Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'?

TPO - Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỗi năm, họ gửi về nước khoảng 2 – 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện họ phải đối mặt với không ít rủi ro trên hành trình mưu sinh đó, đặc biệt sau vụ việc 39 lao động nhập cư người Việt tử vong khi vào Anh. Báo Tiền Phong tổ chức Toạ đàm trực tuyến: “Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài" hy vọng có những câu trả lời cho vấn đề này.
Tọa đàm xuất khẩu lao động

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

14/11/2019 13:42

Sau vụ 39 nạn nhân người Việt tử vong khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh, câu chuyện an toàn cho người lao động ra nước ngoài làm việc, làm sao để người lao động di cư an toàn hơn, để người lao động lựa chọn con đường đi chính thức thay vì đi “chui”… càng trở nên “nóng” hơn.
Trong 10 năm qua, đã có hơn 1 triệu người lao động Việt Nam đi theo con đường chính thức ra nước ngoài làm việc. Dù đi theo con đường chính thức, họ vẫn chịu không ít rủi ro về công việc, cuộc sống. Thậm chí, nhiều lao động lựa chọn bỏ trốn ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp, nhiều nhất là tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, vấn đề giảm rủi ro, ngăn chặn lao động bỏ trốn ở nước ngoài cũng đang làm “đau đầu” cơ quan quản lý nhà nước.
Để có cái nhìn tổng quan về bức tranh lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Báo Tiền Phong tổ chức Tạo đàm trực tuyến để cùng các chuyên gia, nhà quản lý cùng luận giải các vấn đề

14/11/2019 14:15

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 1 Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Xuất khẩu lao động là chủ đề tập trung sự quan tâm của truyền thông liên quan tới bi kịch 39 nạn nhân tử vong vừa qua ở Anh.

Tuy nhiên, xuất khẩu lao động luôn có ý nghĩa rất quan trọng về mặt kinh tế - xã hội. Thứ nhất, nó giúp giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận đáng kể lao động, đặc biệt là lao động trẻ; Thứ hai, XKLĐ mang lại nguồn thu nhập cao cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình, địa phương và là nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước; Thứ ba, XKLĐ góp phần đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao về tay nghề và kỷ luật, tác phong; Thứ tư, XKLĐ cũng góp phần tăng sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa người Việt Nam và nhân dân các nước tiếp nhận XKLĐ.

Trong dòng kiều hối gửi về nước hàng năm, ước tính lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng góp từ 2 – 2,5 tỷ USD, thậm chí hơn. Đó là nguồn ngoại tệ bù đắp rất lớn cho nền kinh tế. Những đóng góp của họ cho gia đình, xã hội và nền kinh tế đất nước là điều không phải bàn cãi.

Trong 10 năm qua, đã có hơn 1 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua con đường chính thức, nhiều vùng quê đã thay da đổi thịt từ dòng tiền gửi về từ nước ngoài.

Tuy vậy, ngay chính với những lao động đi theo con đường chính thức cũng đối mặt không ít rủi ro, những vấn đề không như “hứa hẹn” trước khi đi. Trong khi, để có tiền xuất cảnh, hầu hết lao động phải vay nợ, và sức ép về thu nhập khi ra nước ngoài đặt lên vai người lao động rất lớn. Khi gặp rủi ro, thu nhập không như kỳ vọng, họ có xu hướng “nhảy việc” ra ngoài bất hợp pháp. Điều đó khiến lao động Việt Nam bỏ trốn hợp đồng xảy ra ở hầu hết các thị trường, tập trung nhiều nhất ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo công bố của ILO, hiện lao động Việt Nam đang phải trả chi phí cao nhất so với các nước trong khu vực để được ra nước ngoài làm việc, số tiền đó đa phần họ phải đi vay, cùng với việc không kiểm soát được sự thành công của quá trình di cư.  Điều đó làm tăng nguy cơ họ trở thành lao động bị mua bán và cưỡng bức làm việc.

