- Hàng chục đại biểu, chuyên gia trình bày ý kiến tại hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Ông có kỳ vọng nào đặc biệt về sự kiện thu hút giới nghiên cứu và dư luận này?
PGS.TS Phạm Duy Đức. |
- Hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn của cả nước. Đây là thời kỳ để chúng ta nhìn lại, đánh giá lại những giá trị cốt lõi và trường tồn của bản Đề cương, khẳng định lại tinh thần tiếp tục kế thừa và phát huy các giá trị cơ bản của Đề cương nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước.
“Trước đây chúng ta đầu tư cho văn hóa là đầu tư để chống xuống cấp, để mang lại phúc lợi xã hội. Mức đầu tư này còn tùy thuộc vào ngân sách nhà nước, có nhiều đầu tư nhiều, có ít đầu tư ít. Đối tượng thụ hưởng văn hóa như là người chịu ơn vậy”
PGS.TS Phạm Duy Đức
Tôi hy vọng sau hội thảo này, cơ quan tham mưu về văn hóa của Đảng, cho tới các bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương có những giải pháp cụ thể, thiết thực để thực hiện một cách tốt nhất Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, biến văn hóa trở thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh để phát triển dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam Ảnh: TRẦN HUẤN |
- Những giá trị căn cốt, trường tồn của bản đề cương được làm sáng rõ. Theo ông còn những giá trị, luận điểm nào cần phải bổ sung hoặc hiểu ở nội hàm rộng hơn trong bối cảnh hiện nay?
- Chúng ta phải tiếp cận bản Đề cương từ tầm nhìn của thời đại, thời kỳ tích cực hội nhập hơn nữa vào đời sống quốc tế, nghĩa là tiếp cận những vấn đề về dân tộc hóa, khoa học hóa hay đại chúng hóa trên tầm nhìn thời đại mới.
Về vấn đề dân tộc hóa, chúng ta không chỉ nhấn mạnh vào bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đề cao tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào dân tộc mà phải lan tỏa các giá trị của dân tộc, phát triển sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc để hòa nhập nhưng không hòa tan.
Về nguyên tắc khoa học hóa, vấn đề không phải chỉ là khắc phục tình trạng mê tín dị đoan, không phải chỉ phê phán yếu tố lạc hậu trong đời sống văn hóa, chúng ta phải nâng cao trình độ trí tuệ của dân tộc, xây dựng dân tộc trở thành một dân tộc thông thái, tiếp cận với những đỉnh cao trí tuệ và thời đại, vận dụng những thành tựu khoa học của loài người để hiện đại hóa đất nước.
Ở nguyên tắc đại chúng hóa, nếu trước đây chúng ta nhấn mạnh đưa văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân lao động, nâng cao trình độ dân trí để người dân có điều kiện, cơ hội để tiếp cận đến giá trị văn hóa cao mang tầm nhân loại, hiện nay cần bổ sung quan niệm mới về đại chúng hóa. Chúng ta phát triển một nền văn hóa gắn liền với nền kinh tế thị trường nhưng phải đảm bảo được các giá trị nhân văn để nâng cao tính nhân văn, tính dân chủ. Làm thế nào đó để mọi công dân ở mọi nhóm xã hội, kể cả nhóm dễ bị tổn thương đều có cơ hội để tiếp cận với quyền được phát triển văn hóa - được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013.
Một nội dung rất quan trọng nữa là thực hành quyền văn hóa của công dân. Như vậy chúng ta đã thực hiện được khái niệm đại chúng hóa một cách cụ thể và sâu sắc.
Đảng và Nhà nước nhận định phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Tuy nhiên thực tế mức đầu tư chưa đạt được 2% tổng chi ngân sách có phải là hạn chế, rào cản cho phát triển văn hóa. Chúng ta nên chăng cần đầu tư xứng tầm hơn?
Đầu tư ở đây không phải chỉ đầu tư về tiền bạc mà là đầu tư về trí tuệ, về nguồn nhân lực, kể cả nguồn nhân lực cho lãnh đạo và quản lý văn hóa cũng như nguồn nhân lực xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cho quá trình phát triển văn hóa.
Muốn phát triển văn hóa không chỉ phát triển văn hóa đại chúng mà chúng ta phải phát triển văn hóa đỉnh cao. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng văn hóa nhưng phải có dòng văn hóa chủ lực - chính là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ được đào tạo đến nơi đến chốn, cập nhật với trình độ hiện đại quốc tế. Có như vậy chúng ta mới góp phần thực sự đưa văn hóa nước nhà phát triển ngày càng tốt, bền vững hơn. Như vậy chúng ta vẫn đẩy mạnh đầu tư hơn nữa về tài chính và sử dụng nguồn lực đầu tư đó một cách có hiệu quả.
Chúng ta cũng phải đầu tư để đào tạo cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người hoạt động văn hóa để họ yên tâm và cống hiến cho sự nghiệp văn hóa như các thời kỳ lịch sử trước đây...
- Bài học từ các nước xung quanh cho thấy văn hóa không chỉ là ngành chỉ biết tiêu tiền, công nghiệp văn hóa cũng đem lại những giá trị kinh tế khổng lồ. Ông thấy sao về quá trình phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam?
- Đi vào quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, văn hóa trở thành một ngành công nghiệp có thể đưa lại lợi nhuận lớn cho các chủ thể tham gia vào sáng tạo, sản xuất và truyền bá các giá trị văn hóa. Nhưng ở đây chúng ta thấy cũng có một xu hướng nhận thức sai lầm. Tức là chỉ chú ý đến khai thác văn hóa như là công cụ để kiếm tiền, thế nhưng muốn như vậy nó phải đạt đến một trình độ nhất định có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhất là các giá trị nhân văn ở trong sản phẩm văn hóa đó.
Nếu chỉ nghĩ đến khai thác văn hóa để kiếm tiền, chúng ta sẽ làm tha hóa văn hóa. Cho nên ở đây cần chú ý đến cả tính nhân văn của sản phẩm văn hóa trong ngành công nghiệp văn hóa. Mặt khác, nếu quan niệm có thể làm giàu bằng văn hóa chúng ta phải nhận thức lại quan điểm về đầu tư. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư để phát triển, cho tương lai của đất nước.
Cảm ơn ông!