Làm gì giảm thiểu nhọc nhằn cho nông dân?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp mong chờ những câu trả lời của tư lệnh ngành nông nghiệp đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề bất cập đeo đẳng nông dân suốt thời gian qua.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội), nói rằng, vấn đề quan tâm nhất đối với người chăn nuôi hiện nay là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, vượt ngoài sức chịu đựng của người dân. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng từ 30 - 35%. Còn nếu tính từ đầu năm 2021, mặt hàng này có đến 15 lần tăng giá (với giá bán gần gấp đôi).

Theo ông Thanh, so với cách đây hơn 1 năm, giá thành nuôi mỗi con lợn thịt tăng thêm khoảng 1,3-1,5 triệu đồng. Trong khi đó giá lợn hơi thời gian qua duy trì ở mức thấp, có thời điểm giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh càng nuôi càng lỗ.

Không chỉ giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang, giá phân bón còn tăng chóng mặt hơn”. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, giá phân Urê tăng tới 136 - 143%, phân DAP tăng 143 - 164%, Kali tăng 180 - 200%.... Ông Trần Xuân Phương (xã Đỉnh Cao, huyện Phù Cừ, Hưng Yên), nói rằng vụ Đông Xuân vừa rồi, giá phân bón tăng gấp 2-3 lần, chưa kể giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng tới 20-30% so với mùa trước nên hơn 2 mẫu ruộng của gia đình vất vả cả vụ mà hầu như không có lợi nhuận.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông thôn, cho rằng, vấn đề thị trường tiêu thụ ra sao lâu nay chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ. “Chúng ta không biết rõ thị trường ra sao, đòi hỏi tiêu chuẩn gì, người tiêu dùng là ai? Do vậy, hàng hóa nhiều lúc thừa và dựa vào trung gian từ thương lái địa phương đến trung gian quốc tế”, ông Sơn nói.

Làm gì giảm thiểu nhọc nhằn cho nông dân? ảnh 1

“Bão” giá phân bón đang khiến nông dân chật vật, thua lỗ

Ông Sơn cho rằng, hiện xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt khoảng 45 tỷ USD/năm. Nhưng chúng ta vẫn phụ thuộc từ bên ngoài rất lớn, đặc biệt là các yếu tố đầu vào. Việt Nam cần tránh để nông nghiệp rơi vào bẫy gia công. Để giảm bớt các chi phí đầu vào trong sản xuất, theo ông Sơn ngành nông nghiệp cần hướng đến xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, hiện đại, theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Trước mắt, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch đưa người nông dân vào HTX theo từng ngành nghề chuyên biệt để thống nhất một quy trình, quy chuẩn canh tác.

MỚI - NÓNG