Bộ phận di cư hợp pháp cũng có rủi ro, và đương nhiên di cư bất hợp pháp là đánh cược với số phận, nhưng vì sao nhiều người vẫn chấp nhận đi theo con đường không chính thức. Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải làm gì để lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc được an toàn, được bảo vệ, người lao động lựa chọn con đường chính thức thay vì đi bất hợp pháp? Hy vọng tại Tạo đàm này, các khách mời sẽ chia sẻ, đóng góp ý kiến thẳng thắn để chúng ta trả lời được câu hỏi đó?

14/11/2019 14:47

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 2 Nhà báo Đình Thắng, trưởng ban Kinh tế báo Tiền Phong, điều hành buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cung cấp vài thông tin khái quát về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay: Theo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, có 4 hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gồm: Làm việc ở nước ngoài thông qua hợp đồng các công ty dịch vu; hợp đồng cá nhân; các doanh nghiệp trúng thầu dự án ở nước ngoài và doanh nghiệp đưa lao động đi; và đi theo diện đào tạo nghề.

Hàng năm, có hơn 100.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo 4 hình thức này. Riêng năm 2018 có hơn 146.000 người. Trong đó, những năm gần đây số lao động ở Nhật Bản tăng lên rõ rệt, vượt qua lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) là 65.000 người. Thị phần lao động Đài Loan được đánh giá là một trong những thị trường có người lao động Việt Nam cao nhất.

Tuy nhiên, từ năm 2018, mặc dù tỉ lệ không giảm nhưng số lượng giảm hơn một chút. Nguyên nhân là do chính sách lao động ở Đài Loan có thể gia hạn lao động nếu hiệu quả công việc tốt. Thị trường lao động thứ ba là Hàn Quốc. Những năm trở lại đây, số lượng lao động bỏ việc tăng lên rõ rệt.

Vì vậy, số lượng lao động mới 3 năm trở lại đây giảm chỉ còn khoảng 5.000 người. Đặc biệt, với loại hình lao động thời vụ 3 tháng tại Hàn Quốc cũng khá thu hút. Với các thị trường khác như: Malaysia… thì không còn là thị trường tối ưu được nhiều người lao động lựa chọn nữa.

Một số thị trường có điểm sáng trong thời gian gần đây là châu Âu: Rumani, Ba Lan… người lao động ở tầm trung bình có thể tham gia. Mặc dù, số lượng lao động chỉ vài nghìn nhưng chúng tôi đang lựa chọn thí điểm với các thị trường này.

Đặc biệt, chúng tôi rất thận trọng, để phòng tránh tình trạng bỏ hợp đồng ra ngoài làm ảnh hưởng tới thị trường lao động đầy tiềm năng này. Hai năm trở lại đây, chúng tôi khuyến cáo người lao động hết sức thận trọng và tìm hiểu kĩ thông tin khi sang nước ngoài làm giúp việc gia đình. Bởi công việc này khá nhạy cảm.

14/11/2019 14:50

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 3 Bà Trần Thị Vân Hà
Trả lời câu hỏi số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh nhưng tỷ lệ lao động bỏ trốn cũng ở mức cao? 

Bà Trần Thị Vân Hà cho biết: Hiện đây là vấn nạn làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động Việt Nam. Đài Loan là điểm nóng mà lao động Việt bỏ trốn hợp đồng ra ngoài. Nguyên nhân chính là cộng đồng người Việt ở Đài Loan khá lớn. Một số nguyên nhân khác được để cập tới là phí dịch vụ đi Đài Loan ban đầu cao. Hiện nay, có 226.000 người lao động người Việt lao động ở Đài Loan và có hơn 22.000 người bỏ trốn ra ngoài làm việc.

Chúng tôi đánh giá một phần nguyên nhân liên quan tới việc thu phí cao. Tuy nhiên, khó xác định bằng chứng cụ thể để xử lý, số chứng minh được chúng tôi cũng đã từng xử lý 3 doanh nghiệp, sau đó những doanh nghiệp này bị phạt và phải trả lại tiền cho người lao động. Một nguyên nhân khác là điều kiện làm việc, nhiều trung tâm tuyển người làm việc thông qua trung gian nên không cụ thể, chi tiết về môi trường, điều kiện làm việc.

