Làm báo trong tù

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một chân khóa trong cùm, mọi sinh hoạt gói gọn trong mấy mét vuông không có ánh sáng, thường xuyên bị tra tấn, khám xét... cũng không ngăn cản được những người làm báo tác nghiệp trong tù. Hàng trăm tờ báo, tạp chí, bản tin... chưa lúc nào ngừng cung cấp thông tin, ngay cả ở những nơi được cho là địa ngục trần gian như Nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Phú Quốc...

Báo viết trên mẩu giấy thuốc lá

Nhà giáo nhân dân Trần Hữu Thỏa (Nguyễn Tiến Hà) là tù chính trị trong Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1950 đến năm 1953. Năm nay ngoài 90 tuổi nhưng ông vẫn có thể kể rành mạch về những ngày làm báo có một không hai ở Hỏa Lò: “Tôi được giao nhiệm vụ làm chủ biên và lo mọi việc để ra mắt Bản tin trong Nhà tù Hỏa Lò. Các chi ủy viên, tổ trưởng Đảng ở các trại được chọn lọc tham gia góp tin. Trụ sở viết báo là gầm sàn. Nơi cất giấu bản thảo là “hầm hàm ếch”, nói đúng hơn chỉ là cái hốc đào trong tường, ngang dọc chừng hơn 10 phân. Cửa hầm được ngụy trang kín, bên ngoài xếp chăn, gối che khuất. Báo viết xong được bí mật truyền đi các nơi đã động viên đảng viên, quần chúng tin tưởng ở thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ”.

“Tờ “Xuân tù” của trại L ra đời, có minh họa màu sắc xanh đỏ rất vui mắt. Màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng lấy từ thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu của nhà thuốc. Anh em trong trại chuyền tay nhau đọc. Ai không biết chữ thì ngồi nghe. Anh Đối trước khi vào tù là loại mít đặc “cán cuốc”, địch tra tấn dã man, anh cắn lưỡi không khai. Nay anh cũng giác ngộ, tâm sự với tôi: Tinh thần cao chưa đủ, phải có văn hóa cao mới làm cách mạng được” (Trích hồi ký “Âm thanh cuộc đời” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận – một cựu tù Hỏa Lò).

Ông Thỏa cũng cho biết, trước đó, khoảng đầu những năm 30, Hỏa Lò còn một tờ báo nổi tiếng khác tên là “Con đường”. Chủ bút “Con đường” chính là Tổng Bí thư Trường Chinh, bút danh Cây Xoan. Báo được chép tay, mỗi số ra 5-7 bản chuyền đọc trong nội bộ. Ngoài ra còn có “Lao tù tạp chí” lớn bằng bốn ngón tay là cơ quan ngôn luận phổ cập tới mọi hang cùng ngõ hẻm trong Nhà tù Hỏa Lò và cũng là tờ báo sống lâu nhất. Trung bình mỗi tuần có một số và trong khoảng thời gian ba năm, “Lao tù tạp chí” đã xuất bản hơn 200 số. Mỗi khi có những sự kiện lớn hay các cuộc đấu tranh, các nhà báo lại ra các bài viết có nội dung kỷ niệm, động viên tinh thần tù nhân, lên án chế độ nhà tù hà khắc.

Làm báo trong tù ảnh 1

Dựng lại cảnh làm báo trong tù tại nhà tù Hỏa Lò

Bên cạnh nhiệm vụ làm báo, trong tù, ông Thỏa còn tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó. Thời gian này, anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật: Thầy giáo Thỏa hay thầy Hiệu trưởng Thỏa.

Đạo diễn Hoàng Quân Tạo (Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Kịch Hà Nội) - một trong những người đầu tiên phát hiện và đưa kịch Lưu Quang Vũ lên sân khấu cũng là một cựu tù Hỏa Lò. Ông kể: “Tôi bị giam ở khu Cachot (ngục tối), còn được gọi là ngục trong ngục. Mọi người đều bị cùm chân trong bóng tối, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị phù nề vì xích và mờ mắt do thiếu ánh sáng và dưỡng khí. Nhưng chỉ cần không phải nằm liệt vì kiệt sức, chúng tôi lại tìm cách đấu tranh và động viên nhau. Tôi dựng nhiều vở kịch ngắn ngay trong xà lim để tuyên truyền cách mạng và cổ vũ anh em. Một số đồng chí khác thì làm báo. Họ tận dụng mọi mẩu giấy có được như giấy thuốc lá, giấy bạc hoặc các cuốn kinh do cố đạo mang vào rồi viết bằng bút chì Niger đen thành các tập nhỏ để lưu hành nội bộ. Những lúc bị kiểm tra gắt gao, anh em gói “báo” vào túi ni lông nhét xuống thùng đựng chất thải để qua mắt cai ngục. Gốc cây bàng ngoài sân cũng là chỗ lưu giấu tài liệu, báo chí”.

