Lại mờ nhòe tiếp một địa chỉ đỏ - Kỳ cuối: Lạ lùng Quần Tín?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều. Nhiều lắm những xao xuyến bồi hồi khi ngó lại những dòng hồi ức của con gái nhà văn Vũ Ngọc Phan, họa sĩ Vũ Giáng Hương từng là yếu nhân của nền văn nghệ nước nhà…

Đâu rồi những thời khắc hiếm hoi gặp gỡ hàn huyên khó dứt giữa nhà văn Vũ Ngọc Phan với người em cọc chèo - tướng Nguyễn Sơn.

…Khi gặp cha tôi, hai ông cùng nhau nói chuyện về văn chương say sưa không dứt. Ông Sơn nói với cha tôi: “Tôi ham mê quân sự như thế nào thì cũng ham mê văn nghệ như vậy”.

Đám trẻ nhà Vũ Ngọc Phan trong đó có cô con gái Vũ Giáng Hương say mê chiêm ngắm ông cậu tài hoa phi ngựa như bay trên bờ đê Nông Giang, hoặc đi xe đạp bỏ cả hai tay, một tay cầm điếu thuốc… Sau thời điểm toàn quốc kháng chiến, vùng tự do Thanh Hóa trong đó có Quần Tín như được âm phù dương trợ trở thành An toàn khu (ATK) cho một cơ quan văn hóa đứng chân. Quần Tín nay thuộc xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Tôi nèo chị Nguyễn Thị Thanh cố tìm dấu tích của nhà bà Cò Chắt… Chị Thanh đã 2 khóa là huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường có thôn Quần Tín. Giờ chị đương luân chuyển tiếp đảm chức Bí thư Đảng ủy một xã lớn bên cạnh Thọ Cường là xã Thọ Tiến của huyện Triệu Sơn.

Lại mờ nhòe tiếp một địa chỉ đỏ - Kỳ cuối: Lạ lùng Quần Tín? ảnh 1

Các nhà văn kháng chiến ở Quần Tín trong một lớp học. Ảnh TL

Những lối đi cùng những ngôi nhà mà chị từng làu thuộc của Quần Tín như khơi lại một quá vãng ấm áp thương mến.

“Gia đình nhà chúng tôi là gia đình đông con nhất nên đời sống cũng khó khăn. Đến cuối năm 47, cha mẹ tôi nhờ đất nhà chị Cò Chắt, dựng 3 gian nhà lá và nhận làm bột giấy cho xưởng giấy Đông Minh. Lúc đó ông Hoàng Văn Chí làm giám đốc. Ông Chí là chồng dì tôi, bà Lê Hằng Phấn, tôi gọi ông bằng cậu. Xưởng giấy Đông Minh ở Quần Kênh, đi dọc theo con mương khoảng 6 cây số tới nhà máy. Ông ngoại tôi và các dì tôi đều ở đó. Dì Lê Hằng Phấn, dì Lê Hằng Huân, dì Lê Hằng Trang. Các dì tôi đều làm việc trong xưởng giấy. Bà Hằng Phấn rất xinh đẹp, họa sĩ Sỹ Ngọc đã vẽ cho bà một bức chân dung bằng sơn dầu, nay đã thất lạc. Cứ tiếc mãi.

Lại mờ nhòe tiếp một địa chỉ đỏ - Kỳ cuối: Lạ lùng Quần Tín? ảnh 2

Vợ chồng tướng Nguyễn Sơn và Hằng Huân cùng cô con gái đầu Thanh Hà tại Quần Tín

Bộ Tư lệnh Liên khu IV đóng ở gần đấy. Khi Tướng Nguyễn Sơn đặt vấn đề với dì tôi, dì Hằng Huân còn trẻ lắm, mới 23 tuổi. Nhưng rồi cũng hâm mộ tài năng của ông nên đã nhận lời…” (hồi ức của họa sĩ Vũ Giáng Hương).