Chính vì vậy, gây ra tình trạng thất vọng khi người lao động tới làm việc và tìm cách trốn ra ngoài. Bên cạnh đó, người lao động có cơ hội để kiếm việc làm khác với thu nhập tốt hơn nên đã bỏ trốn ra ngoài. Rất nhiều trường hợp bị bắt và bị trục xuất.

Thời gian tới chúng tôi thắt chặt hơn việc tuyển chọn và đào tạo, giáo dục định hướng trước khi xuất cảnh. Với thị trường Nhật Bản, số lượng và chất lượng tăng nhanh trong thời gian vừa qua thì xuất hiện nhiều vấn đề phát sinh như bỏ trốn ra bên ngoài…

Năm 2016, hơn 2.000 lao động bỏ trốn, 2018 lên gần 5.500 lao động bỏ ra ngoài và vi phạm pháp luật. Nguyên nhân người lao động bỏ trốn ra ngoài vì ở Nhật Bản có nhiều quy định khắt khe.

Bên cạnh đó, du học sinh của chúng ta đi học nhưng trá hình, thực chất là đi làm qua nhiều hình thức khác

14/11/2019 15:11

Về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều lao động vẫn chọn con đường đi bất hợp pháp, trong khi Việt Nam đã cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động mở chi nhánh về tận huyện xã?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, phân tích: Theo quy định hiện hành, người lao động có 4 hình thức đi làm việc ở nước ngoài và hầu hết là thông qua các doanh nghiệp dịch vụ, trong đó nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội của chúng tôi. Đối với vấn đề xuất khẩu lao động, luật của chúng ta có các quy định thủ tục rõ ràng, điều này cũng được nêu rõ trong luật của nước tiếp nhận lao động. Do đó khi đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài phải phù hợp với luật pháp nước ta và nước tiếp nhận.

Vụ việc 39 nạn nhân người Việt tử vong khi nhập cư vào Anh phải xem xét rất kỹ vì trong đó có rất nhiều dấu hiệu mà Liên hợp quốc liệt vào diện buôn bán người; Ví dụ theo báo chí nói là họ mất cả tỉ đồng để đi nước ngoài đó là buôn bán người, thứ hai là nhập cảnh không hợp pháp, thứ ba là sang đó làm những công việc sử dụng lao động không có giấy tờ, như làm móng, thậm chí làm công việc vi phạm pháp luật như trồng cần sa. Còn tại Hàn Quốc, có trên 30% lao động Việt Nam khi hết hạn hợp đồng không về nước mà chọn ở lại làm việc bất hợp pháp. Việc này khiến một số nước hạn chế kí hợp đồng tiếp nhận lao động Việt Nam.

Qua điều tra thì những người đó không muốn về, vì ở lại làm việc bất hợp pháp kiếm thêm tiền do mức lương bên đó cao, còn về nước thì thu nhập không đạt được như thế. Bên cạnh đó, hiện cũng có một số doanh nghiệp thu phí dịch vụ xuất khẩu lao động cao hơn so với mặt bằng chung, và đã có doanh nghiệp bị xử phạt.

14/11/2019 15:14

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 4 Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam
Nói về tỷ lệ lao động Việt Nam trốn hợp đồng ở nước ngoài để trở thành lao động bất hợp pháp đặc biệt tại Đài Loan, Hàn Quốc khá cao? Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phụ trách Chương trình Lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam cho biết:

Người lao động khi ra nước ngoài làm việc gặp rất nhiều rủi ro trong suốt qua trình chuẩn bị ở trong nước, cho tới quá trình di chuyển và trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Như bà Vân Hà và ông Ngọc Quỳnh đã chia sẻ về vấn đề người lao động Việt Nam phải trả phí rất cao khi đi lao động ở nước ngoài. Lao động ở Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc chủ yếu thông qua các doanh nghiệp, dịch vụ thì chúng ta phải trả phí cao nhất trong khu vực. Khi phỏng vấn các lao động họ cũng chia sẻ, việc phải trả chi phí cao, vay mượn tiền để được đi nên họ bắt buộc phải tìm kiếm cơ hội có việc làm thu nhập cao hơn. Trong khi đó, ở nước ngoài, vẫn có chủ sử dụng lao động sẵn sàng tuyển những lao động không có giấy tờ hợp pháp, nên việc bỏ trốn ra ngoài vẫn xảy ra.

