Thấy gì qua một vụ bê bối mạng xã hội (Kỳ 4:)

Làm gì khi mạng độc hại vấy bẩn bạn?

Phó Chủ tịch phường Phạm Đình Hổ, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định sẽ xử lý dứt điểm vụ việc phường liên quan đến báo Tiền Phong vừa qua.
Phó Chủ tịch phường Phạm Đình Hổ, ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định sẽ xử lý dứt điểm vụ việc phường liên quan đến báo Tiền Phong vừa qua.
TP - Nếu một ngày bị góc tối mạng xã hội vấy bùn lên mình, bạn sẽ làm gì? Nhiều người nói họ đành lờ cho xong. Nhưng nếu bạn có tí máu mặt, nhất là doanh nhân làm ăn được, hoặc dễ tổn thương quá thì có khi phải nghĩ các chước để mong yên thân. Và họ- người hoặc nhóm tự coi mình là thế lực mạng chỉ chờ có thế.

QUYỀN LỰC TRÊN MÂY TRÊN GIÓ

Buổi tối đó, từ phường Phạm Đình Hổ về chưa đầy nửa ngày, nghe thông tin rằng, trên một diễn đàn nhân danh độc giả, phóng viên báo Tiền Phong đang bị mô tả như những con kền kền kiếm chác được 20 đến 40 triệu đồng một vụ tranh chấp đất đai, ban đầu hai phóng viên còn nghĩ theo hướng không xấu lắm, về những kẻ tung tin thất thiệt: Có phải vì nhà báo bây giờ đông quá lại có một số dính chàm, và định kiến khiến mình chịu vạ lây? Hoặc chính mình có làm gì gây hiểu lầm trong vỏn vẹn tiếng đồng hồ tác nghiệp?

Sự thật nhanh chóng sáng tỏ- như đã phản ánh trong ba kỳ trước.Thế rồi thử lội vào xem đó là ai, diễn đàn nào mà càn rỡ, “uống thuốc liều” đến vậy, thì...

Bình thường, ai bị trời đày mới lội vào trang, nhà nào vô cớ văng tục, khoái cảm văng tục. Năng lượng xấu ám vào người. Thì đây, tưởng lớn lối phán xét thiên hạ thì phải thế nào. Riêng chuyện thường xuyên bắt đầu một “tút” bằng từ ngữ mô tả bộ phận sinh dục và hoạt động tình dục theo cách nghèo nàn sơ khai nhất có thể, đã đủ “biết mặt hàng”.

Một kiểu trang mạng cá nhân hoặc diễn đàn nữa mà hẳn nhiều người cũng muốn tránh cho xa: Luôn nhìn cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực bi quan nhất có thể. Đất nước, con người đều đáng vứt đi cả! Nhìn quanh nhìn quất nhìn ngược nhìn xuôi chả có tia le lói sáng nào.

Làm gì khi mạng độc hại vấy bẩn bạn? ảnh 1 Bẩn trên Diễn đàn Độc giả trẻ và FB Huong Vu.

Hôm qua, một bạn đọc chụp gửi cho mớ “tút” có tính “tuyên ngôn” của người vừa tham vọng bóc trần “sự thật thối nát của quyền lực truyền thông bẩn”. Gửi xong bèn kết luận về một loại người “đẻ vào giờ chửi”. Chửi từ lãnh tụ và “một dân tộc đen đủi nửa thế kỷ vẫn tứ tán năm châu kiếm miếng ăn” trở đi.

Vụ bê bối mới nhất này, là người hướng thiện biết mình sai lè ra thì gỡ vội xong cải chính xin lỗi, đằng này chỉ biết nói đổng nói trác, thanh minh yếu ớt hộ cái công trình vi phạm và  hộ những người cùng hội cùng thuyền ở Diễn đàn Độc giả trẻ. (Tả xung hữu đột cho công trình vi phạm chỉ bởi vị tình, hay đâu mới là lý do thực sự?).

Để là độc giả chân chính còn phải có tiêu chí huống hồ làm báo dù là báo “công dân”, hoặc viết tút trên diễn đàn mạng tham vọng phản biện xã hội. Người biết viết và chín nghĩ, trước một vấn đề, sự vụ liên quan đến cuộc sống, phẩm cách, sự nghiệp của người khác, uy tín của cơ quan khác, phải uốn lưỡi bảy lần mới nói, sâu sát tình hình và chuẩn bị tư liệu đâu ra đấy, tướt bơ ra mà còn chưa ăn ai.

Vừa chao liệng trên cõi mạng vừa thành thật nghĩ về quyền lực nghiêng ngửa của mình, nghĩ bóc phốt ai kẻ đó tiêu đời- đội này không hiếm đâu.

TÂM SÁNG THẬT KHÔNG

Gặp quản trị viên (admin) của diễn đàn tên là Độc giả trẻ, phóng viên Tiền Phong biết trước rằng họ sẽ lý luận như sau: Đến nguyên thủ quốc gia bị chửi còn phải chấp nhận đau thương nữa là. Giới mạng, chơi mạng nó thế. Ngù ngờ i tờ về mạng lắm mới dám phản đối, kiện tội vu khống bôi nhọ!

