Lại lo quá anh Hai à!

Lại lo quá anh Hai à!
TP - Tui hỏi chú Ba, giờ chú Ba đã tạm thời yên tâm và hết hoang mang chưa?

- Anh Hai hỏi điều chi? Hạn, mặn thì cứ rập rình dzậy. Nguồn nước cho cái nồi cơm của cả thế giới đang ở trong tình trạng “thành phần bản thân phụ thuộc”;  bán lẻ, bán chẵn thì hết đa cấp đến đơn cấp; miếng ăn cứ phập phù trong sự lựa chọn ăn cũng chết, không ăn đương nhiên chết luôn, dằn vặt trong sự lựa chọn điều xấu hay là sự tồi tệ?...

- Những chuyện đó thì “ bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi”! Tui đang nói chuyện về trung tâm của mọi trung tâm, động lực của mọi động lực, đó là con người…

- Là sao anh Hai?

- Chu cha! Chuyện trọng trong mỗi mái nhà mà chú hỏi dzậy hổng có sợ tui tổn thương hử? Tui nêu cho chú lịch sử vấn đề dzầy, ngày trước, có một nền giáo dục thủ công, thầy đọc, trò chép, thầy xướng, trò họa…Mô hình đó kéo dài miết theo năm tháng. Đến khi người ta giật mình thấy cái thứ triết lí thụ động, chỉ đạo, bảo ban nó lan dzô học đường sẽ sinh tiếp ra một thế hệ cha chú triệt tiêu sự sáng tạo năng động của kiếp người, thế là người ta quyết làm một trận đánh lớn…

- Hèn chi có nhiều tử sĩ, thương bệnh binh. Trận đánh lớn nên buộc cả xã hội phải động binh. Nhà nhà nháo nhào cho con cái học thêm không kịp thở. Người ta đôn đáo chạy trường, chạy lớp, chạy điểm. Bao đứa trẻ nhảy lầu, chọn thuốc rầy, thuốc chuột quyên sinh. Nhiều đứa trầm cảm, ngẩn ngơ thành phế binh…

- Đã coi nó là trận đánh thì tổn thất thương vong đâu tránh khỏi! Nhưng nói chuyện đã qua làm chi cho thêm đau lòng lắm người ơi! Tương lai nè! Triết lí đó hổng dụng nữa trong thời bình. Thời bình là phải kiến tạo và dựng xây. Mà công trình con người, trung tâm của mọi trung tâm, đương nhiên nó phải lớn. Đúng hông? Dzậy nên, triết lí giáo dục giờ là kiến tạo công trình lớn về con người…

- Tui như con chim bị đạn anh Hai à, lại lo như từng lo các công trình lớn ngàn tỷ trùm mền…

MỚI - NÓNG