14/11/2019 15:18

Cùng nói về tình trạng lao động bỏ trốn và những hậu quả để lại, ông Lê Nhật Tân, Phó GĐ Cty LOD phát biểu: Nhiều người cho rằng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc là vì chi phí cao, nhưng xét về góc độ của doanh nghiệp, tôi cho rằng có những chương trình không thu phí cao, như chương trình của Bộ LĐ-TB&XH triển khai.

Thứ hai, lao động bỏ trốn có tỷ lệ cao là vì người lao động cho rằng họ đang quen với môi trường lao động ở quốc gia đó, quen với văn hóa, phong tục, khí hậu và thu nhập cao thì tại sao phải về. Chưa kể về thì biết làm gì để có thu nhập cao như vậy. Dù vẫn có một phần tỉ lệ nào đó bỏ hợp đồng lao động vì chi phí dịch vụ cao nhưng với LOD thì không phải như vậy.

14/11/2019 15:21

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 5 Bà Trần Thị Vân Hà
Trả lời câu hỏi, nghiên cứu của ILO năm 2017 chỉ ra rằng, lao động Việt Nam đi theo con đường chính thức đang phải chịu chi phí cao hơn các nước trong khu vực. Thậm chí, người lao động phải trả thêm những chi phí không chính thức. Điều đó dẫn tới khi không đạt kỳ vọng về mức thu nhập ở nước ngoài buộc họ phải chọn con đường mạo hiểm nhất là trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp?

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phân tích: Quan điểm cho rằng, có lao động chấp nhận bỏ phí cao để vượt qua các vòng sơ tuyển của doanh nghiệp dịch vụ. Tâm lý mong muốn đi nhanh của người lao động còn khá phổ biến. Không muốn học, không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn muốn đi nước ngoài với công việc theo mong muốn.

Chúng tôi vẫn đưa ra khuyến cáo lao động không nên đi nước ngoài bằng mọi giá. Câu chuyện trở về nước không có việc làm thì không riêng thị trường Hàn Quốc, có rất nhiều chương trình ưu đãi để làm việc ở các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản ở Việt Nam. Nếu biện hộ không có việc làm khi về nước là không hoàn toàn chính xác. Người lao động Việt trở về hoàn toàn có cơ hội việc làm.

14/11/2019 15:31

Về những rủi ro mà người lao động Việt Nam gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài qua con đường chính thức?

Bà Trần Thị Vân Hà, phân tích: Lao động đi theo con đường chính thức có thể qua 4 hình thức như tôi đã đề cập. Tuy nhiên, người lao động cũng cần phải trang bị ngoại ngữ tốt, tự tìm hiểu về luật pháp quốc gia mình tới làm việc và trang bị kiến thức đầy đủ. Dù vậy, trong quá trình làm việc ở nước ngoài vẫn phát sinh một số rủi ro, trong trường hợp có phát sinh, người lao động cần trao đổi và khiếu nại với chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp đưa đi để đảm bảo quyền, lợi ích cho mình.

Những rủi ro theo hợp đồng thì sẽ được hỗ trợ. Ngược lại, nếu đi lao động bất hợp pháp thì các bạn tự đặt mình vào rủi ro và khó được bảo vệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Chúng tôi khuyến cáo, những người muốn đi lao động ở nước ngoài thì chọn con đường đi hợp pháp. Để được pháp luật của Việt Nam, pháp luật nước sở tại và các hiệp hội, ngành nghề bảo vệ.