Nhưng luẩn quẩn hơn tiếng đồng hồ mà dấu tích nhà chị Cò Chắt, Xưởng giấy của ông Hoàng Văn Chí vẫn chưa lần ra?

Lại dày thêm những bâng khuâng. Hóa ra cụ Sở Cuồng Lê Dư nhạc phụ của những Vũ Ngọc Phan, tướng Nguyễn Sơn và ông Hoàng Văn Chí nếu không có hồi ức của bà Giáng Hương nhắc thì khó ai biết rằng cụ đã từng lưu thân ở đất Quần Tín này nhiều năm?

Hơi bị hiếm thuở ấy và cả những sau này, một nhà, một trí thức danh giá như học giả Sở Cuồng có ba nàng Kiều gả cho tinh những rể danh giá? Cũng cần nói thêm, bà Giáng Hương có lẽ yêu bà dì ruột Hằng Huân mà có nói quá lên một tý đó thôi? Chứ không có những vận động cùng mai mối với cả cái sự nói khó của vài người (trong đó có cụ cử Nguyễn Đình Ngân khi ấy đang giữ trọng trách Liên Việt Khu Tư) với cụ Sở Cuồng, ông bố vợ tương lai khó lẫn kỹ tính của tướng Nguyễn Sơn thì mối lương duyên ấy cũng khó mà thành!

Khó hình dung bãi đất hoang cây cối rậm rì mấy cái nhà lưa thưa mới cất này từng xôm tụ một đám cưới theo lối đời sống mới có văn nghệ hò hát vui vẻ nổ trời. Nhà thơ Hữu Loan khi ấy ở đơn vị bộ đội sư 308 đóng ở gần Quần Tín đã được mời tới dự đám cưới vị Tướng kiêm Khu trưởng Khu IV này.

Có vẻ như Hữu Loan không mấy nhiệt thành hỉ hả chia vui với đám cưới xôm tụ như nhiều người khác? Ngay hôm sau, tướng Sơn mời các chiến hữu thân thiết dự một buổi ăn sáng có cà phê ngay chính ngôi nhà cất tạm ở khu rừng Mụ Đốp. Ngó tấm ri đô màu hoa cà tướng Nguyễn Sơn chăng ngăn phòng ngủ với phòng khách; Chỉ có vậy thôi mà Hữu Loan đã nóng mắt đốp luôn trước mặt Nguyễn Sơn và mọi người rằng anh là cái thằng tiểu tư sản chứ tướng tá chi!

(Nhưng yêu, trọng và hiểu tướng Nguyễn Sơn có lẽ khó ai bằng Hữu Loan. Mọi người hẳn nhớ năm 1956, tướng Nguyễn Sơn mất, Hữu Loan trong cuộc đời sáng tác của mình, hiếm hoi có một ấn phẩm đăng trên Báo Nhân Dân. Đó là trường ca Đám tang không bao giờ đi đến huyệt).

Có người nói lại là ngay sau thời điểm nóng mắt đùng đùng bỏ bữa cà phê sáng ấy ra về, anh lính Hữu Loan đã viết một mạch bài Màu tím hoa sim trong tâm trạng bực bõ lẫn vương vất hình bóng thân yêu của người vợ chết trẻ Lê Đỗ Thị Ninh. Cũng có thể Màu tím hoa sim ra đời trong hoàn cảnh ấy? Nhưng cuốn lịch sử Văn hóa Khu Tư kháng chiến chống Pháp ghi rất rõ thời gian Hữu Loan theo lớp học của các văn nghệ sĩ kháng chiến tại Quần Tín, Màu tím hoa sim của Hữu Loan đã ra đời… Mấy ngôi lán dùng tổ chức lớp học oái oăm lại chen giữa những bạt ngàn màu hoa sim tím lịm…

Vâng, rất có thể những môn đệ của Hữu Loan và những Tím chiều hoang biền biệt mai này sẽ có tấm biển ở xứ Quần Tín này đại loại: Tại đây Màu tím hoa sim đã ra đời!

