Kỳ vọng
Trong buổi giới thiệu về Triển lãm nguồn cung ứng quốc tế diễn ra ngày 6/12, tại TPHCM, ông Cao Văn Đồng - Ban chấp hành Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - cho biết, Bình Dương có 1.500 DN trong ngành gỗ nhưng có tới trên 80% DN giảm 50% giờ làm. So với đầu năm 2022, ngành gỗ của Bình Dương giảm 70% năng lực về xuất khẩu.
“Chúng tôi hỗ trợ các DN bằng cách tổ chức các triển lãm, hội chợ để kết nối, bán hàng. Các hội chợ quốc tế chính là cơ hội để DN gỗ và nhiều lĩnh vực khác trong nước tìm kiếm người mua hàng, phát triển và mở thêm thị trường mới” – ông Đồng nói.
Triển lãm nguồn cung ứng quốc tế sẽ là cơ hội để nhiều DN tìm kiếm thêm khách hàng, thị trường mới |
Chia sẻ về tình hình DN dệt may, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam tại TPHCM - cho biết, cuối năm 2021, khi Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch, lượng đơn hàng về ào ạt. Đây được coi như giai đoạn hoàng kim của ngành dệt may. Các DN khẩn trương tuyển thêm lao động để kịp tiến độ đơn hàng. Thế nhưng, tình hình chỉ khởi sắc đến giữa năm 2022 thì bắt đầu đảo chiều. Sợi cotton trong nước gần như không bán được, tồn kho rất nhiều. Ngành may nếu thiếu đơn hàng trong khi lao động lại đông, không biết DN sẽ trụ lại như thế nào.
“Chúng tôi kỳ vọng qua hội chợ, các DN Việt có cơ hội tìm thêm nhiều người mua hàng mới, có thêm thị trường mới. Trước giờ, ngành dệt may quá tập trung vào xuất khẩu, bán hàng theo dạng B2B (DN với DN) nhưng bây giờ tôi cho rằng, DN cần phải DN bán hàng theo dạng B2C (DN và người tiêu dùng cá nhân), chinh phục giấc mơ bán hàng ra thế giới” - bà Mai chia sẻ.
Triển lãm nguồn cung ứng quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, dự kiến diễn ra ngày 26-28/4/2023 tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM).
Kiến nghị hỗ trợ DN
Theo bà Mai, lãi suất ngân hàng quá lớn. Khi hàng hóa không tiêu thụ được, người mua yêu cầu trả chậm thì các nhà máy trong nước chịu một áp lực rất lớn về tài chính.
“Muốn làm ăn có lãi thì phải có vốn để mua nguyên liệu, nhưng với lãi suất cao, khách hàng muốn trả chậm nên nhiều DN dệt may không thể cầm cự nổi” - bà Mai nói.
Doanh nghiệp dệt may cố gắng cầm cự để vượt bão (ảnh tại Công ty Việt Thắng Jean) |
Trước tình hình đó, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị DN cần linh động, đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa thị trường. Đối với thị trường châu Âu và những thị trường có những Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây cũng là cơ hội cho DN. Tại đây DN sẽ được giảm thuế nếu thỏa mãn các cam kết về quy tắc xuất xứ, về lao động, môi trường làm việc… để chúng ta có cơ hội có khách hàng.
Các hiệp hội kiến nghị Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách để hỗ trợ DN, như đồng hành cùng DN hỗ trợ người lao động đón Tết; có những chính sách về miễn, giảm, giãn thuế để DN có thêm động lực vượt qua giai đoạn này. Các hiệp hội cũng khuyến nghị các DN phải đồng hành cùng nhau, san sẻ về đơn hàng, thị trường…
Ông Hu Wei - Tổng Giám đốc Global Sources - chia sẻ, Việt Nam đang là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nhiều DN trên toàn cầu đang tích cực tìm kiếm nhà cung ứng tại đây. Dữ liệu của công ty cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, logictics toàn cầu bị gián đoạn nhưng đơn đặt hàng tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên. Điều này cho thấy, rất nhiều DN trên toàn cầu đang tập trung tìm kiếm nguồn cung và đơn hàng tại đây.