14/11/2019 15:36

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 6 Ông Lê Nhật Tân, Phó TGĐ Cty LOD

Ông Lê Nhật Tân, Phó TGĐ Cty LOD chia sẻ về những hậu quả doanh nghiệp phải gánh chịu do tình trạng người lao động bỏ trốn: Việc lao động bỏ trốn gây mất uy tín của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị vi phạm hợp đồng với đối tác. Trong khi, việc ngăn chặn lao động bỏ trốn là điều khoản cao nhất mà doanh nghiệp phải đảm bảo với đối tác. Đây cũng là điều làm doanh nghiệp đau đầu nhất, vì vừa ảnh hưởng uy tín vừa ảnh hưởng tới tài chính.

Thứ hai, thị trường của chúng ta không bền vững nữa. Vì chúng ta rất khó khăn để kí hợp đồng đưa lao động ra nước ngoài làm việc, nhưng khi để xảy ra tình trạng bỏ trốn hợp đồng sẽ rất khó cho những người đi sau, thậm chí mất toàn bộ hợp đồng, đóng cửa thị trường như từng xảy ra với thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.

14/11/2019 16:01

Làm gì để 'Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài'? ảnh 7 Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phụ trách Chương trình Lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam
Nói về các biện pháp hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn khi đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Nhật Tân, Phó TGĐ Cty LOD chia sẻ kinh nghiệm: Qua 30 năm hoạt động, chúng tôi đã đưa khoảng 60.000 người ra nước ngoài làm việc. Định hướng của LOD là luôn làm cái gì tốt cho người lao động. Chúng tôi không tập trung vào số lượng mà tập trung hạn chế rủi ro, đặc biệt là vấn đề lao động bỏ trốn.

Trong tình hình chung có nhiều biến động, chúng tôi chọn ngành nghề giảm thiểu rủi ro tối đa cho người lao động, như hạn chế các cấp trung gian để giảm chi phí, sử dụng lao động đã từng đi để tư vấn cho người thân, bạn bè họ; hợp tác với các trường; tăng cường đào tạo định hướng cho lao động. Đồng thời, khi người lao động hết hạn về nước thì họ sẽ được giới thiệu các chương trình khác để có thể lựa chọn, thay vì phải bỏ trốn để được ở lại.

Chúng tôi cho phép người lao động ở nước ngoài giới thiệu người nhà, trước khi người lao động về nước thì họ được giới thiệu người thân làm đúng công việc của họ tại nước ngoài. Đó là biện pháp có tính chất tình huống. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là chính sách của nhà nước, những biện pháp có tính chất bao quát trong lĩnh vực này.

14/11/2019 16:12

Về các phương án giảm thiểu tình trạng lao động bất hợp pháp của Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động cho biết:

Như chúng ta đã biết, năm 2018, khoảng 140.000 người lao động Việt ra nước ngoài làm việc. Các doanh nghiệp rất khó về nguồn nhân lực vì vậy cơ hội đi làm việc hợp pháp là rất nhiều. Chúng ta nên tìm hiểu thông tin và đi theo con đường hợp pháp. Ngược lại, nếu đi theo con đường bất hợp pháp rất nhiều rủi ro, đặc biệt khi bị ốm đau hay gặp vấn đề vi phạm trong quyền lợi lao động.

Về cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn, bởi ở Việt Nam, hoạt động dịch vụ tuyển lao động ở địa phương chưa được quản lý chặt chẽ. Những đường dây buôn người, đưa người lao động đi làm bất hợp pháp cần điều tra và triệt phá.

14/11/2019 16:23

Để giảm dần tỷ lệ lao động bỏ trốn, ông Lê Nhật Tân đưa ra khuyến cáo về việc lựa chọn đi làm việc ở người ngoài, lựa chọn doanh nghiệp, hợp đồng, thỏa thuận mức lương, thị trường:

Chúng tôi cho rằng, người lao động phải tìm đến đúng địa chỉ công ty chính thống, đến đó xác định đi đâu, làm gì và đi theo những đơn hàng chính thống. Danh sách những doanh nghiệp được cấp phép đều có trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, với địa chỉ cụ thể.

Về mặt thị trường, thị trường tốt là phải phù hợp với điều kiện của người lao động và đảm bảo việc đi chính thống, an toàn cũng như giảm thiểu rủi ro.

14/11/2019 16:26

Trả lời câu hỏi hiện có hàng ngàn người lao động ở một số tỉnh như Nghệ An, HàTĩnh đi lao động "chui" qua các nước, Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước có biết không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Cục quản lý lao động ngoài nước  Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Theo thông tin địa phương gửi lên, có tình trạng người lao động tự do qua đường biên giới Lào, Campuchia, Trung Quốc. Đó là thực trạng khá trăn trở với địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn địa phương kí các hợp đồng liên kết để người lao động ra nước ngoài làm việc theo khuôn khổ. Chúng tôi không nhằm giảm thiểu tình trạng này mà chỉ hướng dẫn đi theo khuôn khổ để người lao động được bảo vệ tốt hơn.

Bên cạnh đó, có tình trạng đi xa hơn như đi Angola, Anh…. Chúng tôi có khuyến nghị cho địa phương tuyên truyền mạnh hơn để người lao động biết. Đặc biệt là Anh, Úc, Mỹ… là các loại hình visa, có thể định cư lâu dài.

14/11/2019 16:39

Với tư cách là một chuyên gia quốc tế, bà Nguyễn Thị Mai Thủy đã đưa ra những đánh giá về việc cơ quan chức năng Việt Nam bảo vệ người lao động, đồng thời gợi ý một số giải pháp bảo vệ lao động di cư bằng con đường chính thức: 

Việt Nam có rất nhiều nỗ lực về vấn đề quản trị lao động để họ đạt hiệu quả kinh tế khi từ nước ngoài trở về, nhưng chúng ta còn nhiều vấn đề cần xem xét và giải quyết. Trong quá trình Việt Nam sửa Luật 72, chúng tôi rất quan tâm đến việc thay đổi, giảm thiểu các chi phí dịch vụ đối với người đi lao động nước ngoài, việc này cũng giúp cho các doanh nghiệp tuyển dụng có đạo đức hơn, phát triển lâu dài và bền vững.

Hiện chúng ta có rất nhiều điểm chưa hợp lí trong vấn đề chi phí đi lao động nước ngoài, ví như phí môi giới, ở Đài Loan người ta không cho nhận tiền môi giới, còn Nhật Bản đã kí Công ước 181, trong đó người lao động không phải trả một chi phí nào khi đi lao động ở nước ngoài. Gần đây cũng có một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam thực hiện chương trình không thu phí của người lao động và đảm bảo việc họ không bị bóc lột, cưỡng bức sức lao động. Hiện, ILO cùng Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra những quy chuẩn, biện pháp bảo vệ tốt, giảm thiểu việc người lao động phải trả phí khi đi ra nước ngoài làm việc.

Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, người lao động phải trả 2 lần phí dịch vụ, bao gồm việc trả tiền cho môi giới ở Việt Nam và ở nước sở tại, nhưng để bảo vệ quyền lợi người lao động lại rất khó khăn. Do đó, cần sự phối hợp từ các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của cả Việt Nam và nước sở tại lao động tới.

Liên quan đến người lao động di cư không chính thức, việc giải quyết vấn đề này phải có sự đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng trong nước và cả nước sở tại. Các biện pháp đưa ra như là tăng cường các kênh thông tin tuyên truyền cho người lao động, giảm tối thiểu các chi phí khi họ đi lao động ở nước ngoài trở về cũng như bảo vệ được quyền lợi của họ trong quá trình lao động ở nước ngoài. Vấn đề di cư lao động rất phức tạp, với nhiều thách thức nên đòi hỏi phải có sự tăng cường hợp tác giữa các tổ chức từ trung ương đến địa phương, từ cả nước ta và nước tiếp nhận lao động.

