Lãi suất vay: Khó giảm?

TP - Trong khi doanh nghiệp sốt ruột “hóng” lãi suất cho vay trung dài hạn giảm tiếp thì giới nhà băng lại chia sẻ khó biến mong ước này thành hiện thực bởi dẫu đang thừa tiền mặt nhưng ngân hàng vẫn “hụt hơi” vốn dài hạn.
Tiền gửi đã hạ lãi suất trong khi lãi vay vẫn đứng im. Ảnh: Như Ý.

Người gửi, người vay đều... kêu

Bà Dương Thị Vân trú tại ngõ 81 Lạc Long Quân (Hà Nội) kể: Ki cóp mãi mới có hơn 100 triệu đồng gửi tiết kiệm. Bà Vân cho hay tết năm ngoái, bà gửi tại chi nhánh một ngân hàng ở phố Hoàng Quốc Việt với kỳ hạn 3 tháng một lần rút lãi với lãi suất 5,8%/năm. Tính ra, sổ của bà đã 4 lần đáo hạn. Đầu năm nay, cô nhân viên ngân hàng bảo luôn là cháu tính cho bác kỳ hạn 3 tháng lãi suất mới là 4%/năm. “Ấy vậy mà tôi nghe đứa cháu ruột kể nó cũng đi vay tại chính chi nhánh ngân hàng này theo dạng vay tín chấp cho khoản vay 3 năm với lãi suất tới 12%/năm. Tôi thì nhẩm tính như vậy, mỗi tháng chênh lãi tiền gửi - tiền vay gấp tới 3 lần”- bà Vân nói.

“Ngân hàng cứ nói ưu ái nhưng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7-8%/năm chỉ là danh nghĩa. Thực tế hầu hết DN phải vay vốn với lãi suất 9%/năm, một bộ phận chịu lãi suất 11-12%/năm. Làm sao DN có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài”?.

Ông Đoàn Trọng Ly, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Aprocimex 

Nhắc tới câu chuyện lãi suất, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay đúng là doanh nghiệp đang kêu dài cổ ngóng lãi vay trung dài hạn giảm. “Tiền gửi thời gian gần đây giảm rất nhanh (từ đầu tháng 4/2015 các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động thêm ít nhất 1%/năm) nhưng lãi cho vay thì giảm chậm quá. Nếu so sánh với mặt bằng của thế giới và lạm phát (hết quý I là 2,8%) thì rõ là lãi suất ở Việt Nam hiện vẫn cao gấp đôi. “Đúng là cần thông cảm cho ngân hàng phải có độ trễ tiền gửi và tiền vay nhưng cần nhìn rõ trong cơ cấu vốn cho vay dài hạn, ngân hàng có rất nhiều nguồn tiền chứ đâu chỉ mỗi kênh tín dụng. Đối với doanh nghiệp căn cứ vào khả năng sinh lời và chi phí hiện mặt bằng lãi suất trên 10%/năm là vẫn cao”- ông Kiêm khẳng định.

Còn nhớ, trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và thành phố Hà Nội tháng 3 vừa qua, ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) phải kêu lên: “Ngân hàng cứ nói ưu ái nhưng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7-8%/năm chỉ là danh nghĩa. Thực tế hầu hết DN phải vay vốn với lãi suất 9%/năm, một bộ phận chịu lãi suất 11-12%/năm. Làm sao DN có thể cạnh tranh được với DN nước ngoài”? Theo ông Lý, lãi suất cho vay bình quân từ 7,5%/năm trở xuống thì DN mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được.

Khó giảm?

Tại báo cáo vừa gửi tới Quốc hội kỳ này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình dành riêng một phần khá dài để nói về lãi suất. Thống đốc Bình cho biết việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất của NHNN trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô, điều kiện thị trường tiền tệ. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh theo mục tiêu đề ra của NHNN, chỉ bằng khoảng 40% lãi suất vào nửa cuối năm 2011 và thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 là giai đoạn kinh tế phát triển ổn định, góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân. “Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm, các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án/dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5-6%/năm”- Thống đốc nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi: Vì sao lãi tiền gửi thì giảm nhanh mà cho vay lại chậm? Tổng Giám đốc PVcomBank, ông Nguyễn Hoàng Linh cho hay hiện các ngân hàng đang  “thừa” tiền VND nên rất sẵn lòng ưu ái khách vay thậm chí đưa xuống mức lãi suất thấp nhất có thể - chỉ còn 6%/năm. Tuy nhiên, đó chỉ là với khoản vay ngắn hạn còn không ngân hàng nào đảm bảo cho doanh nghiệp hay cá nhân vay trung, dài hạn (3-6 năm) với mức lãi suất thấp” - ông Linh lý giải.