Làm ăn yếu kém, thua lỗ nên giải thể

Làm ăn yếu kém, thua lỗ nên giải thể
TP - Sau khi đăng 2 kỳ “Nước mắt công nhân cà phê” Tiền Phong đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề đang “nóng” này ở Tây Nguyên. Nhằm cung cấp thêm thông tin mà bạn đọc quan tâm Tiền Phong đã trao đổi với ông Lữ Ngọc Cư- Ủy viên chuyên trách thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và ông Đinh Văn Khiết- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk về vấn đề này.

> Nước mắt công nhân cà phê: Tư duy cũ lỗi thời
> Hành công nhân đủ đường

Loạt bài “ Nước mắt công nhân cà phê” đăng trên Tiền Phong ngày 26, 27/11/2013, thu hút sự quan tâm của dư luận, còn quan điểm của hai ông?

Ông Lữ Ngọc Cư: Tôi đã đọc. Báo nêu đúng sự việc, giải pháp đề đạt cũng có lý nhưng cần hiểu sâu sự việc từ lịch sử hình thành, những thăng trầm, nguyên nhân khách quan- chủ quan gây ra bất cập, lắng nghe nhiều chiều, nghiên cứu toàn diện, tổng hợp đầy đủ, phân tích thấu đáo, mới đưa ra các kiến nghị có tính thuyết phục được.

Ông Đinh Văn Khiết: Tôi đọc rồi. Báo viết đúng! Là lãnh đạo địa bàn có số doanh nghiệp sản xuất cà phê (CP) thuộc tỉnh, thuộc Tổng Cty CP và thuộc các đơn vị quốc phòng nhiều nhất trên cả nước, chúng tôi cũng rất đau đầu về vấn đề này. Lượt tiếp dân nào tôi cũng nghe các khiếu nại bức xúc quanh chuyện khoán sản phẩm CP. Tất nhiên Đảng và Nhà nước luôn muốn những điều tốt nhất cho dân, đây là lỗi cơ chế cần phải sửa.

Vì sao cũng là vùng trọng điểm sản xuất CP, nhưng Lâm Đồng không hề có khiếu nại kiện cáo về cơ chế khoán. Còn Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông luôn nóng bỏng về các mâu thuẫn trong cơ chế khoán, thưa ông?

Ông Lữ Ngọc Cư: Trong thực tế, có sự việc quá khứ là thành tích, nhưng hiện tại thì không phù hợp nữa. Lâm Đồng không có nhiều mô hình kinh tế kiểu này, nên ít xung đột hơn các tỉnh khác.

Ông Lữ Ngọc Cư
Ông Lữ Ngọc Cư.

Ông Đinh Văn Khiết: Hồi mới giải phóng, nhằm phát triển khu dân cư, đẩy lùi nạn đói và các bất ổn an ninh chính trị, Đắk Lắk đã đi đầu trong việc thành lập các Liên hiệp Lâm Nông Công nghiệp để khai thác tài nguyên nông nghiệp.

Qua nhiều lần thay tên đổi họ, sáp nhập giải thể, nay thành các Cty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có nguồn vốn nhà nước, gọi tắt là Công ty Cà phê quốc doanh (Cty CPQD). Bốn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum tới nay còn vài chục Cty CPQD thuộc tỉnh, Tổng Cty CPVN và Tổng Cty 15 do Binh đoàn 15 quản lý.

Nguồn vốn ban đầu bỏ ra khai hoang, trồng cà phê, tạo nên giá trị vườn cây cho các Cty CPQD đều từ ngân sách nhà nước, nhằm chăm lo cho người lao động từ tay trắng trở nên no ấm tiện nghi, hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội, con cái học hành đỗ đạt, am hiểu kỹ thuật thâm canh CP, hầu hết đều có mức sống khá hơn xưa rất nhiều.

Những vướng mắc nảy sinh bắt đầu từ: 1, Giá CP tuột dốc, các Cty không còn vốn đầu tư, dân phải tự đầu tư nhưng vẫn phải nộp nhiều loại thuế phí. 2, Thời gian nộp sản phẩm khấu hao vòng đời CP tới nay đã hết, nhưng giá trị tài sản thuộc sở hữu nhà nước vẫn còn, các Cty tiếp tục đòi tính khấu hao vòng 2 là thiếu tính thuyết phục. 3, Trách nhiệm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động thuộc các Cty, nhưng đa số Cty thua lỗ cạn nguồn, bắt người lao động đóng toàn phần và đóng vượt quy định, dẫn đến mâu thuẫn, khiếu nại.