Cũng như các tấm biển khác cũng na ná:

Tại ngôi làng nơi quần tụ của niềm tin - Quần Tín này, các thi phẩm “Ðêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Bài ca vỡ đất” của Hoàng Trung Thông, “Phá đường” của Tố Hữu đã được sáng tác.

Và nữa.

… Tại đây, Xưởng họa kháng chiến ở Quần Tín các tác phẩm “Tình quân dân” - sơn mài của Sỹ Ngọc, “Mẹ con” - phù điêu của Nguyễn Thị Kim, “Du kích Cảnh Dương” của Phạm Văn Đôn đã được sáng tác… Cũng chẳng thể đặng đừng vài chi tiết về người rể Hoàng Văn Chí của cụ Sở Cuồng Lê Dư.

Từng là một yếu nhân của cán bộ Khu Tư, năm 1954, ông Chí di cư vô Nam. Nhưng không hợp tác với chế độ Diệm, ông bỏ đi Ấn Độ rồi sang Anh nghiên cứu, viết sách. Độc đáo là Hoàng Văn Chí từng lập xưởng Tương Cự Đà và xưởng sản xuất Thính Quê Hương tại Bowie, Maryland Hoa Kỳ. Năm 1985, trong tác phẩm "No More Vietnams", cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã viết rằng giới truyền thông nên tham khảo tác phẩm của Hoàng Văn Chí!

Ông Chí mất ở Hoa Kỳ năm 75 tuổi.

Cũng không thấy sách báo hay tài liệu nào nhắc đến người vợ thuở Quần Tín Hằng Phấn, người dì ruột của bà Giáng Hương?

***

Tôi đang ngồi với một người cháu nội cụ Vệ Tu.

Cụ thuộc dạng có máu mặt ở làng Quần Tín. Ngôi nhà gạch bảy gian khang trang thuở ấy hơi bị hiếm được dành cho trụ sở Xưởng họa kháng chiến. Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ lúc ấy chưa có gia đình ở một gian đầu còn các gian giữa dành cho anh em họa sĩ những Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim… và nơi hội họp.

Dân làng Quần Tín không biết cái anh họa sĩ kẻng trai ấy. Nhưng giới viết lách vẽ vời vừa rời thành ấy đều rành. Năm1936 Nguyễn Văn Tỵ thi đỗ vào trường Mỹ thuật Đông Dương, học cùng khóa với những Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước, Trần Văn Lắm...

Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ từng đi vẽ khắp Đông Dương. Tranh ông từng tham dự các triển lãm quốc tế như Paris (Pháp), Batavia (Indonesia), Bruxelles (Bỉ) và San Francisco... Năm 1942 từng có triển lãm riêng lần đầu tiên ở Đông Dương bày 32 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ.

Năm 1943 ông đi Nhật Bản tham gia triển lãm ở Tokyo.

Năm 1945, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc Nguyễn Văn Tỵ nổi tiếng với bức vẽ cổ động Độc lập hay là chết trưng bày tại Hà Nội. Cuối năm 1946 ông tham gia tổ chức và giảng dạy Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó đi vẽ ở mặt trận Nam tiến rồi về thẳng Quần Tín này.

Nhà cụ Lê Văn Tu dần dà thành nơi đứng chân cho cơ quan Xưởng họa Liên Khu IV và Phân Xưởng Mỹ thuật Liên Khu, Tập san Mỹ thuật và Tạp chí Sáng tạo - cơ quan ngôn luận của Văn hóa kháng chiến Liên khu 4 dưới sự điều hành của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ tài năng.