Và câu đầu tiên họ trả lời báo Tiền Phong: chả liên quan gì đến bài viết đưa trên trang do mình làm admin. Ai làm nấy chịu chứ!

Cuộc đối thoại với một trong số admin của Diễn đàn Độc giả trẻ-người cho biết mình làm admin vài chục diễn đàn, và bảo không thấm vào đâu so với có người quản trị 3.000 diễn đàn: “Cơ chế hoạt động của Diễn đàn Độc giả trẻ?” “Chỉ là cuộc chơi một người lập ra xong đưa những người quen vào làm admin”. “Bất kỳ ai cũng có thể đăng bài? Vai trò của admin trong việc lọc thông tin?” “Chả có vai trò gì! Ai cũng có thể đăng, hay dở xấu tốt tự chịu. Admin không liên quan”.

Theo ông này (vốn là người làm báo chứ không làm IT như ông P.Q.M ở kỳ 1,2)-  admin dù có quyền xóa bài người khác, kể cả xóa bài admin khác nhưng chả có giá trị gì. “Báo Tiền Phong mấy trăm người, có muốn tôi  đưa cả tòa soạn vào không. Riêng đêm nay có thể kết nạp nghìn admin một lúc. Chẳng nhẽ các vị phải chịu trách nhiệm về hành vi của người khác” “Những người bị vu khống bôi nhọ trên mạng xã  hội, họ phải khiếu nại ai?”. “Kiện thằng Facebook  ấy vì diễn đàn do nó lập ra! Diễn đàn kiểu Độc giả trẻ có mà đầy, vài trăm. Như Góc nhìn Báo chí Công dân toàn chửi Đảng Nhà nước, nếu admin phải đi tù thì có mà đi tù 70 lần!”.

Mấy admin của diễn đàn này đều nói Độc giả trẻ hoạt động chả có tôn chỉ mục đích gì, chỉ để chơi, chém gió. Thế nhưng giở trang đầu thấy có hẳn hoi: “Group ta là group của những người độc giả nhân dân, người độc giả nhân dân chỉ dám lấy cái tâm sáng mà giáo hóa kền kền quay về với chính nghĩa”.

Tôn chỉ cũng ghi rõ: “kề vai sát phím đả kền kền”. Ấy thế, nghe  mô tả cách vận hành và lội vào trang này đọc một số “tút”, nhất là tút bê bối “ảnh thật tin giả” về báo Tiền Phong, thì cách rỉa có hẳn là công? Và tâm sáng thật không?

Bộ Thông tin Truyền thông trong hai cuộc làm việc với báo Tiền Phong gần đây, thừa nhận mạng xã hội bây giờ dễ bề vi phạm nhiều thứ bởi vì báo chí không được gỡ bài, gỡ phải giải trình và phạt tiền, nhưng mạng thì thoải mái! Đăng lên rồi hạ xuống, nâng ai dìm ai (doanh nghiệp, cá nhân)- vì quan hệ riêng hay vì gì khác chắc chỉ nội bộ biết. Bộ thừa nhận đây là kẽ hở lớn, và “người nào tỏ ra lớn lối thì có thể do họ có người chống lưng”.

(Còn nữa)

Thách nhà chùa húp tương?

Ai mới là truyền thông bẩn, quyền lực bẩn ở vụ việc liên quan đến báo Tiền Phong vừa qua, đến lúc này hẳn không cần nói thêm.

Không gian mạng giờ đầy phức tạp, vàng thau lẫn lộn. Nhưng nếu yên tâm chắc cú rằng mình ở nước ngoài cho nên muốn vấy bẩn lên cá nhân tổ chức nào chả được? Thách thức một cơ quan ngôn luận chính thống kiện mình, còn nói rõ là mong được kiện để nổi tiếng?

Còn diễn đàn nọ với tuyên ngôn về “tâm sáng”: Chung lưng mở một ngôi hàng (trích dẫn Kiều) thì có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu mới phải. Chẳng nên thế này: tung tin xấu bẩn xong trốn biệt, đến công văn cũng không dám nhận, phủ nhận cả tư cách quản trị viên của chính mình. Coi vu khống bôi nhọ trên mạng xã hội là chuyện nhỏ như con thỏ, có họa là lạc hậu lắm thì mới dám kiện dù bị hại là một cơ quan báo chí chính thống?

Vu khống bôi nhọ trên mạng xã hội, xử lí thế nào?

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Hành vi trên có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ. Ngoài xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về các tội Vu khống, Làm nhục người khác hoặc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Điều 122 Bộ luật Hình sự qui định tội Vu khống có thể bị phạt tù 7 năm:  “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”. Một số tình tiết tăng nặng sẽ bị phạt tù 7 năm.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng kêu gọi người bị hại tích cực thu thập chứng cứ, làm đơn tố giác đến cơ quan Công an để kịp thời xử lý, góp phần làm trong sạch, lành mạnh mạng xã hội.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.