Lại liền mạch sau một hoa giáp đứt đoạn

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô
Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô
TP - … Rặng trà mạn tươi tốt tạo nên hàng rào vuông vức giữa nhà 34 của bà Trịnh Văn Bô với nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đường Hoàng Diệu như còn vương chút sương thu sớm. Tôi ngồi hầu chuyện cụ bà quả phụ  Hoàng Minh Hồ. Cũng như mọi lần, khó mà dứt ra về một quá vãng cái thuở ban đầu dân quốc ấy cùng sự kiện hiến tặng vàng và nhà cho cách mạng.

Thời điểm ấy còn một năm nữa là cụ tròn trăm tuổi.

Ngồi bên cụ là anh con trai thứ Trịnh Cần Chính.

Chuyện về một sáng hè năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc.

Âm thanh vó ngựa dồn nước kiệu rồi dừng trước mấy căn nhà lụp xụp ven suối dành cho khu cán bộ tản cư trong An toàn khu. Người cưỡi ngựa chừng như đã thuộc lối, bước nhanh vào một nhà. Nhà của ông bà Trịnh Văn Bô. Thời ấy ông Bô đang có chân trong một cơ quan chính phủ. Bà vợ ông, Hoàng Thị Minh Hồ mới sinh con trai. Ông Bô hồ hởi bắt tay anh nhân viên giao liên của chính phủ rồi kéo khách đến bên chiếc bàn tre ọp ẹp. Khi đã ráo mồ hôi và kịp vài câu thăm hỏi, khách cười xin lỗi tôi cũng đương bấn. Biết bà nhà vừa sinh cháu bé, Cụ Hồ giao cho tôi đem đến tặng chiếc gối bông và dặn nguyên văn thế này: Nếu cô chú chưa đặt tên cho cháu thì lấy tên Chính. Ý là Cần Kiệm Liêm Chính.

Tiết trời hôm ấy như bừng sáng trong những chuỗi ngày tất tả của gia đình tư sản Trịnh Văn Bô từ khi tản cư lên Việt Bắc theo chính phủ.

Chuyện đương hồi xôm, thốt nhiên cụ bà vẫy anh con trai Trịnh Cần Chính đến ngồi bên bà trên chiếc tràng kỷ kê ở góc phòng ngủ.

Lần gặp trước, tôi được cụ bà kể về chiếc tràng kỷ này. Cụ Hồ hồi ở chiến khu về, ở nhà ông bà Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang đã nghỉ ngơi trên chiếc tràng kỷ đó. Cụ Hồ cũng  từng ngồi trên đó giữa đêm để phác thảo những ý chính của bản Tuyên Ngôn Độc lập.

Khúc nhôi năm tao bảy tiết, những gian nan lỡ làng của việc đòi lại ngôi nhà 34 những năm sau này chừng như khiến cụ bà có chút cảm giác hài lòng với quyết định đường đột của mình. Ấy là khi làm thủ tục hiến tặng ngôi nhà 48 Hàng Ngang cho nhà nước làm bảo tàng, cụ bất chợt nảy ra ý định rinh theo chiếc tràng kỷ này để làm kỷ niệm, ngộ nhỡ…

May mà chiếc tràng kỷ sau bao tao loạn vẫn còn đây. Nó được Trịnh Cần Chính vác theo sau cái đêm về sáng cõng mẹ vượt tường để vào ngôi nhà 34 này mà hàng lô xích xông các nhà chức việc cùng cơ quan có trách nhiệm đã hứa trả lại cho gia đình bà Trịnh Văn Bô suốt hơn 30 năm nhưng vẫn không thực hiện!

Bảy anh em con cái trai gái nhà này,  người con nào bà Bô cũng chi chút. Nhưng dường như Chính có chút nhỉnh hơn? Cái thằng, số nó cũng lận đận?

Năm xa ấy, Chính được chọn đi Liên Xô học ngành vận tải biển. Thành nghề, thành danh tưởng mừng. Năm 1974, được phân về công tác ở Bộ Tư pháp. Việc đương thuận, đương yên lành tự dưng có kẻ gắp lửa bỏ tay người. Những đố kỵ ghen ghét dệt thành màng lưới vô hình thít chặt lối đi. Năm 1979, Chính bị kỷ luật do chểnh mảng giờ giấc lao động và cuối cùng là một chuyện tày trời, Chính bị vu tội trốn nghĩa vụ quân sự! Mọi thanh minh khiếu nại rơi tõm vào im lặng. Cái danh gia đình có công và ân nhân của cách mạng không cứu được Chính. Chính bị đuổi việc .

Gia đình tư sản Trịnh Văn Bô lừng danh thuở nào trong cơn túng quẫn thời bao cấp phải cực kỳ chật vật để nuôi thêm một ông con kỹ sư nhưng không có lương và bị cắt sổ gạo. Chính theo bạn bè lang thang ở chợ Giời phố Huế. Gặp gì buôn nấy. Hình như chút gien lặn mang tố chất kinh doanh của nhà tư sản năm xưa bất ngờ trội lên ở người con trai kém may mắn này. Trúng vài quả, Chính tàm tạm sống được và có cơ mát mặt so với đồng lương công chức.

