có tổ chức phản động đứng sau người tự ứng cử” mà báo chí phản ánh trước đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vừa nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A (người tự ứng cử) về việc này và đã có thư trả lời. Giải thích rõ hơn với phóng viên Tiền Phong về việc này, ông Phúc khẳng định, thông tin trên chỉ là ý kiến của một cá nhân chứ không phải của Tiểu Ban An ninh, hay Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Liên quan đến việc các ứng viên đưa thông tin về bầu cử trên mạng cá nhân, theo ông Phúc đây là quyền tự do của mỗi người, không ai cấm. Hiện vẫn đang trong giai đoạn hiệp thương, chưa biết ai được vào danh sách chốt để đưa ra bầu, nên đưa thông tin lên mạng cá nhân là quyền của họ. Nhưng sau này khi đưa vào danh sách bầu, không phân biệt người tự ứng cử hay được giới thiệu, tất cả các đại biểu đều phải tuân thủ các quy định về vận động bầu cử.

Về việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, theo ông Phúc, không ai hiểu ứng viên hơn chính bà con nơi ứng viên cư trú. Họ hiểu rõ cá nhân đó thế nào, gia đình ra sao, sinh hoạt thế nào... “Người ta thấy tốt thì bảo tốt, thấy không tốt thì nói không tốt, rất rõ ràng, sòng phẳng. Sau đó sẽ biểu quyết, nếu ai trên 50% đồng ý thì được giới thiệu, dưới 50% thì bị loại”, ông Phúc cho hay, đồng thời khẳng định, Luật Báo chí không cấm phóng viên, nhà báo đến đưa tin tại các hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nếu địa phương nào ngăn cản là làm trái Luật Báo chí.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, tại kỳ họp này số lượng các chức danh đã miễn nhiệm tương đối đầy đủ và đã kiện toàn 37/57 chức danh. Vì thế tại kỳ họp tới đây hầu như không miễn nhiệm mà chỉ tiến hành bầu mới.   

Cử tri ủng hộ, tin tưởng là phần thưởng cao quý nhất

Sáng 12/4, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Một nhiệm kỳ 5 năm hoạt động dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, sôi động và đổi mới sắp kết thúc. Mỗi đại biểu luôn tâm niệm phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự mong đợi và kỳ vọng của nhân dân. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta đã gắn bó với nhân dân, trăn trở về những bức xúc trong cuộc sống của người dân; cố gắng sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; chủ động, tích cực đề xuất giải pháp và tham gia quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

“Sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ, tin tưởng của cử tri là phần thưởng cao quý nhất đối với người đại biểu nhân dân. Tôi hy vọng rằng, dù tiếp tục tái cử hay đảm nhận nhiệm vụ khác, chúng ta luôn nhớ và tự hào về những năm tháng cùng nhau hoạt động ở Quốc hội và tiếp tục nỗ lực, tâm huyết đóng góp cho hoạt động của Quốc hội và công việc của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.   

Thành Nam