Làm đẹp món ăn: Nghề hiếm, lạ, công phu và 'hái ra tiền'

Food stylist Nguyễn Quang Việt đang chuẩn bị chụp ảnh những món ăn truyền thống của Tết Việt. Ảnh: Nhã Khanh
Food stylist Nguyễn Quang Việt đang chuẩn bị chụp ảnh những món ăn truyền thống của Tết Việt. Ảnh: Nhã Khanh
TP - Những món ăn trên menu nhà hàng, trong sách hướng dẫn nấu nướng hay các chương trình quảng cáo luôn khiến người xem… ứa nước miếng. Ít ai biết, những hình ảnh bắt mắt ấy là thành quả của cả một ê-kip lọ mọ đằng sau, và công đầu thuộc về các food stylist- những người “đánh phấn tô son” cho món ăn.

Công phu “chơi” với đồ ăn

Công việc của một food stylist chính là trang trí, bày biện đồ ăn thật hấp dẫn, lên ý tưởng và chụp ảnh chúng để quảng bá thương hiệu cho các nhà hàng, quán ăn hoặc các công ty chuyên về ẩm thực. Tuy nhiên, “chơi” với đồ ăn không hề đơn giản như nhiều người vẫn tưởng.

“Nghề food stylist yêu cầu kiến thức nhất định về ẩm thực. Chẳng hạn, một lát hành cắt sau 5 phút thì màu sắc và đường nét sẽ không còn sắc cạnh nữa, hoặc bắp chuối sau khi cắt ra, để trong giây lát sẽ bị đen, chả giò chiên khi vớt ra sẽ ngả màu đậm… như vậy khi chụp ảnh sẽ bị xấu”- Bùi Lý Tiến Nguyên, 4 năm trong nghề chia sẻ.

Cũng theo Tiến Nguyên, khi làm việc dưới sức nóng của đèn studio, thực phẩm nhanh héo hơn so với bình thường, do đó đôi khi phải chuẩn bị một số lượng nguyên liệu lớn để thay thế. Ví dụ để làm một tô mì gói có khi phải tốn tới cả thùng mỳ hay chụp một đĩa salad thì cần cả rổ rau lớn dự phòng.

“Chụp món ăn đẹp, có hồn khó hơn nhiều so với chụp người mẫu thời trang. Bởi người mẫu có thể tự di chuyển, tạo dáng còn món ăn thì không”.

Food stylist 

Nguyễn Minh Ngọc

Còn Nguyễn Quang Việt, Tổng bếp trưởng nhà hàng Ao Ta đồng thời là người phụ trách hình ảnh cho các món ăn tại nhà hàng này lại có những bí quyết riêng. “Muốn chả giò lên hình đẹp phải chiên trắng hơn một chút, khi vớt ra chúng chuyển màu vàng là vừa. Hay ly rau má khi xay xong, nước sẽ bị xanh bầm, lên hình sẽ bị xỉn nên thường phải pha loãng ra rồi đựng nước rau má trong cái ly có khúc xạ ánh sáng tốt, như vậy khi lên hình sẽ thấy được màu xanh rau má mát lạnh. Tương tự, nếu để đúng rượu vang thật thì chụp hình sẽ bị màu tối. Lúc đó, food stylist sẽ phải pha màu với nước giả rượu vang để cho màu rượu tươi hơn”, anh nói.

Chưa hết, muốn cho món ăn lên hình bắt mắt, sống động, phải cắt lát ớt dài hay ngắn, miếng hành dày hay mỏng… cũng là công việc của food stylist. Không chỉ chăm chút món ăn mà ngay cả việc chọn các phụ kiện để trang trí như bát đũa, thìa dĩa, khăn trải bàn, dao thớt… cũng phải là những mẫu mã độc đáo.

“Stylist cho món ăn truyền thống của Việt Nam lại càng khó hơn vì sử dụng rất nhiều loại gia vị và chúng đều có quy tắc kết hợp chặt chẽ, thực phẩm gì phải đi với gia vị gì, nếu không hiểu biết, food stylist có thể làm hỏng hoàn toàn hình ảnh của món ăn. Ví dụ, bày một mẹt cơm gà thì không thể có lẫn lá mơ trong đấy. Món xà-lách không chỉ có một màu xanh hay món nhiều chất béo thì cần thêm rau củ”- đầu bếp Quang Việt chia sẻ.

Làm đẹp món ăn: Nghề hiếm, lạ, công phu và 'hái ra tiền' ảnh 1

Nguyễn Minh Ngọc đang “đánh phấn tô son” cho các món ăn.