Nhưng Chính không đủ dũng cảm để vượt thoát được  cái tên con phe chợ Giời. Giữa những năm tám mươi, cái án kỷ luật của Chính ở cơ quan cũ được dỡ bỏ. Chính lại an phận với anh cạo giấy cùng đồng lương công chức. Chính miệt mài cắp sách đi học chuyên tu tại Đại học Pháp lý, nay là Đại học Luật. Bạn bè ngạc nhiên thấy Chính sau chương trình chuyên tu lại trở về… Bộ Tư pháp. Ngạc nhiên hơn, một thời gian sau lại chuyển về Đại học Luật. Mà làm gì? Chỉ là chân thủ thư kiêm cán bộ của Thư viện Đại học Luật với cái tên cũng kêu là công tác thông tin thư viện! Mà chốc nhát gì, tận hơn 10 năm trời nhàn tản đủng đỉnh với chức phận hành chánh?

Trong thời gian nhàn tản ấy, một cuộc gặp bạn bè đã cho người viết bài này cơ may gặp người con trai của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Thú thực, chuyện với Chính, cố chắp nối lại sự kiện danh giá năm nào điểm đầu lẫn điểm cuối, khó mà hình dung ra cái câu các cụ mình vẫn nắc nỏm hổ phụ ắt sinh hổ tử?!

Cái thứ nghĩ vội và bộp chộp hình như đã nhường chỗ cho sự nhầm lẫn? Phải vậy chăng mà cuộc gặp một sớm thu tại nhà 34 Hoàng Diệu hôm ấy, qua cuộc trò chuyện với cụ bà quả phụ Trịnh Văn Bô thân mẫu Trịnh Cần Chính khiến tôi thú vị lẫn ngạc nhiên. Đó là sự xuất hiện của doanh nhân Trịnh Cần Chính!

Chuyện thì dài… Không biết với quãng thời gian nhàn tản ở Thư viện Đại học Luật, Trịnh Cần Chính đã ủ những mưu gì? Đã chiêm nghiệm và âm thầm xúc tiến các việc để dứt khoát dẫm lại bước chân của tiền nhân nhà Trịnh Văn Bô ra sao?

Như cụ bà Trịnh Văn Bô, trên chiếc tràng kỷ đang rành rẽ khúc chiết (chắc là đang nhắc lại cho khách tường thêm chứ Trịnh Cần Chính chắc đã nằm lòng) về truyền thống về mạch nguồn và cái khiếu cái gien kinh doanh của dòng tộc. Trịnh Văn Bô, dòng dõi của Khánh quận công Trịnh Kiều, con thứ tư Chúa Trịnh Cương. Thân sinh cụ Bô, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ Trịnh Phúc Lợi. Mẹ ông họ Phan, người gốc Hoa, về sau nối nghiệp chồng quản lý thành công hiệu buôn Phúc Lợi. Cậu ruột ông cũng là một doanh nhân nổi tiếng đầu thế kỷ XX với hiệu buôn Cự Hưng. Cha ông không chỉ là một doanh nhân thành đạt, mà còn nổi tiếng đào tạo ra lớp doanh nhân kế thừa. Trong số học trò của cụ Phúc Lợi, ngoài 2 người con ruột là Trịnh Văn Bô (sau kế thừa hiệu Phúc Lợi) và Trịnh Thị Thục (hiệu Phúc Đồng), còn có Nguyễn Đức Mậu (hiệu Phát Đạt), Mai Bá Lân (hiệu Lợi Quyền), Vương Xuân Tọa (hiệu Lợi Hòa, Sài Gòn)... đều trở thành những doanh nhân thành đạt tại Việt Nam giữa thế kỷ XX.

Ông Trịnh Văn Bô được học hành tử tế, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng tốt nghiệp tú tài, cha ông không cho sang Pháp học tiếp, giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp. Bấy giờ, hiệu buôn Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang do mẹ ông làm quản lý.

Những ngày đầu cụ khởi nghiệp chỉ bằng 30 ngàn Đông Dương nhưng nhờ tính cần cù, cẩn thận và tiết kiệm, cộng với uy tín đã được cha ông chuyển nhượng lại từ đời trước nên việc kinh doanh của gia đình ngày càng lớn mạnh dần. Hai ông bà đã kế thừa và nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi, trở thành một nhà tư sản lớn thời bấy giờ. Hiệu buôn Phúc Lợi sản xuất và buôn bán tơ lụa sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí có giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật. 