Vì sao những bất hợp lý trong cơ chế khoán của ngành CP quốc doanh phát sinh từ lâu rồi, người lao động khổ sở, doanh nghiệp đổ nợ ngày càng trầm trọng... Tấm áo tư duy, cơ chế cũ có là nguyên nhân?

Ông Đinh Văn Khiết: Tỉnh đã nhiều lần tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tổ chức Thanh tra, buộc các Cty khắc phục, sửa sai. Tòa án đã xử nhiều vụ. Thanh tra Chính phủ cũng đã kết luận nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều lãnh đạo Cty năng lực quá yếu kém, thiếu trung thực, luôn tìm cách chống chế, tránh né, sửa đâu sai đó. Về phía người lao động cũng có một số nhận thức chưa đúng, cần được giải thích, hướng dẫn thấu đáo hơn.

Ông Đinh Văn Khiết
Ông Đinh Văn Khiết.

Ông Lữ Ngọc Cư: Bản chất khiếu kiện đông người, kéo dài, phức tạp, gay gắt hiện nay là do lợi ích xung đột giữa các công ty CP với người lao động. Nên, nếu để đôi bên xung đột tự giải quyết với nhau sẽ khó thỏa đáng, dứt điểm. Vì vậy, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh Tây Nguyên cần phải trực tiếp chỉ đạo, xem xét giải quyết theo Hiến pháp, theo Luật Đất đai và các Luật liên quan khác.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có tổng hợp, nghiên cứu, kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành trung ương sớm có những chủ trương, chính sách, cơ chế, quyết định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của xã hội, của cuộc sống, của yêu cầu phát triển, hội nhập kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước, đáp ứng mong mỏi chính đáng của người lao động.

Tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị tháo gỡ bất cập cho các Cty CP QD như thế nào, thưa ông ?

Ông Đinh Văn Khiết: Tất nhiên phát triển theo cơ chế nào cũng đều dựa trên quan điểm chăm lo cho người dân ngày càng khá giả, sống tốt hơn, chứ không phải để dân khổ hay kìm hãm lực lượng sản xuất.

Tỉnh đã đề xuất: Cty nào làm tốt thì tiếp tục làm “ bà đỡ” về dịch vụ cho người dân, còn các đơn vị yếu kém, thua lỗ nên cho giải thể hoặc cổ phần hóa. Toàn manh mún tư nhân thì khó tổ chức sản xuất CP chất lượng cao, khi có dịch bệnh xảy ra sẽ khó khống chế. Tuy nhiên, nếu tư nhân nhưng liên kết đồng bộ tốt, để khi cần có thể tập trung, chỉ huy, nắm đầu mối như một số mô hình liên kết tốt giữa doanh nghiệp với nông dân hiện nay đã chứng minh được, thì nên học tập, nhân rộng.

Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương quy định chặt chẽ điều kiện đối với các doanh nghiệp kinh doanh và người bán CP. Thuế VAT không nên hoàn lại cho đơn vị xuất khẩu, mà nên lập quỹ hỗ trợ CP VN để chuyển vào, sử dụng vào việc cho vay vốn tạm trữ, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nông dân tái canh CP.

Việc trước mắt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Cty điều chỉnh hợp đồng khoán cho đúng với các quy định, dân chủ, công khai, cầu thị sửa lỗi, trả lại hết các khoản thu vượt cho dân.

Trân trọng cảm ơn hai ông.

Mới đây, ngày 6/12/2013, Bộ NN & PTNT đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc thanh tra, kiểm tra các Cty CP thuộc Tổng Cty CP VN có trụ sở tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lăk. Bộ trưởng lệnh thanh tra toàn diện về đất đai, tài sản, khoán sản phẩm và các vấn đề được bà con nông dân khiếu nại, tố cáo, đồng thời yêu cầu Tổng Cty CP VN phải báo cáo Bộ trưởng kết quả kiểm tra và giải quyết các khiếu nại của bà con nông dân trước ngày 15/01/2014.

Hoàng Thiên Nga

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG