Lái xe sau khi uống rượu, bia nguy hiểm thế nào?

Vụ tai nạn của nữ tài xế lái BMW xảy ra vào cuối tháng 10 năm ngoái.
Vụ tai nạn của nữ tài xế lái BMW xảy ra vào cuối tháng 10 năm ngoái.
TPO - Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra gần đây đều liên quan đến vấn đề sử dụng rượu bia khi lái xe, trong khi thực tế điều này hoàn toàn có thể tránh được.
Gần đây, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người khi các tài xế "nhỡ miệng" uống rượu bia trước khi lái xe. Đặc biệt, khi lái xe mà trong máu có nồng độ cồn càng cao sẽ càng dễ gây những tác hại lớn.
Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra do rượu bia
Mới nhất chính là vụ việc xảy ra vào ngày 1/5 khi xe Mercedes GLA 250 đâm tử vong hai phụ nữ đi xe máy tại hầm Kim Liên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mà nguyên nhân chính ở đây do tài xế đã uống rượu bia vào đêm 30/4 trong buổi liên hoan họp lớp. Sau khi kiểm tra, công an phát hiện người này có nồng độ cồn lên tới 0,75mg/l khí thở.
Trước đó, vào tối ngày 22/4, một vụ tai nạn khiến nữ công nhân quét rác tử vong trên đường Láng khiến rất nhiều người xót xa không những vì cái chết bất ngờ mà còn vì gia cảnh khó khăn của nạn nhân. Trong khi đó, nguyên nhân xảy ra do tài xế lái xe Hyundai Veracruz đã uống rượu trong đám cưới và có nồng độ cồn đạt mức rất cao 1,041 mg/l khí thở, thậm chí nửa ngày sau người này vẫn chưa đủ tính táo. Thực tế, trước khi đâm chết người, chiếc ôtô trên đã va chạm với 5 xe máy trên đường Vĩnh Hồ nhưng không dừng xe mà tiếp tục lao đi.
Lái xe sau khi uống rượu, bia nguy hiểm thế nào? ảnh 1 Vu tai nạn xảy ra tại đường Láng khiến nữ lao công tử vong.
Vào cuối tháng 10 năm ngoái, nhiều người đã phải "thất thần" trong vụ việc nữ tài xế lái xe BMW đâm vào nhiều xe máy và taxi đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP HCM) khiến 1 người chết, 5 người bị thương. Trước khi gây ra "tai nạn kinh hoàng" này, người phụ nữ này đã dự tiệc tại một nhà hàng ở quận 1 và có dùng rượu bia, điều này cũng được chứng minh qua kiểm tra nồng độ cồn với 0,94 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nguyên nhân cũng phát sinh thêm từ việc tài xế đeo giày cao gót khiến quai hậu vướng vào chân ga.
Có thể thấy, rượu bia là nguyên nhân chính gây ra những tai nạn thương tâm vì gần như khi đó tinh thần của người lái đã không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý kịp thời. Đồng thời, một số nguyên nhân khách quan như đi giày cao gót hoặc nhầm chân phanh và ga cũng có thể kết hợp khiến hậu quả khó lường.
Mức xử phạt dành cho hành vi lái xe khi đang say xỉn
Tuy nhiên, thậm chí chưa cần biết tác hại thực tế của việc điều khiển xe khi đang có nồng độ cồn trong cơ thể, tài xế vẫn dễ dàng bị phạt bất cứ lúc nào nếu bị CSGT phát hiện. Theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, hành vi này bị nghiêm cấm hoàn toàn: "Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Mức xử phạt dành cho hành vi điều khiển ôtô sau khi uống rượu bia đã được chỉ rõ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP: Phạt từ 2 - 3 triệu đồng nếu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; phạt từ 7 - 8 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; và phạt từ 16 - 18 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Thực tế, tiền phạt mới tăng lên từ năm 2016 nhằm cải thiện và giảm thiểu số lượng tai nạn gây ra do rượu bia. Tuy nhiên, việc này dường như không tăng thêm tính răn đe khi có nhiều tài xế vẫn bất chấp, không tuân thủ pháp luật. 
Cần làm gì để tránh các tai nạn thương tâm do rượu bia
Tại sao vẫn có rất nhiều vụ việc xảy ra vì lái xe khi đang say xỉn dù chế tài xử phạt đã được thắt chặt và hậu quả gần như ai cũng hiểu rõ và có thể dễ dàng nhận ra?
Trước hết, vấn đề này chủ yếu do ý thức của các tài xế. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đã cho biết: "Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nguyên nhân từ ý thức kém chiếm đến 90%". Dù được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông và nếu CSGT kiểm tra sẽ chắc chắn bị phạt tiền nhưng nhiều người lái vẫn sẵn sàng uống rượu bia trước khi lái xe; hoặc khi đã uống rồi vẫn cố điều khiển.
Lái xe sau khi uống rượu, bia nguy hiểm thế nào? ảnh 2 Không lái xe khi đã uống rượu bia để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Tuy nhiên, gần đây có nhiều ý kiến cho rằng những người "cố nài" mời các tài xế uống rượu bia mới thực sự đáng trách. Thậm chí khi đã biết họ mang "trọng trách" lái xe nhưng những người mời vẫn cố tình ép họ uống "một vài chén" để chứng tỏ mình không bị "khinh thường". Đây cũng là một ý kiến đáng lưu tâm tới từ cộng đồng.

Trong khi đó, đối với các nguyên nhân khách quan khác có thể tránh được. Điển hình như việc nhiều phụ nữ thường đeo giày cao gót khi lái ôtô, điều này khiến mất trọng tâm của chân khi đạp ga hay đạp phanh, hoặc dễ gây trượt khi cần phải đạp phanh gấp. Trong nhiều trường hợp như vụ việc nữ tài xế lái xe BMW kể trên, quai hậu của giày đã vướng vào chân ga khiến xe không dừng lại được. Vì thế, tốt nhất, các chị em nên chuẩn bị thêm một đôi giày bệt hoặc thể thao để thay thế trước khi cầm vào vô-lăng.

Một nguyên nhân khác là do nhầm chân phanh và chân ga. Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến có lẽ trên các xe số tự động khi bàn đạp côn đã bị loại bỏ, người lái thường để hai chân lên hai bàn đạp còn lại. Điều này khiến tư thế của người lái bị lệch và đôi khi khiến họ bị lẫn khi gặp các trường hợp khẩn cấp. Do đó, hãy chỉ dùng chân phải để ga hoặc phanh còn chân trái để nghỉ ở mặt sàn. Hai nguyên nhân khách quan này nếu cùng kết hợp với việc say xỉn khi lái xe quả thật sẽ gây tai họa cực kỳ lớn cho những người xung quanh.

Lái xe sau khi uống rượu, bia nguy hiểm thế nào? ảnh 3 Không sử dụng giày cao gót khi lái xe.

Đối với người đi đường, để giữ được sự an toàn cho chính bản thân mình, trước hết hãy chú ý đi đúng theo luật giao thông; nếu thấy phương tiện nào đó có vẻ đáng ngờ có khả năng gây nguy hiểm, hãy tránh xa trước hoặc chuẩn bị tinh thần tự cứu mình. Tai nạn có thể xảy ra bất ngờ, vì thế chính người điều khiển xe trên đường cũng phải giữ được sự tập trung và tỉnh táo khi tham gia giao thông.

Về phần các tài xế, cần luôn luôn tự giữ mình trước mọi lời mời và không nên cố gắng lái xe khi đang say xỉn, hãy nhớ: "Đã uống rượu bia thì không lái xe" và "đã lái xe thì phải nói không với rượu bia".
MỚI - NÓNG