Bà Bô đặt tay lên vai anh con trai. Qua chất giọng còn vang vượng ở tuổi sắp chẵn trăm ấy, rằng, mọi việc đại sự đều được quyết định trên chiếc tràng kỷ này! Tổng số nhiều đợt gồm 5.147 lượng vàng (tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ năm 1946) góp cho Chính phủ. Có việc đêm ấy hai vợ chồng cụ Bô cùng gia nhân đã tỷ mẩn lựa 1.000 lượng vàng bỏ vào trong ba chiếc túi gấm. Ba túi ấy được đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Lương Bằng đem đi… hối lộ cho 3 viên tướng Tàu là Hà Ứng Khâm (500 lượng), Lư Hán (300 lượng), Tiêu Văn (200 lượng) để làm cái việc trọng của quốc gia là hoà hoãn, tránh việc đụng độ giữa chính quyền cách mạng non trẻ và quân Tưởng Giới Thạch!

…Chẳng hay ngoài tôi hôm ấy ra, còn những ai may mắn được bà quả phụ Trịnh Văn Bô hé ra cái tin lạ? Lạ là 7 người con khi trưởng thành không ai theo nghiệp kinh doanh mà đều trở thành giáo viên, kỹ sư làm việc tại các cơ quan của nhà nước. Mà thời điểm ấy (cuối 2014) ló dạng một kỹ sư doanh nhân Trịnh Cần Chính cháu đích tôn nhà tư sản Trịnh Phúc Lợi, con nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô. Cứ như sự liền lại suốt một hoa giáp (60 năm) đứt đoạn mạch kinh doanh của nhà Trịnh Văn Bô?

Có vẻ như Trịnh Cần Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long không muốn nhắc lại, nói thêm về quá trình vất vả gian truân để hình thành Tập đoàn ra sao. Anh chỉ vắn tắt đôi điều về việc hiện tại đang ráo riết việc tái cấu trúc công ty để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động trong điều kiện kinh doanh không mấy dễ dàng này.

Cũng được biết thêm, cô con gái lớn của Chính đang học tài chính kinh doanh ở nước ngoài. Cháu cũng có nguyện vọng về nước giúp việc cho bố. Và cô thứ hai, ông bố Trịnh Cần Chính cũng đã định hướng để theo nghề truyền thống của dòng họ Trịnh Văn Bô.

Thời gian gần đây nghe doanh nhân Trịnh Cần Chính xôm tụ mảng kinh doanh với những Dự án chung cư Hesco Văn Quán (Hà Đông) và Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 3.000 tỷ đồng và can dự những việc lớn như mua cổ phần của VINACONEX này khác. Rồi cụ bà Trịnh Văn Bô đã về cõi với dư trăm tuổi trời. Nhớ đến cụ, nhớ thêm chất giọng rành rẽ như một lời răn cho con, doanh nhân Trịnh Cần Chính trên chiếc tràng kỷ lịch sử làm gì thì làm nhưng buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo, làm việc phúc đức!

Không biết với quãng thời gian nhàn tản ở Thư viện Đại học Luật, Trịnh Cần Chính đã ủ những mưu gì? Đã chiêm nghiệm và âm thầm xúc tiến các việc để dứt khoát dẫm lại bước chân của tiền nhân nhà Trịnh Văn Bô ra sao?

Ông Trịnh Văn Bô được học hành tử tế, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhưng tốt nghiệp tú tài, cha ông không cho sang Pháp học tiếp, giữ lại để đào tạo thành người kế thừa sản nghiệp. Bấy giờ, hiệu buôn Phúc Lợi ở số 7 Hàng Ngang và do mẹ ông làm quản lý.

Lại liền mạch sau một hoa giáp đứt đoạn ảnh 1 Ngôi nhà 34 Hoàng Diệu
Lại liền mạch sau một hoa giáp đứt đoạn ảnh 2 Bà quả phụ Trịnh Văn Bô trong một buổi gặp mặt người có công
Lại liền mạch sau một hoa giáp đứt đoạn ảnh 3 Hoàng Thị Minh Hồ và con trai Trịnh Cần Chính (bìa phải)
MỚI - NÓNG
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
Thuê 'đất vàng' ở trung tâm TPHCM rồi chiếm giữ, không thanh toán tiền
TPO - Công ty CP Thực phẩm sản xuất và Thương mại Sài Gòn 1, Công ty CP Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT), Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp II thuê nhà đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 1 nhưng viện dẫn lý do gặp khó khăn trong kinh doanh để không nộp tiền thuê nhà và không trả lại nhà, đất, không cam kết thời hạn khắc phục.
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
Vụ quái xế đâm chết người ở Hà Nội: Nỗi đau của xã hội
TPO - Vụ "quái xế" đâm tử vong một người ở TP. Hà Nội chưa lắng xuống, dư luận tiếp tục xôn xao về việc một nhóm đối tượng có hành vi chặn đường, dùng tuýp sắt đe dọa cướp xe máy của nam thanh niên ở Hà Nội bị bắt giữ. Điều đáng nói phần lớn đối tượng trên đều chưa đủ tuổi trưởng thành.