'Làm dâu cả xóm', cô gái nghẹn ngào thấy mẹ chồng vừa khóc vừa nấu cơm

Ngày về làm dâu mẹ chồng, chị Hà hốt hoảng vì biết mình phải 'làm dâu cả xóm' bởi xung quanh nhà chồng đều là họ hàng thân thiết.

Ngày về làm dâu mẹ chồng, chị Hà hốt hoảng vì biết mình phải "làm dâu cả xóm" bởi xung quanh nhà chồng đều là họ hàng thân thiết.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (32 tuổi, sống tại quận 12, TP.HCM) làm dâu mẹ chồng Nguyễn Thị Minh Trang (60 tuổi) được 4 năm. Suốt thời gian ở chung, mẹ chồng nàng dâu chưa từng có mâu thuẫn nào lớn bởi cả hai luôn coi nhau là người thân ruột thịt trong nhà.

Chị Hà cho biết, chuyện tình của chị và ông xã Huỳnh Quang Khải ban đầu không như ý. Ông xã kém tuổi nên chị Hà từng không muốn tiến xa hơn. Sau này, nhờ sự kiên trì của anh Khải, chị Hà mới dần mủi lòng. Tuy nhiên mối quan hệ của hai người không vừa lòng mẹ đẻ của chị Hà.

Mẹ chồng, nàng dâu có 4 năm chung sống.

"Mẹ mình ban đầu không thích anh Khải, ngăn cấm bọn mình đến với nhau. Nhưng sau này thấy anh Khải mở lớp dạy tình thương 0 đồng cho các cháu nhỏ khó khăn, mẹ đồng cảm rồi dần thương, chấp nhận con rể”, chị Hà kể.

Kể về lần đầu nói chuyện với mẹ chồng qua điện thoại, chị Hà thấy mẹ rất nhẹ nhàng nên cảm mến. Sau đó được gặp mặt trực tiếp, chị càng quý mẹ chồng hơn vì sự thân thiện, vui vẻ của mẹ.

Mẹ chồng Minh Trang cũng rất ấn tượng với con dâu ngay lần đầu tiên gặp. Con dâu không chỉ có ngoại hình xinh đẹp mà nấu ăn đạt tiêu chuẩn 100%.

Sau ngày cưới, chị Hà dọn về sống chung với mẹ chồng bởi chồng chị là con trai duy nhất trong nhà. Những ngày đầu, việc thích nghi cũng khá khó khăn. Xung quanh nhà mẹ chồng là các chị em, cậu dì của chồng nên chị Hà khá lo lắng. Vì một lần lỡ lời gọi mẹ chồng là "bà ấy", chị Hà bị dì của chồng phê bình. Vì lần đó chị Hà khóc rất nhiều.

Chị cũng bị mẹ chồng nhắc nhở phải cẩn thận lời ăn tiếng nói. Bởi mẹ chồng có thể thông cảm nhưng cô dì chú bác bên cạnh nhà sẽ để ý. Chị Hà cũng giải thích, ở quê chị, chỉ có người thân thiết mới gọi là “bà ấy” chứ chị không hề có ý hỗn láo.

Việc phải “làm dâu cả xóm” khiến chị Hà có chút hoảng loạn. Chị chỉ biết cố gắng sống chân thành, hết mình với mọi người. Thời gian 4 năm làm dâu, chị dần chiếm được cảm tình của xóm giềng, họ hàng nhà chồng. Ai cũng quý mến, yêu thương chị như con cái ruột thịt trong nhà.

Mẹ chồng luôn coi con dâu là con gái trong nhà, mọi việc bà đều chia sẻ với con dâu. Bà Trang cho hay, cho đến hiện tại bà nói chuyện với con dâu nhiều hơn con trai. Có những việc bà chỉ chia sẻ với con dâu vì hai người cùng là phụ nữ, dễ đồng cảm hơn.

Kể về kỉ niệm đáng nhớ với mẹ chồng, chị Hà nhắc lại lần bắt gặp mẹ khóc thút thít dưới bếp sau hơn 1 năm làm dâu. Chị tò mò hỏi mới biết, mẹ bị người chơi hụi lừa hết tiền.

Lo lắng cho mẹ, chị liền lấy hết số tiền tích cóp đưa cho mẹ. Hành động của con dâu khiến mẹ chồng hết sức xúc động, ôm lấy con nói lời cảm ơn. Sau này, nhiều lần mẹ chồng trao cho con dâu cái ôm như vậy khiến tình cảm mẹ con càng thêm gắn bó.

Chính chị Hà cũng thừa nhận những cái ôm chính là sợi dây gắn kết tình cảm mẹ con. Mẹ coi chị như con gái, chị coi mẹ như mẹ đẻ của mình. Đối với chị Hà, mẹ chồng là điểm tự tinh thần. Chỉ cần có chuyện buồn, chị sẽ tâm sự với mẹ, nghe mẹ khuyên nhủ.

“Tôi coi Hà như con gái trong nhà. Mình cứ nghĩ nó là con gái chứ không phải là con dâu nên mọi thứ rất dễ dàng. Khi Hà sinh con, tôi để Hà quyết định mọi thứ. Thấy con dâu nuôi cháu ngày một khôn lớn, tôi rất mừng", bà Trang chia sẻ.

Theo Vietnamnet