14/11/2019 16:46

Trả lời câu hỏi, hiện ILO khuyến nghị Việt Nam không nên dùng từ xuất khẩu lao động, vì lao động không phải hàng hóa thông thường? Để giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn, đi lao động chui, thời gian qua Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ, TB&XH đã làm gì? Cục có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Bà Trần Thị Vân Hà, cho biết:

Liên quan đến thuật ngữ, khi người lao động đi ra nước ngoài làm việc thì gọi là di cư lao động, hiểu theo nghĩa này thì những người lao động đó phải qua đào tạo. Đồng thời, theo quan điểm của Chính phủ thì thuật ngữ này muốn người lao động sau khi đi ra nước ngoài trở về sẽ có kĩ năng phát triển lâu dài bằng những kinh nghiệm đã học được trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Liên quan đến nhận thức, để tăng cường sự hiểu biết đúng đắn cho người lao động thì chúng tôi cho rằng cần có những giải pháp tuyên truyền bên cạnh việc đào tạo con người một cách bài bản và đầy đủ.

Hiện hệ thống thông tin về lao động nước ngoài rất phong phú, đặc biệt là thông qua mạng xã hội nhưng đòi hỏi người dân phải biết lựa chọn. Bởi có nhiều doanh nghiệp phái cử, website, người môi giới giả danh là doanh nghiệp hàng đầu. Ví dụ như thông tin có thể đi lao động thời vụ tại Anh, Mỹ, Canada… Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều cảnh báo và nhiều thông tin về hình thức đi, và khuyến cáo không nên đi trái phép.

Hiện chúng tôi đang đưa vào sửa Luật số 72 về việc đưa lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài. Dù có 4 hình thức chính, nhưng đã có phát sinh các hình thức mới, như hợp tác giữa các địa phương 2 nước, hoặc việc nhiều công dân đi ra nước ngoài hợp pháp tự tìm được việc làm.

Đồng thời phải thắt chặt nhiệm vụ, quy trình tuyển chọn, công tác đào tạo của doanh nghiệp phái cử, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp nước sở tại và Công ước quốc tế.

Chúng tôi cũng nỗ lực giảm chi phí dịch vụ, bằng việc tăng cường hành lang pháp lý để đảm bảo lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp phái cử. Bộ luật này dự kiến được Quốc hội thông qua vào năm 2020 và hi vọng là điểm nhấn của năm sau.

Sau vụ 39 nạn nhân người Việt tử vong khi nhập cư bất hợp pháp vào Anh, câu chuyện an toàn cho người lao động ra nước ngoài làm việc, làm sao để người lao động di cư an toàn hơn, để người lao động lựa chọn con đường đi chính thức thay vì đi “chui”… càng trở nên “nóng” hơn.

Trong 10 năm qua, đã có hơn 1 triệu người lao động Việt Nam đi theo con đường chính thức ra nước ngoài làm việc. Dù đi theo con đường chính thức, họ vẫn chịu không ít rủi ro về công việc, cuộc sống. Thậm chí, nhiều lao động lựa chọn bỏ trốn ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp, nhiều nhất là tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, vấn đề giảm rủi ro, ngăn chặn lao động bỏ trốn ở nước ngoài cũng đang làm “đau đầu” cơ quan quản lý nhà nước.

Để có cái nhìn tổng quan về bức tranh lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các thành tựu đạt được, hạn chế, và bàn giải pháp để người lao động di cư an toàn hơn; giảm thiểu tiến tới ngăn chặn lao động di cư bất hợp pháp; nâng cao nhận thức của người lao động… Báo Tiền Phong tổ chức Tạo đàm trực tuyến để cùng các chuyên gia, nhà quản lý cùng luận giải.

Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Phòng tránh rủi ro khi lao động ở nước ngoài".

Toạ đàm bắt đầu từ 14h00 ngày 14/11/2019.

Toạ đàm có sự tham dự và cho ý kiến trao đổi của các khách mời:

- Bà Phạn Thị Minh Giang - Phó trưởng phòng Di cư quốc tế, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

- Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH.

- Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Chuyên gia Chương trình lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

- Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS).

- Ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD (LOD Corp)

Nội dung buổi toạ đàm được trực tiếp trên báo Tiền Phong điện tử ( tại địa chỉ: https://www.tienphong.vn/ )

Ngay từ lúc này, bạn đọc quan tâm tới các vấn lao động ra nước ngoài làm việc có thể gửi câu hỏi tới các khách mời qua Email: duonghung.tienphong@gmail.com

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.