Dãy nhà khang trang ngày ấy trong thời gian CCRĐ đã thu hẹp lại còn vài gian. Cụ Tu bị đấu tố ác liệt. May mà thoát chết. Người cháu có đưa tôi coi tờ giấy đã ố vàng do ông Tôn Viết Nghiệm - Chủ tịch Thanh Hóa thời xa ấy chứng cho gia đình cụ Tu sau sửa sai xuống thành phần trung nông.

Không xa nhà cụ Tu là cái giếng làng Quần Tín huyền thoại có từ thời Bình Định Vương Lê Lợi, nơi tắm giặt gặp gỡ chuyện trò của các gia đình anh chị em văn nghệ sĩ kháng chiến một thời. Giếng nứt ra từ đá. Nước rất trong. Hồi CCRĐ chả hiểu sao, giếng bị lấp.

Rồi ngôi giếng cổ được khai thông lại và xây thành. Duyên do là cũng có cái tin trên đã chuẩn thuận việc xây dựng tại Quần Tín một quần thể lịch sử văn hóa!

- Nhưng ngôi giếng cổ đã được phục dựng nhiều năm nay nhưng Quần Tín vẫn chưa có dấu tích gì của Nhà văn hóa hay khu lưu niệm?

Chị Nguyễn Thị Thanh buồn bã chia sẻ với tôi:

- Hết năm này năm khác, suốt 16 (mười sáu) lần hết công văn tới hội họp, rồi kiến nghị hết ở xã lên huyện, hết ở tỉnh lên Trung ương bàn việc xây dựng nhà bia, khu văn hóa tại làng Quần Tín để kỷ niệm cái nôi của Hội Văn nghệ Việt Nam. Có lúc niềm vui đã đến sát sườn, nhưng rồi, tất cả lại chuội đi, chỉ vì một nỗi: chưa có tiền. Riêng Hội Nhà văn Việt Nam lập dự án cho một tấm bia kỷ niệm mà cũng chưa xong anh ạ. Dân Quần Tín chúng tôi đã huy động của dân cho khu di tích tới 7 ha đất, dân không đòi lấy một đồng. Đất đang có đó, mà nhà văn hóa chưa có…

Một khu trung tâm văn hóa lịch sử? Một ngôi nhà lưu niệm, tại sao không? Và một tấm bia lưu niệm mà Hội Nhà văn Việt Nam rậm rịch tiến hành nhiều năm nay cũng không nốt?

Và hơi bị lạ, một chứng nhận Di tích lịch sử cách mạng của Nhà nước cho Quần Tín cũng chưa có nốt?

Chị Thanh có đưa tôi coi vài bức thư tràn đầy tâm huyết của mấy vị lãnh Đảng Nhà nước từng ở, từng về, từng đến Quần Tín như ông Nguyễn Khoa Điềm trực tiếp gửi chị Thanh (Nguyễn Thị Thanh - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thọ Cường).

Xin trích:

“Quần Tín là địa danh của lịch sử cách mạng. Nên Quần Tín cần có một nhà bia ghi dấu ấy, xứng đáng cho văn hóa cả nước, làm cơ sở về nguồn cho các thế hệ mai sau mà còn phải là “địa chỉ đỏ”, một địa chỉ quan trọng về văn hóa và lịch sử của văn hóa trong kháng chiến chống Pháp, cần được ghi nhận và phát huy”.

Thông cảm cùng sẻ chia với tâm trạng bức xúc cùng là sốt ruột với những người từng nặng lòng với An Toàn Khu của văn nghệ sĩ kháng chiến… Tôi cứ mạo muội nghĩ, phải chi ngày ấy, với cương vị công tác của mình, các vị ấy quyết liệt cùng những khéo léo này khác? Chắc rằng hiệu quả sẽ sớm hơn?

Tất nhiên sự tử tế là chẳng bao giờ là muộn. Là cũ?

Quần Tín. Những rộn rịp thân thương ngày ấy…

Giờ chỉ thăm thẳm bóng người?

MỚI - NÓNG