Báo “in” trên nền nhà lúc nửa đêm về sáng

Trong trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” hiện đang diễn ra ở Nhà tù Hỏa Lò (từ 18/5 đến 31/12) tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có nhiều thông tin thú vị về những sản phẩm báo chí “chưa từng có” ra đời trong nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn, cựu tù Côn Đảo kể lại về những ngày tháng làm báo trong tù: “Hưởng ứng phong trào làm báo, phòng 9, trại 6B ra tạp chí đầu tiên mang tên “Xây dựng”, tôi được các đồng chí trưng dụng viết bài. Đó là tạp chí thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt, được anh em đón nhận nhiệt tình. Giấy viết được làm từ hộp các tông của bệnh xá ngâm nước lạnh, rã ra thành nhiều tờ, mực được làm từ glycerin nấu với than pin giã nhuyễn…”.

Một trong những “huyền thoại làm báo trong tù Côn Đảo” chính là ông Cơ Còi - tên thật là Đặng Đức Hòa. Câu chuyện ông Cơ làm báo được chính con trai cả của ông là ông Đặng Đức Tiến kể lại.

“Cụ nhà tôi từng đỗ tú tài thời Pháp. Lần bị bắt đầu tiên, cụ bị giam ở Hỏa Lò. Ở đây, cụ được giao làm chủ bút tờ “Lửa thiêng”. Nhưng “Lửa thiêng” bại lộ, cụ bị địch liệt vào nhóm nguy hiểm và cho đày ra Côn Đảo. Ở đây, cụ lại sáng lập ra tờ “Phá ngục”. Nguồn để làm nên tờ báo chính là những thông tin của anh em tù làm nhiệm vụ khuân vác hàng từ trên tàu lên đảo. Trong quá trình khuân vác, anh em tranh thủ hỏi thông tin từ những thủy thủ người Việt từ đất liền”.

Đồng đội của ông Cơ Còi, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đoàn Duy Thành - cũng là một cựu tù chính trị Côn Đảo cho biết: Ông Cơ rất nhỏ và gầy nên Tây không để ý, thế là ông ấy tranh thủ len lỏi săn tin, truyền tin. “Phá ngục” ra mỗi tuần một kỳ, ban biên tập có 11 người. Đến ngày xuất bản, cứ khoảng 9h đêm khi cửa phòng giam đóng kín, anh em sẽ phân công nhau người học bài, người hát, người kể chuyện để đánh lạc hướng cai ngục cho 11 người trong ban biên tập “Phá ngục” tập trung làm báo. Không có giấy, mọi người sáng tạo bằng cách dùng vỏ sò, san hô nung lên thành phấn rồi viết lên sàn thay cho giấy. Nơi đặt “tờ báo” là nền nhà ngay trước cửa nhà vệ sinh. Chỗ này an toàn, ít bị kiểm tra. Tờ báo làm từ 9 đến 11 giờ đêm là xong, anh em thi nhau đọc. Đến 5h sáng thì mọi người xóa đi bằng bao tải nhúng nước. Cũng nhờ có “Phá ngục” mà anh em tù được cập nhật thông tin cả trong và ngoài nước”.

Giống như ở Hỏa Lò, lịch sử báo chí trong tù Côn Đảo nở rộ từ những năm 30, lúc này ở đây đã có tờ “Ý kiến chung”, do các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn viết bài. Những năm 70, các tù nhân chính trị Côn Đảo có tờ nội san “Xây dựng” ra định kỳ hằng tháng, có các số đặc biệt nhân các ngày 1/5, 19/8, 2/9 và 20/12. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn cho biết, số đầu tiên được một cuốn khoảng 60 trang, luân chuyển đến phòng thứ 10 thì nhàu nhũn. Những số sau Ban biên tập cố gắng cho ra hai cuốn, rồi ba cuốn để anh em chuyền tay nhau đọc. Để cất giấu, ban biên tập cuộn chặt nội san vào túi ni lông, rồi chôn dưới gầm phòng giam.

MỚI - NÓNG