“Chụp món ăn đẹp, có hồn khó hơn nhiều so với chụp người mẫu thời trang. Bởi người mẫu có thể tự di chuyển, tạo dáng còn món ăn thì không. Chụp một món ăn bình thường mất hơn 45 phút, đôi khi chụp cả ngày, hơn nghìn cái nhưng chỉ chọn được một cái”- Nguyễn Minh Ngọc cho biết. Cô cũng đã từng mất cả tháng trời để tìm cách làm cho những cọng mỳ “đứng” được trên mặt nước mà vẫn tươi nguyên, không bị trương phềnh. Hay lần khác, sau khi vật vã mãi không chụp được hình cục đá trong ly nước, Ngọc đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn mua… đá giả từ nước ngoài để thay thế.

Đôi khi để món ăn đẹp, các stylist phải sử dụng “tiểu xảo” như thay kem giả, đá giả vào ly nước, ly kem để món ăn hấp dẫn hơn, và quan trọng hơn là không bị tan chảy sau hàng tiếng đồng hồ bị xoay vần. “Tuy nhiên, nguyên tắc trong food stylist là không can thiệp quá 20% để vẫn đảm bảo món ăn có độ chân thực so với hình ảnh. Đồng thời, những hình ảnh cũng không được lạm dụng photoshop”- Minh Ngọc chia sẻ thêm.

Khi nhận được hợp đồng chụp ảnh, các food stylist sẽ phải lên ý tưởng hình ảnh, tìm kiếm nguyên liệu và thường phải thử nghiệm trước nhiều lần. Cả ngày với họ, đôi khi chỉ loanh quanh bên đồ ăn.

“Nhiều người nghĩ food stylist sướng, suốt ngày được ăn ngon! Nhưng thật ra đó chỉ là đạo cụ phục vụ chụp hình và thường không ăn được. Có lần chụp ảnh đĩa lòng, mấy anh em cũng thèm lắm nhưng sau khi vần nó hết góc này đến góc khác, từ sáng đến chiều mới chụp xong thì chả ai dám ăn nữa”- Nguyễn Quang Việt kể. Còn Nguyễn Minh Ngọc thì sẽ mãi không quên kỷ niệm vật lộn 3 ngày trong kho thịt bò tươi để chụp ảnh khiến cô mất cả tháng trời không dám… ăn thịt.

Nghề lạ nhưng “hot”

Trên thế giới, công việc food stylist khá phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực mới mẻ, chỉ mới bắt đầu được biết đến nhiều trong vài năm gần đây.

Làm đẹp món ăn: Nghề hiếm, lạ, công phu và 'hái ra tiền' ảnh 2

Bên cạnh các food stylist hoạt động tự do hoặc thành lập một nhóm chuyên nghiệp tự nhận các hợp đồng thì nhiều người theo nghề này lại làm việc tại các công ty truyền thông, các tạp chí về ẩm thực - du lịch hoặc công ty chuyên về food stylist, nhà hàng, công ty sản xuất thực phẩm... Vì thế, thu nhập của nghề được xem là khá ổn.

Theo food stylist Nguyễn Quang Việt, hiện nay, thu nhập của nghề dao động từ 15- 17 triệu/tháng. Nhưng đây chỉ là công việc thời vụ nên không đều. Bùi Lý Tiến Nguyên cũng tiết lộ một hợp đồng chụp ảnh các món ăn ở Việt Nam thường có mức sàn khoảng trên dưới 1.000 USD. Có những dự án đặc biệt, nhóm của Nguyên được trả đến 7.000 USD.

Do còn mới mẻ nên Việt Nam chưa có môi trường đào tạo hay giáo trình bài bản về nghề “trang điểm cho món ăn” này. Hầu hết những người theo nghề phải tự tìm tòi qua sách báo nước ngoài. Phần lớn các food stylist ở Việt Nam hiện nay đều là các đầu bếp kiêm nhiệm.

“Muốn theo đuổi nghề đòi hỏi sự say mê, sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú và khả năng hiểu biết về nhiếp ảnh, bố cục, sắp đặt, thậm chí cả kiến thức hóa học nữa để có thể tạo ra các hiệu ứng lạ cho món ăn như khói, màu...”- Minh Ngọc nói về tiêu chí của nghề.

“Chắc chắn không thể thiếu sự kiên nhẫn, tỉ mẩn rồi. Ví dụ bạn đang ngồi sắp lại từng hạt cơm trên chén cơm, nếu bạn nóng vội, bực tức vì các hạt cơm cứ dính bết vào nhau thì rất khó để tạo hình ảnh một chén cơm tơi ngon mắt”- Tiến Nguyên nhấn mạnh.

“Quan trọng nhất vẫn là phải có tình yêu với ẩm thực”- Tổng bếp trưởng Ao Ta chia sẻ quan điểm. 

MỚI - NÓNG