> Lý Sơn - 20 năm đảo lại trẻ ra
> Con tàu Hoàng Sa của 2,5 vạn công chức
Mỗi năm kiếm 4 tỷ
Trên đôi tàu cá mang số QNg 92756 TS và QNg 92593 TS neo tại cửa biển Cổ Lũy, thuyền trưởng A Văn Trung đang nguyện cầu một năm mới làm ăn thuận lợi, trời yên biển lặng. Mới 37 tuổi, nhưng thuyền trưởng này đã có 6 chiếc tàu cá công suất lớn hành nghề giã cào.
Kể chuyện đánh bắt trên biển, Trung cho biết, năm vừa rồi, thấy chiều hướng làm ăn phải mở rộng nên anh vay ngân hàng 1 tỷ đồng, gom thêm số vốn sẵn có đóng một đôi tàu trị giá hơn 4 tỷ đồng.
Vào tháng 9, khi những chiếc tàu trong xã sắp sửa lui về nghỉ cuối mùa, anh vẫn cho tàu ầm ầm ra khơi đánh bắt. Kết quả, chỉ sau vài phiên, bạn đi trên tàu đã được chia phần 30 triệu đồng.
Các ngư dân địa phương cho biết Trung là một trong những thuyền trưởng bạo gan, dám nghĩ dám làm, chưa tới 40 tuổi đã có trong tay đội tàu hùng hậu. Hiện, Trung giao quyền quản lý 4 chiếc tàu còn lại cho anh em bà con trong nhà.
Đầu tư lớn vậy, biết bao giờ lấy lại vốn. Trung cười, vỗ tay xuống mạn tàu nói: “Bình quân mỗi năm cặp tàu này trừ mọi chi phí thì em kiếm được hơn 1,3 tỷ, làm ăn thuận lợi thì hơn 3 năm là thu hồi lại vốn”. Cộng thu nhập từ 2 đôi tàu khác, một năm anh có thể kiếm được hơn 4 tỷ đồng.
Làm giàu từ biển: Không khó
Trên chiếc tàu mang số QNg 97171 TS, chàng ngư dân lực lưỡng Phạm Văn Lâm, quê ở xã Nghĩa An cũng đang chuẩn bị cho phiên mở biển xuất hành. Năm nay bước sang tuổi 38, Lâm tự tin: “Nói chung mình chỉ cực là xa nhà, xa vợ con. Còn ra đó đánh bắt thì giá dầu lên giá cá cũng lên theo. Trừ khi bị thiên tai, chứ làm biển thì mấy khi bị lỗ đâu anh”.
Hiện, Lâm làm thuyền trưởng của một đôi tàu cá hành nghề giã cào ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Mùa nắng, sau một ngày đêm, các ngư dân trút giã 3 lần và kiếm được bộn cá bánh đường dùng để phơi khô và xuất khẩu trị giá hàng trăm triệu đồng.
Một năm mưu sinh trên biển, trừ chi phí, chàng thuyền trưởng trẻ tuổi này cũng kiếm được hàng tỷ đồng. Trong ngày đầu xuân mới, Lâm mong được nhà nước có các dự án hỗ trợ cho ngư dân vay vốn.
Bởi thực tế, lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi số tiền ngư dân vay lên đến vài tỷ đồng. Với số tiền này ngư dân nếu đánh bắt không thành công thì không có khả năng trả nợ.
Hàng năm, cửa biển Cổ Lũy làm lễ mở cửa biển, hơn 1.000 tàu cá lại xếp thành hàng dài, treo cờ rực rỡ chào đón mùa xuân. Trong lễ mở cửa biển, ngư dân thường cử ông Trương Hoài Phong lên phát biểu và tuyên bố khởi hành.
Lão ngư từng một đời bám biển, nay giao 6 chiếc tàu cho các con trai. Khi tiếng hô của lão Phong vừa dứt, tiếng trống thùng thùng vang lên, cả 30 con tàu lực lưỡng như những thớt voi chiến đồng loạt gầm lên, khuấy động cả làng biển. Thuyền trưởng nào cũng muốn trở thành người dẫn đầu đoàn tàu.
Chính vì vậy, lúc xuất phát, cả đoàn tàu chao đảo, luồn lách với nhau để bứt phá lên phía trước, lọt ra cửa biển. Trên đoàn tàu, ngoài ngư dân còn có con em ngư dân, thanh niên nam nữ reo hò chào mừng ngày vui của một năm mới. Chạy ra tới cửa biển, các thuyền trưởng kính cẩn khấn vái ông bà, tiên linh...
Trên chiếc tàu phấp phới cờ hoa, thuyền trưởng Phạm Minh Hường, 33 tuổi, hào hứng: “Năm nay phấn khởi vì địa phương nào ngư dân cũng trúng. Thấy họ làm ăn được thì mình phải ráng theo, không thể để thua sút. Làm biển nếu mà trúng cỡ 2 mùa thì tiếp tục đóng thêm tàu mới có công suất lớn hơn để đi biển dài ngày”.
Là một ngư dân, nhưng chàng thuyền trưởng này lại trắng trẻo và đẹp trai như nhân viên văn phòng. Tàu của Hường một phiên mở biển chở theo khoảng 15.000 lít dầu. Mỗi tháng bám biển 20 ngày. Lênh đênh trên biển, chàng thuyền trưởng trẻ đã nếm đủ mùi thành công và cả những thất bại.
Nghĩa An từng hứng chịu nỗi đau của cơn bão Chan Chu khiến 23 người đàn ông không trở về. Những ngư dân trẻ đã gói lại nỗi đau, rút ra kinh nghiệm lăn lộn trên biển cả. Đầu năm mới họ gởi ước nguyện vào biển khơi để lại vững vàng vươn tới…